Ghi ở đảo Đá Đông A

Thứ sáu, 02/06/2017 10:57

(Cadn.com.vn) - Trong chuyến hải trình dài hơn 2.000 cây số đi thăm quân dân huyện đảo Trường Sa từ ngày 20 đến 29-5 vừa qua của Đoàn đại biểu TP Đà Nẵng gồm 64 thành viên, do đồng chí Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng dẫn đầu là một chuyến đi đầy ắp kỷ niệm của tất cả mọi người. Vinh dự được tham gia cùng đoàn, tôi đã chứng kiến nhiều cuộc giao lưu, gặp gỡ xúc động của các thành viên trong đoàn với CBCS và nhân dân huyện đảo Trường Sa.

Tặng quà cho CBCS đảo Đá Đông A.

Ngày 24-5, sau khi tàu dừng lại để đưa đoàn công tác gồm 20 đồng chí vào thăm CBCS đảo Đá Đông B, thuộc cụm đảo Đá Đông, tàu KN 491 chạy về hướng đảo Đá Đông A chừng 10 hải lý. Khi tàu neo đậu an toàn, CBCS KN491 đã thả ca nô, bắt đầu làm các thủ tục đưa tất cả các thành viên Đoàn công tác số 15 còn lại gồm Đoàn Đảng bộ khối các cơ quan trung ương, Đoàn đại biểu TP Đà Nẵng, Đoàn Quỹ học bổng Vừ A Dính và Đoàn văn công tỉnh Thái Bình vào đảo Đá Đông A. Đây là đảo đá nằm trong khu vực 1 thuộc quần đảo Trường Sa có vị trí vô cùng quan trọng; là nơi chốt giữ bảo vệ chủ quyền biển đảo; là điểm tựa vững chắc cho ngư dân bám biển dài ngày đánh bắt hải sản. Vị trí đóng quân Đá Đông A cũng chỉ cách đảo Châu Viên thuộc huyện đảo Trường Sa của Việt Nam, do Trung Quốc chiếm đóng trái phép không xa. Như mọi hôm, Đoàn công tác luôn dành ưu tiên cho các nhà báo vào trước đảo, nên tôi được xuống ca nô chuyến thứ 3 để vào đảo. Chiếc ca nô vượt qua những con sóng cuộn tròn và phô bày những rạn san hô với màu xanh lấp lánh để từ từ tiến vào bờ. Cũng như các đảo Đá Lát, Trường Sa, Trường Sa Đông, đảo Đá Tây, ngay tại bến, CBCS đảo Đá Đông A đã có mặt để trợ giúp cho ca nô cập bến và chào đón các đại biểu lên thăm đảo.

Những cơn sóng nhấp nhô vỗ vào bờ đảo bì bõm như phá tan không khí tĩnh lặng, sâu lắng của cuộc gặp gỡ giữa những người con giữ đảo với người anh em từ đất liền vượt nghìn trùng ra thăm đảo. Dù muốn chia sẻ với nhau rất nhiều trong phút giây ban đầu, nhưng do khách đến quá đông nên cả khách và những người lính đảo sau cái tay bắt mặt mừng, mọi người lại lao vào công việc của mình để cho kịp với thời gian ít ỏi của chuyến thăm đặc biệt này. Tại phòng họp của đơn vị, đoàn được nghe Đại úy Nguyễn Thái Sơn, Chỉ huy trưởng đảo Đá Đông A báo cáo tình hình hoạt động của đơn vị. Ở đây, CBCS luôn ngày đêm nêu cao cảnh giác, trực chiến, theo dõi nắm tình hình kịp thời để báo cáo cấp trên, xử lý triệt để. Đặc biệt, đơn vị đã làm tốt công tác hỗ trợ để tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt xa bờ cần sự giúp đỡ khi gặp khó khăn, trở ngại. Tuy đảo có vị trí đóng quân hẹp, nhưng CBCS vẫn tận dụng những điều kiện có được để nuôi gia súc, trồng rau xanh cải thiện bữa ăn hàng ngày. Đại úy Nguyễn Thái Sơn rất cảm động khi có đoàn công tác từ đất liền ra thăm, mang theo những tình cảm thắm thiết và vật chất thiết thực để động viên CBCS có thêm sức mạnh ngày đêm canh giữ đảo... Đồng chí Nguyễn Nho Trung, Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, thay mặt đoàn công tác, bày tỏ những cảm xúc khi các thành viên được đến thăm đảo Đá Đông A nói riêng và các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa nói chung; sự ngưỡng mộ về tinh thần quả cảm của CBCS đảo Đá Đông A nói riêng và cụm đảo Đá Đông (A,B,C) nói chung đang  ngày đêm canh giữ vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Những món quà của Bộ Tư lệnh Hải quân, của Đảng bộ khối các cơ quan trung ương, của TP Đà Nẵng và Quỹ học bổng Vừ A Dính được trao tận tay CBCS.

 Tác giả (phải) bên tấm bia đảo Đá Đông A.  

