Gặp “tri kỷ” của Nguyễn Văn Thạc

Thứ sáu, 31/08/2012 00:00

Kỳ 1: “Tài hoa ra trận”...

(Cadn.com.vn) - Như bao người khác ở trong nước và trên thế giới, tôi từng đọc những trang nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc lay động lòng người, nhất là những dòng viết cho cô người yêu Phạm Thị Như Anh mà anh cho là “linh hồn, là số mệnh”. Một lần tình cờ, hay đúng ra là duyên nghề nghiệp, tôi may mắn được gặp bà Như Anh...

Nguyễn Văn Thạc lên đường ra trận với hành trang tinh thần đặc biệt nhất là mối tình đầu với người con gái Hà Nội - cô bạn học dưới một lớp ở trường phổ thông - Phạm Thị Như Anh. Một tình yêu bắt nguồn từ những rung động đầu đời của hai trái tim non trẻ. Trong ngọn gió yêu thương đưa họ đến với nhau có sự si mê trước những vẻ đẹp trong sáng vô ngần của tuổi học trò, có sự cảm phục lẫn nhau trước những thành tích học tập, có những lãng mạn sâu xa của người đam mê văn chương nghệ thuật, và đặc biệt nhất là sự đồng cảm về lý tưởng sống của những người thanh niên Việt Nam thế hệ mới - thế hệ được sinh ra, học tập, trưởng thành từ trường học xã hội chủ nghĩa - trong hoàn cảnh đất nước đang có chiến tranh.

Nhớ về ký ức tuổi thanh xuân, về mối tình đầu và cũng là mối tình “vĩnh cửu” với Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, bà Như Anh không kìm được cảm xúc. Cũng như người yêu, bà Như Anh đón nhận tình yêu của Thạc như một món quà của tạo hóa. Tình yêu của họ được thử thách, tôi luyện qua từng giai đoạn thăng trầm của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc nên nó càng đẹp và thiêng liêng, cao cả gấp bội phần.

Kể về những ngày đầu gặp nhau, bà Như Anh thổn thức. Như Anh quen Thạc, cũng từ duyên nghiệp văn chương. Hồi đó, Thạc và Như Anh học cùng trường cấp III Yên Hòa B ở Cầu Giấy - Hà Nội (trường này chỉ có trong thời gian từ năm 1965-1970). Như Anh vào lớp 8 năm 1968-1969. Ngay năm đầu tiên, Như Anh đã là học sinh giỏi nhất trường, được mang danh hiệu A1. Như Anh đã viết một số truyện ngắn và được in. Còn Thạc là Bí thư chi đoàn lớp và Phó bí thư đoàn trường cấp III Yên Hòa B. Như Anh làm lớp trưởng, cũng tham gia công tác trong Ban Thường vụ Đoàn trường. Họ quen nhau từ đó.

 Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và Phạm Thị Như Anh thời trẻ.

Đến niên học 69-70, Thạc là học sinh lớp 10, đoạt giải Nhất văn miền Bắc, còn Như Anh đoạt giải nhất Văn và giải ba Sử TP Hà Nội. Niên học 70-71, trường cấp III Yên Hòa B đóng cửa, Như Anh học lớp 10 ở Trường cấp III Hoàn Kiếm. Thạc vào Đại học Tổng hợp Toán ở Hà Nội. Cuối năm 1970, Thạc viết lá thư đầu tiên cho Như Anh và ngày 9-3-1971 Thạc nhận được lá thư hồi âm của Như Anh. Đó là dấu mốc quan trọng đầu tiên trong mối lương duyên giữa hai người.

Trong khoảng thời gian khi Thạc còn là sinh viên và trước lúc lên đường Nam tiến, còn Như Anh là cô nữ sinh cấp III chuẩn bị qua Liên Xô du học, hai người cũng chỉ gặp nhau được vỏn vẹn bốn - năm lần, và lần nào cũng ngắn ngủi nhưng con tim họ thì đã thuộc về nhau, đồng cảm và cùng thổn thức về nhau...

Bà Như Anh nhớ lại lần đầu tiên hẹn hò, mặc dù háo hức chờ đợi, nhưng ai cũng tỏ ra ngại ngùng. Trong lần đó, khi chia tay, Như Anh tặng Thạc cuốn “Một cơn giông”, tác phẩm đầu tay của mình (sách do NXB Kim Đồng ấn hành năm 1971). Còn Thạc tặng cho Như Anh huy hiệu Đoàn Thanh niên. Và, cũng lần gặp ấy, Như Anh tặng Thạc đóa hoa hồng bạch duy nhất mọc ở vườn nhà. Đó cũng là dấu mốc cho một cuộc tình đầy chất thơ, lãng mạn và cũng không ít chông gai...

