Gặp tác giả bên Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Thứ bảy, 21/03/2015 08:55

(Cadn.com.vn) - Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng, lấy nguyên mẫu từ Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ (xã Điện Thắng, H. Điện Bàn, Quảng Nam, có 11 người con và cháu là liệt sĩ), được thi công trên đỉnh núi Cấm, thuộc thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, trên khuôn viên rộng 15ha. Công trình sẽ được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam 24-3-2015.

 Người lên ý tưởng phác thảo và đã dành gần 10 năm dồn hết tâm sức xây dựng, hoàn tất công trình là họa sĩ Đinh Gia Thắng. Sinh năm 1957, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, chàng trai đất Hà thành theo gia đình vào Đà Nẵng lập nghiệp. 34 năm gắn bó với lĩnh vực điêu khắc, anh đã có nhiều tác phẩm được ghi dấu ấn như Tượng đài Dũng sĩ Điện Ngọc, Tượng đài Chiến thắng Khâm Đức, Tượng đài chiến thắng Mậu Thân 1968, Tượng đài nghĩa trang liệt sĩ Tam Kỳ, Tượng đài nghĩa trang liệt sĩ Phú Ninh (Quảng Nam)... Song với anh, Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng mới là tác phẩm “để đời”.

Gặp tác giả bên Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh cho biết, từ lâu đã nung nấu ý tưởng phải làm một cái gì đó để ngợi ca những bà mẹ Việt Nam “Biết hy sinh nên chẳng nhiều lời”. Khi UBND tỉnh Quảng Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động cuộc thi sáng tác, kêu gọi đóng góp xây dựng Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng, mong muốn ấy càng thôi thúc anh mãnh liệt hơn. Đặc biệt, khi Ban Tổ chức quyết định đặt Tượng đài tại núi Cấm, trong anh trào dâng niềm cảm hứng: Mẹ là suối nguồn bao la vô tận. Mẹ là linh hồn của đất nước. Mẹ sinh ra từ mảnh đất anh hùng và sẽ hóa thân vào đất, vào hồn thiêng sông núi Việt Nam. Mẹ sống mãi ngàn đời với các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau. Mẹ tiếp thêm nguồn lực mạnh mẽ cho thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Anh liền phác thảo trong đầu tượng bán thân về Bà mẹ Việt Nam anh hùng gắn với các vách núi đá và dòng nước chảy như suối nguồn vô tận.

Họa sĩ Đinh Gia Thắng đang hoàn thiện khối tượng chân dung Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Trong cách thể hiện, anh luôn ý thức để tượng đài có thể chiếm lĩnh và kết nối với không gian xung quanh, tạo nên hình ảnh đẹp nhất đến công chúng ở các cự ly và các góc nhìn khác nhau. Trong đó, có cả việc cân nhắc tận dụng hiệu quả ánh sáng tự nhiên chiếu trên bề mặt tượng. Vì vậy, khi chế tác đá, hình khối chi tiết đã có những sự điều chỉnh so với tượng mẫu tỷ lệ 1/1 bằng thạch cao. Trong đó phần bệ tượng là toàn bộ khối sân hành lễ với dàn thác nước phía trước cao hơn 4m, tạo nên hình ảnh khối đế tượng khổng lồ khi nhìn từ quảng trường tiền môn vào. Đây cũng là một cách thức riêng để tượng đài có được cách nhìn mới mẻ, mềm mại, vẻ đẹp tự nhiên như mẹ là hiện thân của non sông gấm vóc Việt Nam.

Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng là công trình được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục Công trình Văn hóa cấp quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, xã hội nhằm ghi nhận công lao to lớn của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Với ý nghĩa văn hóa, chính trị hết sức quan trọng và tầm vóc quy mô lớn nên quy trình xây dựng từ lúc phát động sáng tác dự thi cho đến lúc hoàn thành đã trải qua rất nhiều công đoạn. Trong đó phải kể đến cả vai trò của Hội đồng nghệ thuật, sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ, ban ngành Trung ương, đặc biệt là Đảng bộ tỉnh Quảng Nam; vai trò của dư luận báo chí, công chúng cả nước, các nhà chuyên môn đã đóng góp rất nhiều cho tác giả suốt quá trình phác thảo nâng cao, xây dựng tượng mẫu, điều chỉnh phương án, chế tác tác phẩm bằng chất liệu đá... để công trình khi khánh thành và đưa vào sử dụng thể hiện được tính nhân văn cao cả và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đối với các thế hệ trẻ kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Ngọc Diệp