Gia Lai: Hàng loạt sai phạm tại Trường THPT Lê Lợi, TP Pleiku phải được xử lý
(Cadn.com.vn) - Hơn một năm qua, tập thể giáo viên cũng như phụ huynh học sinh (PHHS) Trường THPT Lê Lợi, TP Pleiku (Gia Lai) ăn không ngon, ngủ không yên với bà hiệu trưởng lợi dụng danh nghĩa “xã hội hóa giáo dục”, núp bóng ban đại diện hội cha mẹ học sinh để thu tiền tỷ từ hàng loạt khoản ngoài ngân sách trái với quy định của ngành, UBND tỉnh. Nhiều giáo viên đã viết đơn tố cáo, gửi lãnh đạo tỉnh, Sở GD-ĐT và các cơ quan hữu trách...
Học sinh Trường THPT Lê Lợi, Gia Lai 2 năm qua đã phải cõng những khoản thu "khủng" ngoài ngân sách mà nhà trường đưa ra.
Nóng mặt vì... loạn thu !
Cuối năm 2010, bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyết về công tác tại Trường THPT Lê Lợi với chức danh quyền hiệu trưởng, sau đó chính thức chức hiệu trưởng. Ai cũng kỳ vọng, lãnh đạo mới sẽ từng bước đưa phong trào dạy và học của trường ngày một đi lên nhưng tập thể giáo viên và PHHS ngày càng thất vọng, bởi chỉ hơn một năm làm hiệu trưởng, bà Tuyết đã đi từ sai phạm này đến sai phạm khác. Theo điều tra của chúng tôi, trong năm học 2010-2011 và 2011-2012, núp bóng Ban đại diện cha mẹ học sinh, trường đã thu hàng loạt khoản tiền ngoài ngân sách với nhiều khoản thu rất cao, khiến PHHS bức xúc. Riêng năm học 2011-2012, trường thu tới 18 khoản với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Điển hình, thu của hơn 400 học sinh lớp 12 mỗi em 200.000 đồng gọi là tiền “hỗ trợ thi tốt nghiệp”. Một số giáo viên (xin được giấu tên) cho biết, đây là khoản tiền để đến kỳ thi tốt nghiệp sử dụng vào việc mời các thầy cô giáo coi thi “ăn bữa cơm thân mật”. “Thông thường đến kỳ thi, hầu như các trường đều làm vậy, coi như cảm ơn thầy cô giáo coi thi, nhưng chỉ cần 15-20 triệu đồng là đủ. Đằng này, khoản thu khổng lồ với gần 100 triệu đồng để chuẩn bị cho một cuộc gặp mặt khoảng 50-60 người trong hội đồng coi thi (kể cả phục vụ) như vậy là quá kinh khủng”–một giáo viên nói. Không chỉ gánh khoản tiền này, học sinh lớp 12 còn phải đóng mỗi em 100.000 đồng (trên 300 học sinh) để sửa chữa nhà vệ sinh; toàn bộ hơn 1.800 học sinh các khối khác cũng phải đóng mỗi em 100.000 đồng (có danh sách kèm theo) để hỗ trợ nối lan can, sửa nhà vệ sinh, trang bị bóng điện cho trường...
Theo quy định, UBND tỉnh Gia Lai chỉ cho phép các trường thu khoản tiền vệ sinh, nước uống cho học sinh mỗi em 10.000 đồng/10 tháng của năm học, nhưng Ban Giám hiệu Trường THPT Lê Lợi đã thu mỗi em 40.000 đồng, gấp 4 lần so với quy định. Tuy nhiên, theo phản ánh của giáo viên, toàn trường chỉ đặt vài bình nước dưới tầng 1 và học sinh vẫn phải trực nhật, làm vệ sinh hằng ngày. Ngoài ra, hàng loạt khoản tiền khác trường thu của PH như tiền trang bị màn chống nắng, quạt, ghế ngồi chào cờ, thẻ thư viện, áo khoác... khiến nhiều PH, nhất là PHHS dân tộc thiểu số không thể chịu đựng nổi. Trong khi tiền thu nhiều nhưng việc chi lại nhỏ giọt, không rõ ràng, minh bạch. Cụ thể như khoản thu hỗ trợ Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Gia Lai, mỗi em 50.000 đồng (tổng cộng 84,4 triệu đồng), nhưng thực chất chỉ chi gần 5 triệu đồng; thu tiền làm lan can, nhà vệ sinh, bóng đèn 168.600.000 đồng, nhưng chỉ chi gần 96 triệu đồng; thu hỗ trợ vệ sinh, nước uống 70.040.000 đồng, chi chỉ hơn 1 triệu đồng...