Lần thứ hai, họ gặp nhau ở trước cổng Thư viện Hà Nội, cũng bối rối, cũng gặp nhau ngắn ngủi nhưng trái tim thì luôn đồng cảm, dành cho nhau nhiều hơn. Trước khi chia tay, Như Anh tặng Thạc một đóa quỳnh, Thạc không muốn nhận vì sợ những điều chẳng lành, và linh cảm một điều gì khó nói nên lời. Còn Như Anh thì vừa cố tình vừa kiếm cớ giận Thạc để thử thách thêm tình cảm của chính mình...

 Bà Phạm Thị Như Anh (phải) cùng người bạn trong một lần về Huế.

Nào ngờ, sau lần gặp ấy, Như Anh lại càng yêu và nhớ Thạc nhiều hơn. Nhiều lúc trăn trở định không nối lại mối tình ấy nữa nhưng lý trí không thể điều khiển được con tim. Như Anh đành phải dùng những bức thư để nói lên suy nghĩ, tình cảm của mình, rằng: Như Anh không muốn và không thể rời xa Thạc.

Đã mấy chục năm qua, nhưng lần gặp thứ ba giữa hai người tại Thư viện Nhân dân ngày 1-7-1971 dường như là ký ức lung linh nhất trong mối tình của họ. Bàn tay mềm mại của Như Anh nhằm gọn trong đôi tay cứng cáp của chàng thanh niên tuổi hai mươi căng tràn nhựa sống.

Lần thứ tư gặp nhau lại là một ký ức buồn. Như Anh nhận được giấy báo đi du học ở Liên Xô. Buồn quá, nhớ quá, linh cảm sự ra đi lần này sẽ khó có ngày gặp lại nên Như Anh đến thăm Thạc tại ký túc xá Đại học Tổng hợp. Những câu chuyện giữa hai người như bị ngắt quãng bởi họ không thể biết duyên phận của mình rồi sẽ ra sao...

Năm 1971, bà Như Anh sang Liên Xô học Đại học Tổng hợp thành phố Minsk, năm 1977 bà tốt nghiệp bằng đỏ, năm 1985 bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại CHDC Đức – cũng là nơi ở của gia đình bà hiện nay. Năm 2005, bà Như Anh là một trong hai người sáng lập Quỹ “Mãi mãi tuổi hai mươi”.
Hiện bà Như Anh vừa mở một nhà hàng tại đường Nguyễn Công Trứ - TP Huế, thực hiện ước nguyện mở trung tâm đào tạo những tài năng nghệ thuật ẩm thực và nhiều bộ môn nghệ thuật khác mà bà đã ấp ủ bấy lâu. Bà Như Anh cho biết, ngoài việc viết sách, dịch sách, sắp tới bà còn dự định làm phim tài liệu về lịch sử, đất nước con người Việt Nam...

Và tối 26-7-1971, lần gặp nhau cuối cùng của Như Anh và Thạc, khi họ chia tay nhau ở con đường nhỏ bên Văn Miếu. Như Anh nhớ rất rõ là ở gốc cây thứ 3. Ngày đó, Thạc muốn giấu để Như Anh khỏi buồn, nhưng sự thành thực đã lộ ra tất cả. Ngày 28-5-1971, Thạc sẽ lên đường nhập ngũ. Dường như ngày chia tay càng trở nên nặng nề và khó gặp lại hơn. Một điều mà Thạc dặn Như Anh khiến cô cảm thấy lo sợ vì một dự cảm: “Đối với Thạc, văn học là một phần của hồn đất nước. Cho dù cuộc sống của mỗi con người sẽ qua đi như một chớp mắt, nhưng phần hồn đất nước trao lại cho ta sẽ không mất đi mà gửi lại cho thế hệ sau, qua những tác phẩm văn học. Nhiệm vụ của chúng ta là phải ghi chép  lại tất cả. Thạc dặn dò Như Anh làm việc đó cho mình, một khi Thạc không trở lại”.

Lúc chia tay, Như Anh nắm tay Thạc và dặn lần cuối cùng: “Hãy là một sự tuyệt đối!”, Thạc cũng nhắc lại: “Như Anh có sẽ là một sự tuyệt đối không?” Như Anh gật đầu, nước mắt lưng tròng và hai người chia tay...

Ngày 6-9-1971, Thạc nhập ngũ, ngày 9-4-1972 vào chiến trường, ngày 30-7-1972 anh hy sinh tại chiến trường Quảng Trị, sau 10 tháng tuổi quân và 20 tuổi đời.

Doãn Nguyên Hưng
(còn nữa)