Sau cuộc làm việc của lãnh đạo Đoàn với lãnh đạo đơn vị là những cuộc gặp gỡ, tìm hiểu nơi ăn ở sinh hoạt,  trò chuyện thân tình và lời ca tiếng hát của các ca sĩ, của các thành viên trong Đoàn và lính đảo rộn ràng cả một vùng đảo nhỏ. Khi xuống bếp ăn, tôi thấy anh nuôi đang kho một soong cá to do lính đảo đánh lưới bắt được để chuẩn bị cho bữa ăn trưa của đơn vị. Nhưng có lẽ điều thú vị đối với tôi và nhiều thành viên là vườn rau "Thanh niên" được xây dựng cách trụ sở đảo vài chục mét. Muốn đến vườn rau, khách phải đi qua chiếc cầu cheo leo. Ai cũng trầm trồ khi trông thấy vườn rau xanh đủ loại xanh tốt giữa biển trời nắng gió mênh mông. Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đức Nho cũng đi ra thăm vườn rau, được một chiến sĩ của đảo giới thiệu khá kỹ về công việc xây dựng vườn rau, chăm bón và thu hoạch. Đô đốc Nguyễn Đức Nho căn dặn chiến sĩ hãy cố gắng quan tâm hơn nữa để đơn vị không chỉ có rau xanh bốn mùa, mà cả gia súc phải giữ được nguồn giống tốt để trong mọi hoàn cảnh, lính đảo vẫn được cải thiện bữa ăn...

Rời vườn rau, tôi mang tờ công lệnh đi đường vào phòng trực chiến để xin đóng con dấu để làm kỷ niệm cho một chuyến đi ý nghĩa này. Tại đây, tôi gặp Trung úy Tống Đức Lập đang làm nhiệm vụ trực chiến và Trung úy Phạm Văn Công đang trực máy bộ đàm. Hỏi sao không ra ngoài kia nghe các ca sĩ biểu diễn phục vụ lính đảo, Lập nói muốn lắm nhưng nhiệm vụ trực chiến không thể đi được. Lúc đó, Nguyễn Thị Hồng Cẩm, đơn vị BĐBP TP đến chào tạm biệt Công và Lập để trở lại tàu. Nhìn gương mặt 2 chiến sĩ lộ vẻ luyến tiếc, bỗng dưng Lập nói với Cẩm:  "Sao chị không hát đi, đứng ở đây hát cũng được mà!". Vậy là Hồng Cẩm không chút ngại ngùng, liền cất cao tiếng hát về Trường Sa thân yêu. Tiếng hát của Hồng Cẩm tự nhiên, chân chất ngay trong căn phòng nhỏ hẹp, khán giả là hai chiến sĩ và tôi.  Nhưng lúc đó tôi như hình dung có cả hàng trăm CBCS của huyện đảo Trường Sa đứng vây quanh nghe em hát, khúc hát hầu như mọi người Việt Nam ai cũng thuộc, với lời ca quyện chặt vào nhau sâu lắng tận đáy lòng, với hai chữ: Trường Sa ơi!... Bài hát hết rồi mà dư âm của nó vẫn như còn đọng mãi trong lòng chúng tôi. Tôi thầm nghĩ, phía sau lời ca ấy là dáng đứng của đảo xa, là công sức, mồ hôi, xương máu của những người con thân yêu của nước Việt đã và đang ngày đêm chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, cảnh giác trước những mưu toan thâm độc của các thế lực đen tối bên ngoài, để ngày đêm bám biển, bám đảo, canh giữ vùng trời, vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam!

...Và rồi, cuộc gặp gỡ nào cũng phải chia tay để mỗi người về lại vị trí của mình ở đảo xa hay trên đất liền.

Hát tặng lính đảo.

Cuộc gặp gỡ thâm tình của chúng tôi với CBCS đảo Đá Đông cũng kết thúc khi từng chuyến ca nô đưa các thành viên trở lại tàu KN 491. Nhìn CBCS đảo Đá Đông đứng trên bến vẫy tay chào mọi người, lòng ai cũng xốn xang, bịn rịn. Tự đáy lòng mình, chúng tôi cầu mong cho các anh bình an, khỏe khoắn, luôn vững vàng tay súng nơi đầu sóng ngọn gió. Dù chỉ một thoáng đến với CBCS đảo Đá Đông, hay trước đó là đảo Đá Lát, Trường Sa, Trường Sa Đông, nhưng các thành viên đoàn luôn mang theo mình hình ảnh về đảo, về những người con ngày đêm giữ đảo trong trái tim! Khi trở lại tàu tiếp tục cuộc hành trình đến Đảo Tiên Nữ, Đảo Thuyền Chài, Nhà giàn DK1..., anh Võ Công Trí nói là sau chuyến đi này, Đà Nẵng phải tính để thành lập Ban vận động gây quỹ xây dựng một nhà văn hóa cho huyện đảo Trường Sa, nhằm hỗ trợ cho CBCS và ngư dân đánh bắt xa bờ có cơ sở để giao lưu sinh hoạt hay trú ẩn khi gặp thời tiết xấu... Ý tưởng đó của anh Võ Công Trí đã được hầu hết các thành viên trong đoàn đồng tình và hy vọng sẽ sớm thành hiện thực, góp một phần nhỏ cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc Việt Nam.

Tuyết Minh

Viết trên tàu KN491, ngày 24-5-2017