Gặp người trồng quất cảnh quy mô lớn đầu tiên ở Đà Nẵng
Anh Nguyễn Bá Minh (39 tuổi, trú tại tổ 1, thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) được nhiều người biết đến, bởi anh được cho là người trồng cây quất cảnh quy mô đầu tiên ở TP Đà Nẵng. Anh Minh đã vươn lên làm giàu bằng mô hình trồng cây quất cảnh và các loại hoa khác tại địa phương.
Anh Nguyễn Bá Minh đang chăm sóc vườn quất cảnh của mình.
Chúng tôi tình cờ gặp anh nông dân Nguyễn Bá Minh đang bán hoa vạn thọ và quất cảnh trước khu vực Trung tâm hành chánh huyện Hòa Vang trong dịp Tết Tân Sửu 2021. Lân la hỏi chuyện, chúng tôi mới biết anh Minh là người đầu tiên trồng quất cảnh với số lượng lớn tại TP Đà Nẵng. Vừa qua, chúng tôi có dịp tìm đến vườn quất cảnh của gia đình anh ở thôn Khương Mỹ, khi anh đang tất bật chăm sóc những chậu quất cảnh, cúc, vạn thọ… để chuẩn bị bán trong dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Tâm sự với chúng tôi, anh Minh cho hay, hằng năm, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, anh nhận thấy mỗi địa phương có các loại cây cảnh khác nhau phục vụ người chơi hoa dịp Tết, nhưng ở TP Đà Nẵng, ngoài các loại hoa như Mai, cúc, vạn thọ, hướng dương, hoa giấy… thì cây quất cảnh chưa có nhiều và rất ít người trồng thành công. Nhận thấy mô hình trồng cây quất cảnh có hướng phát triển bền vững, anh Minh mạnh dạn “khăn gói” đến nhà anh rể ở làng quất Cẩm Hà (TP Hội An) học nghề trồng hoa và quất cảnh trong 2 năm.
Song song với việc “vừa làm vừa học”, anh Minh luôn mày mò trên sách, báo tìm hiểu thêm những kinh nghiệm của các nhà trồng quất cảnh danh tiếng về cách trồng, chăm sóc. Năm 2018, gia đình anh được vay 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ nông dân để bắt đầu trồng các loại hoa và quất cảnh trên diện tích đất khoảng 500m2 để bán trong dịp Tết. Những năm sau đó, mỗi năm anh trồng khoảng 300 chậu quất cảnh và các loại hoa khác, thu về trên 100 triệu đồng, số tiền không nhỏ ở một miền quê thuần nông.
Anh Minh chia sẻ, những năm đầu trồng quất cảnh, anh gặp rất nhiều khó khăn nhưng anh luôn học hỏi, nhanh chóng nắm bắt được xu thế của người mua. Nhờ chăm chỉ, áp dụng đúng kỹ thuật uốn, chăm sóc nên quất của anh trồng đạt chất lượng cao, mẫu mã đẹp (dáng cây, quả to đều, quả vàng xen lẫn quả ương, quả xanh, lá xanh và lộc hoa trắng...), luôn thu hút người tiêu dùng. Anh Minh cho hay, trồng quất cảnh mất nhiều công sức chăm sóc, tỉ mỉ, kéo dài suốt từ đầu năm đến cuối năm. Để có những chậu quất đẹp, cây quất phải được tỉa, uốn nắn tạo thành các dáng cây hài hòa, đẹp mắt. Đó là chưa kể đến những bất lợi về sâu bệnh, dịch hại xảy ra do thời tiết. Qua mỗi lần làm là một lần rút ra kinh nghiệm với cách trồng, chăm sóc, bón lân, phun thuốc trừ sâu, nấm hại... Anh Minh chia sẻ: “Năm nay, do dịch COVID-19 kéo dài, nhất là trong đợt phòng, chống dịch cao điểm “ai ở đâu ở yên đó”, vườn quất của tôi ở xa nhà, không được chăm sóc thường xuyên, xảy ra sâu bệnh mà không thể đi mua các loại thuốc đặc trị nên đã hư hại hơn 100 chậu, thất thu khoảng trên 100 triệu đồng”. Để “lấy ngắn nuôi dài”, anh Minh còn trồng 120 chậu hoa cúc đại đóa lớn, nhỏ, dự kiến Tết Nhâm Dần 2022 anh bán với giá 1,2 triệu/chậu lớn và 400.000 đồng/chậu nhỏ.
Những năm qua, không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Minh còn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ các hộ dân trong xã về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quất cảnh. Ông Huỳnh Tấn Bôn – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang cho hay: “Nhằm phát huy có hiệu quả nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân huyện đã chủ động lựa chọn những mô hình, dự án có tính khả thi để triển khai thực hiện. Đặc biệt, ưu tiên đối với những hộ có tinh thần trách nhiệm, có nhân lực và điều kiện để phát huy nguồn vốn vay. Đồng thời, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các ban, ngành có liên quan mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên, nông dân. Bên cạnh đó, Hội nông dân huyện cũng tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn vay của hội viên để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và phát huy được hiệu quả, điển hình là mô hình trồng hoa, quất cảnh của anh Nguyễn Bá Minh”.
Tiên Sa