Gia đình đam mê hát tuồng

Thứ tư, 07/12/2016 09:26

(Cadn.com.vn) - “Ngày xưa, cha mẹ tui “đụng” nhau trên sân khấu, mê tuồng, mê người rồi sinh ra anh em chúng tôi đứa nào cũng mê tuồng hết. Giờ ít được diễn, nhưng đứa nào cũng đau đáu về ánh đèn sân khấu, chỉ mong được sống lại “thời vàng son” của nghệ thuật tuồng”. Tay vẫn khéo léo làm hàng mã, mắt chăm chú nhìn đống giấy màu đủ sắc, anh Nguyễn Ngọc Hoàng (trú Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng) chia sẻ về cái duyên nghệ thuật tuồng trong gia đình mình. Anh bảo, gia đình anh ai cũng có sở thích giống ba mẹ là mê hát tuồng. Nhà có 15 anh chị em, 6 người đã mất, còn lại 9 đều thuộc Đoàn tuồng Sông Thu. Thời vàng son, cả đoàn có gần hai chục diễn viên, mỗi đêm diễn dưới ánh đèn sân khấu, nhìn những gương mặt đủ các lứa tuổi tràn đầy cảm xúc, say mê theo từng động tác phất áo, vuốt râu... ai cũng tự nhủ: sống chết phải theo nghề. Tham gia các hội thi sân khấu không chuyên toàn quốc, huy chương vàng cũng có, huy chương bạc cũng nhiều, bằng khen không kể cho hết, dù đến nay không một ai được công nhận bất kỳ danh hiệu nào nhưng cũng chẳng ai buồn, bởi lẽ tình yêu của họ dành cho tuồng là vô điều kiện. Họ chỉ buồn khi tuồng ngày càng vắng bóng trên sân khấu, khán giả dường như hết mặn mòi. Nguyễn Thị Thu Trang, chị thứ 5 trong gia đình, Trưởng đoàn tuồng Sông Thu, chia sẻ: “Cha mẹ là đôi nghệ nhân tuồng nổi tiếng của xứ Quảng nên tuổi thơ của tôi đã sớm quen với ánh đèn sân khấu. Khi còn là một cô bé, tôi đã đóng các vai quần chúng, nhắc tuồng, dọn dẹp phông màn sân khấu phụ đoàn. Cuộc sống lúc nào cũng đầy ắp lời ca tiếng hát. Sau khi cha mất, chị tôi nghỉ học để đi diễn với mẹ nuôi các em khôn lớn. Mẹ tôi cũng chỉ chịu ra đi sau đêm diễn cuối cùng trên mảnh đất An Hải Tây này”.

Anh Nguyễn Ngọc Hoàng với nghề làm giấy vàng mã.

Theo chân chị, 9 anh chị em trong gia đình cũng bén duyên với nghệ thuật tuồng. Cả gia đình ngày ấy là một đoàn tuồng bắt đầu lang thang tìm đất diễn, nơi nào có khán giả là “dựng lều” để diễn, diễn say mê, diễn không mệt mỏi. “Mỗi đêm diễn chia đều ra mỗi người chỉ được 100.000 đồng đến 200.000 đồng, đủ tiền ăn tối và đổ xăng. Vậy mà vẫn vui, vẫn say nghề đến thế”–anh Nguyễn Ngọc Hoàng nhớ lại. Hiện nay, với những đêm diễn thưa thớt, kinh phí ít ỏi, tất cả các trang phục diễn của gia đình do một tay anh Nguyễn Ngọc Hoàng quán xuyến. Gửi tình yêu qua đường kim mũi chỉ, anh cần mẫn đính từng hạt kim sa lấp lánh. Anh chọn thêm nghề vàng mã, một phần vì mưu sinh, một phần vì đồ vàng mã cũng nằm trong nghề hát. 9 anh chị em, mỗi người mỗi nghề: tổng đám ma, vàng mã, xe ôm, bán tạp hóa, giày dép... nhưng tất cả chỉ mong ngóng Tết đến để được đi hát. Chỉ cần nghe có người gọi đi hát là mừng rơn, xa đến đâu cũng bỏ hết việc đi luôn. “Dâu, rể... vào nhà này cũng đều mê tuồng hết, ông xã tui vì mê tuồng mà lấy tui đó. Không biết hát nhưng thích đóng những vai quần chúng, một tháng không ai gọi đi hát là thấy buồn lắm. Con gái tui mới 8 tuổi cũng sốt ruột mà hỏi sao mẹ không đi diễn cho con xem” –chị Trinh, cô đào út trong đoàn tuồng gia đình chia sẻ.

 Người lớn tuổi nhất trong gia đình đã chạm ngưỡng lục tuần. Nhỏ nhất là Nguyễn Cao Quốc Hưng (9 tuổi), năm 2015 đạt giải Diễn viên nhí trong Liên hoan tác phẩm sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ toàn quốc tổ chức tại Đà Nẵng. Cậu bé khẳng định: “Cho dù lớn lên  không được theo nghề của gia đình, con vẫn muốn cùng gia đình đi biểu diễn, nhất định không để truyền thống hát tuồng của gia đình bị đứt đoạn”. Có lẽ chính vì sự hy sinh, cống hiến dành cho tuồng nên chỉ là đoàn tuồng tư nhân như Đoàn tuồng Sông Thu vẫn còn nhiều chỗ đứng trong lòng khán giả ở các địa phương vùng ven Quảng Nam, Đà Nẵng. Dẫu có những lúc buồn, thất vọng nhưng chưa ai trong gia đình có ý định bỏ hẳn nghiệp hát tuồng. “Chúng tôi chỉ mong lãnh đạo TP Đà Nẵng tạo cơ hội mỗi tháng một đêm được đứng trên sân khấu, làm sống lại phần nào cái nghệ thuật đang phôi pha ít nhiều theo ngày tháng. Biết đâu, vẫn còn nhiều khán giả yêu tuồng...”- anh Nguyễn Ngọc Hoàng chia sẻ.

Ngân Hà