Giả danh cán bộ điều tra để lừa đảo
(Cadn.com.vn) - Ngày 12-12-2016, trong lúc trông coi cửa hàng, bà Ph. (trú P. An Cựu, TP Huế, TT-Huế) nhận được điện thoại của một phụ nữ nói giọng miền Nam. Người này tự xưng là cán bộ của một đơn vị thuộc Bộ CA, đang điều tra một vụ án buôn bán ma túy và rửa tiền mà bà Ph. là người có liên quan. Bà Ph. nghe người lạ nói về tài khoản của mình có liên quan đến việc buôn bán ma túy và rửa tiền mà vô cùng lo lắng, hoảng sợ. Với những lời lẽ hù dọa, người phụ nữ yêu cầu bà Ph. chuyển vào tài khoản bà ta 700 triệu đồng để phục vụ công tác điều tra và chứng minh bà Ph. trong sạch, không liên quan đến vụ án. Người phụ nữ này hứa sau khi kết thúc điều tra “sẽ hoàn trả lại” số tiền và nếu bà Ph. không chuyển gấp thì sẽ “xin lệnh bắt giam 2 tháng”. Một lúc sau, một người nam nói giọng miền Bắc gọi vào số máy bà Ph., cũng xưng là cán bộ CA, nhắc nhở bà Ph. nhanh chóng chuyển tiền để “điều tra” và tiếp tục có những lời lẽ đe dọa rằng “sẽ vào Huế bắt sớm”.
Bà Ph. nghe xong 2 cuộc điện thoại từ người lạ như người mất hồn. Cho rằng mình không làm gì sai phạm nên nếu có chuyển tiền vào thì họ cũng sẽ trả lại sau khi có kết quả điều tra. Ngay sau đó, bà Ph. ra ngân hàng gần nhà, thế chấp sổ đỏ làm thủ tục vay 700 triệu đồng rồi chuyển vào tài khoản ngân hàng BIDV Chi nhánh Hà Nội mang tên “L.V.K” với nội dung “thanh toán tiền mua ô-tô” theo yêu cầu của các đối tượng. Sau khi chuyển tiền, bà Ph. trở về nhà, suy nghĩ kỹ lại thì thấy có điều gì đó không ổn. Bởi, bản thân cũng như người thân trong gia đình không làm gì vi phạm pháp luật nên bà Ph. đến CAP An Cựu trình báo toàn bộ sự việc.
Theo TS nhận định, thời gian qua, ở một số tỉnh, thành phố trên cả nước cũng xuất hiện thủ đoạn lừa đảo tương tự. Vì vậy, CAP An Cựu nhanh chóng liên lạc với Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hà Nội yêu cầu phong tỏa tài khoản của bà Ph.; đồng thời báo cáo nội dung sự việc đến Ban Chỉ huy CATP Huế.
Sau khi xác minh, một tổ công tác của CATP Huế và Phòng CSHS CA tỉnh TT-Huế đã ra Hà Nội và phối hợp với CATP Hà Nội bắt giữ 2 đối tượng gồm L.V.K. (1991) và V.V.Đ. (1988, đều trú Lạng Sơn) khi chúng đang rút tiền từ tài khoản bà Ph. chuyển vào. Ngay sau đó, 2 đối tượng này được di lý vào Huế. Từ lời khai của các đối tượng và dữ liệu thu thập được, cơ quan CA đã xác định ngoài V.V.Đ.và L.V.K. còn có các đối tượng khác tạo thành một đường dây chuyên giả danh cán bộ CA để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại CQĐT, K. và Đ. khai nhận, cách đây một thời gian, có cậu ruột của K. là M.V.T. rủ xuống Hà Nội để rút tiền thuê cho người khác với tỷ lệ ăn chia là rút 100 triệu đồng sẽ được trả 1 triệu đồng. K. đồng ý và cùng cậu mình bắt xe từ Lạng Sơn về đến Hà Nội thuê nhà nghỉ và hội tụ cùng nhiều đối tượng khác. Để làm được việc này, chúng yêu cầu K. đến ngân hàng lập một tài khoản mới để nhận tiền từ người khác.
Sau khi có tài khoản ngân hàng và đã nhận được số tiền từ bà Ph.; chúng phân công K. và Đ. ra điểm ATM gần Bến xe Mỹ Đình rút được 50 triệu đồng, số tiền còn lại phải đợi đến chiều sẽ vào ngân hàng rút tiếp. Số tiền rút được, các đối tượng cho biết sẽ đưa cho một phụ nữ người nước ngoài nhưng chúng cũng không biết mặt người này. CQĐT CATP Huế nhận định, những đối tượng trong đường dây này biết lợi dụng lòng tin của người dân đối với lực lượng CA, bằng những thủ đoạn lấy pháp luật để hù dọa những người nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết như bà Ph. để lừa đảo số tiền lớn. Xác định 2 đối tượng K. và Đ. liên quan đến đường dây lừa đảo tại nhiều tỉnh, thành phố, CQĐT Bộ CA đã rút vụ án này lên Bộ để tiếp tục đấu tranh làm rõ.
Theo thông tin từ Cục CSHS (Bộ CA), tại Hà Nội, cơ quan CA đang ghi nhận hàng chục lá đơn kêu cứu của người dân phản ánh bị chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng bởi các cuộc gọi giả danh. Các vụ việc có điểm chung chủ mưu đều là người nước ngoài móc nối với người trong nước để thực hiện hành vi phạm tội.
Đầu tháng 12-2016, CATP Tân An (Long An) cũng đã bắt liên tiếp nhiều đối tượng người miền Bắc với hành vi giả mạo cán bộ CA, VKSND để lừa đảo người dân với hình thức như vụ việc ở Huế. Theo điều tra bước đầu của Cục Cảnh sát chống tội phạm công nghệ cao, về mặt kỹ thuật, những cuộc gọi dạng này đều có liên quan đến các tổng đài từ nước ngoài về Việt Nam, qua kết nối VoIP - một công nghệ cho phép truyền âm thanh thời gian thực qua băng thông Internet và các kết nối IP.
Cơ quan CA khuyến cáo, khi có người tự xưng là cán bộ CA, VKSND, TAND... gọi điện thì người dân cần hết sức cảnh giác. Cần dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại và yêu cầu họ gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ. Người dân tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không cung cấp số điện thoại riêng, số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai khi chưa biết rõ. Nếu ai đó yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân thì phải hiểu ngay đó là bọn lừa đảo, vì cơ quan CA không bao giờ yêu cầu đương sự phải chuyển tiền để chứng minh mình vô tội.
H.Lan