Gia Lai: Kết nối để “đánh thức” tiềm năng du lịch

Thứ bảy, 29/07/2017 10:05

Với nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển tuy nhiên những năm qua ngành du lịch của tỉnh Gia Lai vẫn còn dậm chân tại chỗ. Du khách cũng như các đơn vị lữ hành du lịch vẫn chưa mặn mà với điểm đến này. Trước thực trạng đó, tỉnh Gia Lai đã không ngừng nỗ lực nâng cấp cơ sở hạ tầng phát triển du lịch, kêu gọi sự hợp tác, kết nối với các tỉnh, thành và khu vực nhằm “đánh thức” những tiềm năng đang “ngủ quên” này.

Đoàn Famtrip của TP Hồ Chí Minh tìm hiểu tại Bảo tàng An Khê, nơi trưng bày nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa.

Nằm ở phía bắc Tây Nguyên, Gia Lai là một tỉnh được thiên nhiên ban phú những thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, mang nét hoang sơ cũng như một nền văn hóa, lịch sử, ẩm thực truyền thống phong phú của các đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Không những thế, Gia Lai cũng là cửa ngõ quan trọng với các tuyến Quốc lộ (QL) 14, QL19, QL25 nối liền các tỉnh Tây Nguyên với khu vực Duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, một kho tàng văn hóa di sản phi vật thể của nhân loại là “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” đã được UNESCO công nhận. Thế nhưng, ngành du lịch Gia Lai vẫn chưa thể khai thác hết những tiềm năng lợi thế đó, chưa kể vẫn còn nhiều loay hoay và bất cập trong xu thế phát triển, đáp ứng nhu cầu mới của du khách. “Du lịch Gia Lai được ví như nàng công chúa ngủ trong rừng đang cần chàng hoàng tử đến đánh thức... Vì thế đang cần nhiều sự tác động, điều kiện cần và đủ, huy động cả nguồn nhân lực, vật lực trong và ngoài để đẩy mạnh và phát huy, đưa du lịch Gia Lai sang một bước mới với nhiều cơ hội”, ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở VH-TT&DL Gia Lai nhận định.

Nhằm phát huy những lợi thế của mình, trong những năm qua, UBND tỉnh Gia Lai đã cùng phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng nhiều đề án nhằm phát triển quy hoạch tổng thể ngành du lịch của tỉnh nhà. Qua đó mở rộng cửa, tạo các chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư, DN tìm hiểu, phát triển quảng bá, đưa du lịch Gia Lai hội nhập vào du lịch Việt Nam. Ngay tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016, tỉnh Gia Lai đã mở hội thảo về du lịch nhằm giới thiệu những tiềm năng lợi thế của mình đồng thời mở ra các cơ hội hợp tác với các tỉnh, thành lân cận và các nhà đầu tư. Điều đó, cho thấy sự cầu thị cũng như định hướng phát triển kinh tế của Gia Lai trong xu thế mới và cũng là đòn bẩy để ngành du lịch Gia Lai mở ra các cơ hội để phát triển.

Với chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa ngành du lịch TP Hồ Chí Minh và ngành du lịch tỉnh Gia Lai trên cơ sở thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa 2 địa phương giai đoạn 2017-2020 là cơ hội lớn mở ra những triển vọng để du lịch Gia Lai “cất cánh”. Mới đây, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cùng hơn 20 DN lữ hành du lịch của 2 địa phương cùng đi thực tế các điểm du lịch ở TP Pleiku, Chư Păh, khu vực Đông Trường Sơn như các huyện Kbang, Đăk Pơ và TX An Khê. Với việc tổ chức các đoàn Famtrip từ TP Hồ Chí Minh không chỉ góp phần đánh giá đúng thực trạng về những tiềm năng du lịch của Gia Lai mà đây còn là dịp giới thiệu đến các nhà đầu tư, các DN và khách du lịch những sản phẩm, loại hình du lịch thế mạnh của Gia Lai.

Bà Phan Yến Ly, đại diện Cty dịch vụ lữ hành Saigontourist chia sẻ: “Theo tôi, Gia Lai đã có trong mình những nét đặc trưng riêng nhưng để biến nó thành một sản phẩm du lịch thì tỉnh cần nỗ lực hơn nữa trong việc bảo tồn, quảng bá, xây dựng một môi trường du lịch thân thiện. Đồng thời, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống đường giao thông, tập huấn, nâng cao trình độ cho các hướng dẫn viên, chuyên viên du lịch”.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cùng đoàn Famtrip sau khi có chuyến đi thực tế đã chia sẻ: Gia Lai là mảnh đất có tiềm năng du lịch rất phong phú, nhất là lĩnh vực sinh thái, văn hóa, lịch sử. “Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong sự hợp tác phát triển du lịch giữa 2 địa phương. Nguyên nhân chủ yếu được xem chính là chức năng, vai trò và sự kết nối giữa 2 sở và DN du lịch cũng như sự kết nối giữa các DN lữ hành với nhau còn hạn chế và chưa thật sự phát huy hết tiềm lực. Vì vậy 2 Sở cũng cần tăng cường vai trò làm cầu nối giữa các cơ quan Nhà nước và DN nhằm kêu gọi DN mạnh dạn đầu tư vào các dự án du lịch tại 2 địa phương”, ông Vũ nhấn mạnh.

Sau chuyến đi thực tế tại các địa phương, đoàn Famtrip đã có buổi trao đổi, tọa đàm cùng với chính quyền địa phương, DN tỉnh Gia Lai nhằm chỉ rõ những mặt mạnh, những vướng mắc trong phát triển ngành du lịch tỉnh Gia Lai. Đặc biệt, vấn đề liên kết giữa các tỉnh, vùng miền để tạo nên tour du lịch đa dạng trở thành vấn đề mang tính chiến lược lâu dài trong chiến lược phát triển ngành du lịch. Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai khẳng định: “Phát triển du lịch Gia Lai luôn gắn liền với lịch sử, bản sắc văn hóa, thiên nhiên. Từ những cái có sẵn, tỉnh luôn mở rộng kết nối với các tỉnh lân cận như Bình Định, Phú Yên... để tạo ra chuỗi du lịch nhằm cho du khách những chuyến đi sự trải nghiệm, mới mẻ. Tỉnh cũng đã lên kế hoạch để bồi dưỡng nguồn hướng dẫn viên, nhân viên du lịch để cùng nhau xây dựng một ngành du lịch Gia Lai bền vững, phát triển”.

Với những nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như các đơn vị DN lữ hành, du lịch đang biến tiềm năng du lịch Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung trở thành lợi thế. Việc từng bước hoàn thiện các điểm đến, đồng thời liên kết với các đối tác có nhiều thế mạnh đang được xem là chìa khóa để ngành du lịch địa phương này cất cánh.

MINH TÂN