Gậy ông có đập lưng ông?

Thứ bảy, 04/05/2019 11:04

Mối quan hệ chưa bao giờ êm ả giữa Iran và Mỹ lại tiếp tục chứng kiến nấc thang căng thẳng mới khi quy chế miễn trừ ban đầu kéo dài 180 ngày mà Washington áp đặt đối với những khách hàng mua dầu của Iran đã hết hiệu lực vào ngày 2-5. Vấn đề đặt ra là Mỹ không muốn kéo dài quy chế này nhằm gây áp lực với Iran.

Thực tế cho thấy Washington đang nỗ lực “bóp chẹt” Iran bằng cách cố gắng gây sức ép quân sự và kinh tế cũng như áp dụng các hoạt động ngầm. Và cái đích quan trọng nhất mà Mỹ nhắm đến là dầu mỏ của Iran. Hồi tháng 11-2018, Mỹ tái áp đặt trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Iran sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015. Tuy nhiên, Washington cấp quy chế miễn trừ cho 8 nước và vùng lãnh thổ gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, đảo Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Italia và Hy Lạp. được phép tiếp tục mua dầu thô của Iran trong 6 tháng tiếp theo với số lượng hạn chế.

Nhưng quy chế này đã hết hạn từ ngày 2-5. Và giờ đây, các nước và vùng lãnh thổ này sẽ buộc phải chấm dứt việc mua dầu của Tehran nếu không muốn phải hứng chịu trừng phạt từ Mỹ. Hàn Quốc hôm 2-5 là quốc gia đầu tiên trong số này chính thức tuyên bố ngừng nhập khẩu dầu thô từ Iran theo lệnh cấm vận của Mỹ. Điều này rõ ràng có thể sẽ gây ảnh hưởng cho việc xuất khẩu dầu mỏ, vốn là ngành kinh tế mũi nhọn của Iran. Nhưng, ý định của Washington nhằm cắt giảm lượng xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này hoàn toàn có thể phản tác dụng ở ngay trong nước cũng như nước ngoài.

Thứ nhất, nó chắc chắn sẽ không đưa Tehran trở lại bàn đàm phán và sẽ không thay đổi đáng kể tình hình khu vực của Iran. Thứ hai, trước thái độ thù địch của Washington, Tehran có thể đáp trả bằng cách gây khó khăn hơn cho Washington trong việc đạt một thỏa thuận hòa bình với Taliban ở Afghanistan cũng như quốc gia Hồi giáo này có thể gây sức ép buộc Iraq trục xuất các binh sĩ Mỹ hay khiến tình hình tại Yemen thậm chí trở nên tồi tệ hơn.

THANH VĂN