Danh sách các khoản thu ngoài ngân sách và đơn tố cáo, thơ "châm"
Thanh tra ra... sai phạm!
về hiệu trưởng Trường Lê Lợi.
Chuyện loạn thu, chi mập mờ của Ban Giám hiệu nhà trường cũng như cách điều hành, quản lý “rối như tơ” của bà hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngọc Tuyết khiến tập thể PHHS, giáo viên rất bức xúc. Nhiều người không chỉ làm đơn tố cáo mà còn làm cả thơ “châm” gửi tận tay nhiều vị lãnh đạo qua đường công văn, bưu điện. Theo tìm hiểu, trước đó ngày 27-9-2011, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc Sở và các phòng GD-ĐT báo cáo các khoản thu, chi ngoài ngân sách của trường về Sở trước ngày 30-10-2011. Tuy nhiên do thu quá nhiều khoản ngoài ngân sách bất hợp lý, mập mờ, khuất tất trong chi tiêu nên hiệu trưởng Tuyết đã nghĩ ra “chiêu bài” lập bảng kê sai với thực tế hòng qua mặt Sở. Điển hình, trong đợt thanh tra của Sở vừa kết thúc cách đây vài ngày cho thấy, nhà trường thu tới gần 164 triệu đồng mua áo khoác cho học sinh, nhưng báo lên Sở chỉ có 85,95 triệu đồng; tiền mua ghế chào cờ, thu 46,56 triệu đồng, nhưng báo cáo lên Sở chỉ 34,14 triệu đồng...
Thêm hàng loạt sai phạm khác mà đoàn thanh tra đã làm rõ, như: tiền mua ghế chào cờ cho học sinh 500 chiếc với giá 30 triệu đồng, nhưng qua thanh tra số ghế chỉ có 401 chiếc. Việc mua bán này cũng không có chứng từ thanh toán, kể cả giấy biên nhận giao nhận tiền. Hay chuyện mua áo khoác và đồ thể dục cho học sinh, hiệu trưởng tự đứng ra đặt mua hàng tại Cty Anh Lâm, tỉnh Đắc Lắc với số tiền gần 224 triệu đồng. Sau vụ này, Cty đã gửi lại cho hiệu trưởng 6,1 triệu đồng gọi là “huê hồng”, và bà Tuyết đã “bồi dưỡng” cho chính mình 1,5 triệu, các phó hiệu trưởng mỗi người 1 triệu đồng, kế toán, thủ quỹ 800.000 đồng/người... Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai đã có kết luận, việc thu các khoản ngoài ngân sách của Trường Lê Lợi là trái với quy định hiện hành.
Không chỉ sai phạm trong việc “loạn thu”, qua điều tra được biết bà Tuyết còn có động thái “rất tích cực”, đó là tạo thuận lợi cho không ít học sinh khi chuyển trường. Trong việc đánh giá, xếp loại học sinh, bà Tuyết đã “hô biến” sai phạm của học sinh như bị kỷ luật trước toàn trường; học sinh vi phạm quy chế kiểm tra học kỳ, nhưng trong hồ sơ chuyển trường đều được xếp hạnh kiểm khá!?
Trong khi có quá nhiều sai phạm, nhưng khi trao đổi với phóng viên, hiệu trưởng nhà trường vẫn cố tìm cách đối phó, cho rằng mình không sai, “vì học sinh thân yêu”! Bà Tuyết cho rằng, các khoản thu này chỉ thu trên tinh thần tự nguyện, chứ không bắt buộc. Nhưng theo điều tra của chúng tôi, mọi khoản thu học sinh đều phải nộp răm rắp theo mức trường đưa ra. Trong khi 116 học sinh đồng bào dân tộc thiểu số cũng phải nộp tất cả các khoản thu nhưng bà Tuyết khẳng định không thu của các em vì hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách.
Để nắm rõ quan điểm và sự đánh giá, nhìn nhận khách quan, chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai và được Giám đốc Sở hai lần cho giờ hẹn làm việc nhưng không hiểu vì lý do gì khi phóng viên tới, giám đốc Sở lại báo vắng mặt. Thiết nghĩ, với hàng loạt sai phạm như điều tra của chúng tôi và kết quả thanh tra, cần lắm một mức kỷ luật nghiêm khắc đối với lãnh đạo Trường THPT Lê Lợi và cá nhân hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngọc Tuyết nhằm trả lại sự công bằng cho học sinh cũng như tập thể thầy cô giáo đang ngày đêm nỗ lực xây dựng, phát triển nhà trường.
Điều tra: Công Hạnh