Gặp lại "Nụ cười chiến thắng" trong thơ

Thứ hai, 25/08/2014 09:04

(Cadn.com.vn) - Bà Võ Thị Thắng, người con gái trong bức ảnh "Nụ cười chiến thắng" nổi tiếng - một trong  những biểu tượng tinh thần chiến đấu bất khuất, lạc quan của nhân dân ta trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vừa qua đời ngày 22-8 tại TPHCM, ở tuổi 69. Mới đây, đọc lại lai cảo thơ Trần Quang Long, tôi phát hiện ra một bài thơ rất ấn tượng, anh viết sau những ngày Tổng tấn công Mậu Thân ở Sài Gòn.  Đó là bài thơ viết tặng nữ sinh Võ Thị Thắng với nụ cười "khét tiếng" trước tòa án quân sự ngụy quyền Sài Gòn, có tựa đề: "Nụ cười chiến thắng".

Võ Thị Thắng với "Nụ cười chiến thắng".

Thế hệ thanh niên chống Mỹ cứu nước, nhiều người yêu mến nhà thơ -chiến sĩ Trần Quang Long với bài thơ nổi tiếng "Thưa Mẹ, Trái tim" viết năm 1966. Trần Quang Long lúc đó mới 25 tuổi đã có những câu thơ gan ruột, ám ảnh và  nổ vang như súng trận:

Con sẽ vót nhọn thơ thành chông

Xuyên vào gan lũ giặc

Con sẽ mài thơ như kiếm sắc

Chặt đầu văn nghệ tay sai

...Nếu thơ con bất lực

Con xin nguyện trọn đời

Dùng chính quả tim làm trái phá

Sống chết một lần thôi !

Trần Quang Long quê gốc ở Bát Tràng, Hà Nội, sinh ra và lớn lên ở Huế. Trần Quang Long viết bài thơ "Nụ cười chiến thắng" dài 60 câu đầy xúc động ngay sau khi xem  phiên tòa xử chị Võ Thị Thắng, nữ sinh trường Gia Long Sài Gòn, tham gia tự vệ thành, bị bắt trong Tổng tấn công Mậu Thân 1968, bị Tòa án quân sự ngụy quyền xử 20 năm khổ sai. Trần Quang Long lúc đó đang dạy học ở Cần Thơ, nhưng lại là Ủy viên Mặt trận Liên minh Dân tộc Dân chủ và Hòa bình (MTLMDTDCVHB) Sài Gòn, Chủ tịch Hội sinh viên sáng tác thuộc Tổng Hội sinh viên Sài Gòn, nằm trong Ủy Ban MTLMDTDCVHB miền Nam Việt Nam do luật sư Trịnh Đình Thảo làm chủ tịch và giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ (bố vợ của Long) làm Tổng thư ký, nên anh thường lên Sài Gòn tham gia phong trào tranh đấu. Đầu năm 1968, Long ở Sài Gòn tham gia Mậu Thân, sau đó anh lên chiến khu Tây Ninh. Một số anh em bạn bè của nhà thơ kể rằng, bài thơ khi viết xong, được các anh ở Nhà xuất bản Trình Bày in ronéotypo, anh em trong Tổng Hội sinh viên bí mật mang đi phân phát cho nhiều  người.

   Trong bài thơ, Trần Quang Long đã mô tả chị Võ Thị Thắng với những nét  ký họa rất đẹp: Người nữ sinh Gia Long / Giữa đất Sài Gòn đói nghèo khốn khổ / Giã từ nhà trường, xếp chồng sách vở / Khoác bà ba đen bàn chân nhỏ lên đường. Nhà thơ lấy tên  Võ Thị Thắng, ngày sinh của chị 23-9-1945, ngày Cách mạng Mùa thu  với số tuổi 23  của Nước Việt Nam mới, để tạo nên một hình tượng thơ đẹp:

Chị là con người mang tên Chiến Thắng/Sinh ra và lớn lên từ mùa thu cách mạng/Hai ba năm rực rỡ chiến công/Đã nở nụ cười tươi như một đóa hồng. Hình tượng "Nụ cười chiến thắng" trong thơ Trần Quang Long đã trở thành biểu tượng của tuổi trẻ Sài Gòn bất khuất và vang vọng cho đến hôm nay. Nhắc đến "Nụ cười chiến thắng", người Việt Nam không ai không biết đó là nụ cười chị Võ Thị Thắng trước quân thù. Ngày 2-8-1968, trước Tòa án quân sự mặt trận vùng 3 chiến thuật của chính quyền Sài Gòn, sau khi nghe kết án, Võ Thị Thắng đã bình tĩnh, tự tin, nở nụ cười, dõng dạc tuyên bố: "Liệu chính quyền của các ông có tồn tại đến 20 năm để bỏ tù tôi không?". Đó là hình ảnh "Người nữ sinh Gia Long / Người con gái Sài Gòn / Người con gái Việt Nam / Đang hãnh hiện trong nụ cười bất khuất... Trước tòa án  kẻ thù, chị vẫn nở nụ cười thách thức. Nhà thơ như reo lên:

"Nụ cười chị im lìm mà nghe giòn giã quá/Tưởng ầm ầm sét nổ thinh không/Tưởng ào ào cơn mưa bão tiến công/Giữa đất lửa thành đồng tháng  bảy".

Dáng đứng ngẩng cao đầu đó, nụ cười chiến thắng đó là sự tiếp nối truyền thống tuổi trẻ Sài Gòn  trung kiên "như Nguyễn Văn Trỗi, Lê Hồng Tư, Lê Quang Vịnh". Bài thơ cho ta sống lại và hiểu thêm không khí sục sôi cách mạng của tuổi trẻ miền Nam, tuổi trẻ Sài Gòn cách đây 36 năm: "Mang trong tim mình ngọn lửa trung kiên/Chị thắp sáng nụ cười Chiến Thắng"...Cho nên "Cửa xà lim khép rồi mà nụ cười còn đó/Còn trên môi anh giải phóng quân, trong mắt cô tự vệ thành" ...

 Trần Quang Long  hy sinh tại Bộ chỉ huy  Miền ở Tây Ninh ngày 11-10-1968 do một trận bom B52 của giặc Mỹ rơi trúng miệng hầm. Tập bản thảo thơ của anh hoen máu. Nhà thơ hy sinh, không biết chị Võ Thị Thắng sau đó đã bị đày ra địa ngục trần gian Côn Đảo. Nhưng người nữ tù xinh đẹp này vẫn bền gan chiến đấu, vẫn nụ cười chiến thắng trên môi.  Đến tháng 3-1974, chị Võ Thị Thắng mới được  chính quyền Sài Gòn trao trả theo Hiệp định Paris. Sau ngày thống nhất, bà Võ Thị Thắng từng giữ các trọng trách: Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Cuba, Ủy viên Trung ương Đảng... Trách nhiệm nặng nề, lo toan gia đình vất vả  nhưng nụ cười chiến thắng vẫn không tắt trên môi người nữ sinh Gài Sòn năm xưa!

Ngô Minh