Gặp người chủ trì Từ điển Việt-Hán-Nôm trực tuyến
(Cadn.com.vn) - “Nó chẳng có điểm gì nổi bật cả đâu, chỉ là một trang web tra cứu bình thường thôi mà. Đơn giản lắm, ai cũng dùng được!”, đó là “lời giới thiệu” khiêm tốn của Phan Anh Dũng khi chúng tôi hỏi về Tự điển trực tuyến Việt – Hán – Nôm cung cấp miễn phí trên mạng Internet theo địa chỉ: http://sager-pc.cs.nyu.edu/huesoft. Website này được thực hiện với nhóm tác giả: Chủ trì: Phan Anh Dũng, cung cấp tư liệu văn bản: Nguyễn Thế và Cố vấn về chữ Nôm: cố Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đình Thảng. Điều đặc biệt là, chủ trì trang web có nhiều tính năng phong phú này là một người bị câm điếc nhưng đã có niềm đam mê kỳ lạ đối với bộ môn Hán – Nôm.
“Bảo bối” của sinh viên chuyên ngành
Phan Anh Dũng tốt nghiệp đại học chính quy ngành Vật lý lý thuyết trường ĐH Tổng hợp Huế (khóa 1977 – 1981) nhưng lại có niềm đam mê kỳ lạ đối với bộ môn Hán Nôm - một “ngoại ngữ” có tiếng... “khó gặm” ở đất Cố đô. Không có điều kiện để theo học các lớp chữ Hán, chữ Nôm bài bản nhưng những phần mềm từ điển mà Phan Anh Dũng thiết kế rất chuyên nghiệp, xây dựng trên cơ sở hệ font Unicode quốc tế.
Điều này đã khiến giới học thuật và công nghệ ngạc nhiên, xúc động khi đón nhận những phần mềm giá trị của anh. Nói về quá trình tự học của mình, anh kể trên giấy: “Tôi không có khả năng đi lại giao thiệp nhiều nên nguồn tài liệu để nghiên cứu rất hạn chế, nhưng niềm đam mê giúp tôi biết đào sâu phân tích, suy luận từ những tài liệu ít ỏi đó để rút ra được nhiều điều có giá trị. Đồng thời tôi cũng may mắn nhận được sự cố vấn của cố Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đình Thảng và sự cung cấp tài liệu của anh Nguyễn Thế...”.
Sử dụng chữ viết làm công cụ giao tiếp duy nhất nên anh dễ dàng nhận thấy lượng từ gốc Hán Việt chiếm tỷ lệ rất lớn trong kho từ vựng tiếng Việt và nhu cầu tra cứu nghĩa của chúng là không thể thiếu. Với suy nghĩ như thế, Phan Anh Dũng chuyên sâu nghiên cứu để sáng tạo ra Tự điển trực tuyến Việt – Hán – Nôm hiện nay. “Đây là một phần mềm khá chuyên nghiệp và có uy tín trong lĩnh vực tra cứu chữ Hán – Nôm trực tuyến trên Internet - một lĩnh vực chưa có nhiều người làm. Nhờ 3 cuốn từ điển tích hợp: Việt – Hán, Việt – Nôm, Hán - Việt, người dùng có thể tra cứu chữ Hán và chữ Nôm một cách đầy đủ, chính xác, tiện ích. Ngoài giá trị của một công trình khoa học, phần mềm còn có ý nghĩa xã hội vì nó phục vụ miễn phí cho cộng đồng” – ông Lê Viết Dũng - Giám đốc Trung tâm CNTT TT - Huế, nhận xét.
![]() |
Chiếc máy tính xách tay nối mạng và những cuốn sách là kho kiến thức vô hạn |
Ngoài việc tra cứu chữ, phần mềm còn giúp người sử dụng phiên âm các văn bản từ tiếng Hán sang tiếng Việt qua chức năng Phiên âm Hán - Việt. Đặc biệt, kho Tư liệu Hán - Nôm sẽ cung cấp nhiều tác phẩm chữ Hán, chữ Nôm kinh điển trong kho tàng văn học cổ của Trung Quốc và Việt
“Hãy xem tôi là người bình thường!”
Buổi nói chuyện với anh cứ dài ra trên những trang giấy, có lúc anh dừng lại đắn đo rồi viết ra những dòng tâm sự: “Hình như vì cái chuyện “khuyết tật” của tôi mà người ta xem đó là đề tài để khai thác. Tôi không muốn làm gương, làm mẫu gì đâu, mọi người hãy xem tôi như những người bình thường khác”.
Phan Anh Dũng không phải là người câm điếc bẩm sinh, anh từng có khoảng thời gian ngắn ngủi được nghe, được nói như bao người. Năm lên 8 tuổi, một cơn sốt ác tính đã cướp đi giọng nói và thính giác của Dũng nhưng không quật ngã được anh. Ý chí vượt qua số phận đã giúp anh hoàn thành xuất sắc các cấp học với những học sinh, sinh viên bình thường.
Những phần mềm của Phan Anh Dũng đã công bố: Từ điển vi tính Hán - Việt, giải “Nghị lực” cuộc thi Trí tuệ Việt Nam 2001; Từ điển Việt – Hán – Nôm, giải nhất cuộc thi Sáng tạo KHCN tỉnh TT - Huế năm 2004; Từ điển Hán - Việt cho điện thoại di động; Từ điển Hán – Nôm cho PDA (Personal Digital Assistant); Tự điển trực tuyến Việt – Hán – Nôm; Phần mềm đọc tiếng Việt cho máy tính để bàn, giải nhì cuộc thi “Thắp sáng niềm tin” 2007; Phần mềm đọc tiếng Việt cho PDA. |
Mở chiếc máy tính xách tay đã cũ, anh cho chúng tôi xem bản thiết kế bộ gõ và phần mềm Từ điển tiếng Thái, tiếng Chăm đang trong quá trình hoàn thiện. Tôi hỏi anh vì sao lại chọn nghiên cứu về các ngôn ngữ dân tộc? Anh cười rồi hí hoáy trả lời: “Có lẽ tư duy của tôi tự nhiên như thế. Tôi chọn làm những cái rất bình thường mà còn ít người làm, nếu đã có người làm trước rồi thì có lẽ tôi không đi “phát minh lại” làm gì”.
Trước lúc chia tay, anh chỉ vào dòng chữ anh vừa gõ trên màn hình: “Trước tiên phải cố gắng làm việc như một người bình thường rồi hãy bàn chuyện thành công này nọ... Đây chính là thông điệp tôi muốn gửi đến những ai muốn biết về tôi”.
Lê Hải