Gia Lai lại “nóng” về tình trạng chặt phá rừng trái phép

Thứ ba, 08/06/2021 06:12

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên tục xảy ra các vụ phá rừng trái phép nghiêm trọng. Lợi dụng những địa hình hiểm trở, vùng giáp ranh, các đối tượng “lâm tặc” ngang nhiên chặt hạ cây gỗ rừng với quy mô lớn trước sự bất lực của ngành chức năng. 



Hiện trường vụ phá rừng trái phép tại tiểu khu 489 thuộc lâm phần quản lý của xã Hra.

Chính quyền xã không kham nổi việc bảo vệ rừng

Mới đây nhất, vào đầu tháng 6-2021, một phụ phá rừng với quy mô lớn đã xảy ra tại lô 1 khoảnh 5; lô 1 khoảnh 6; lô 15 khoảnh 4 thuộc tiểu khu 489 thuộc lâm phần quản lý của xã Hra (huyện Mang Yang, Gia Lai). Ghi nhận thực tế tại hiện trường, hàng chục gốc cây đường kính trên dưới 40cm, bị “lâm tặc” cưa hạ nằm rải rác với nhiều dấu vết mới lẫn cũ. Cũng tại đây, vẫn còn 25 lóng gỗ, khối lượng hơn 4m3 chưa kịp tẩu tán. 

Địa hình hiểm trở nên lâm tặc chỉ có thể dùng trâu để kéo gỗ về điểm tập kết, từ đó dùng xe máy độ chế vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Với thủ đoạn tinh vi và chọn điểm phá rừng ở những vị trí phức tạp, các đối tượng lâm tặc đã hoạt động trong thời gian dài mà chính quyền địa phương, lực lượng chức năng không hề hay biết. Điều đáng nói, điểm phá rừng nằm cách chốt kiểm soát lâm sản của xã Hra khoảng 15km.

Ông Trần Tất Đắc-Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang-thông tin: Chiều 2-6, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại khu vực rừng giao cho UBND xã Hà Ra quản lý, chúng tôi có mặt tại hiện trường để chốt chặn, vây bắt và kiểm đếm. Qua kiểm tra ban đầu tại hiện trường xác định có 24 cây gỗ bị đốn hạ trái phép.

Ông Trần Thanh Tuấn- Chủ tịch UBND xã Hra, cho rằng: Do xã không chuyên trách về công tác bảo vệ rừng; các thành viên thuộc tổ bảo vệ rừng của xã đều là cán bộ công chức kiêm nhiệm nên rất bất cập và khó khăn. Chủ tịch UBND xã Hra đề nghị: "Để bảo vệ rừng bền vững, cần giao cho đơn vị chuyên trách, chính quyền địa phương sẽ phối hợp thì nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng sẽ tốt hơn".

Còn ông Trần Đình Hiệp- Bí thư Huyện ủy Mang Yang, nêu quan điểm: "Về lâu dài, địa phương sẽ tính toán đề xuất khoán lại những diện tích rừng này, không để xã quản lý nữa mà sẽ chuyển sang cho cộng đồng dân làng tại chỗ trực tiếp quản lý và hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng. Đối với những hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, Huyện ủy sẽ có cuộc họp với tất cả các cơ quan, ban, ngành để chỉ đạo xử lý triệt để vụ việc, đúng với tinh thần những ai lơ là trách nhiệm sẽ bị xử lý đúng theo quy định".

 “Lâm tặc” dùng trâu kéo gỗ đã cưa xẻ ra bìa rừng rồi dùng xe máy độ chế vận chuyển khỏi rừng. 

Truy tố nguyên Trưởng BQL rừng phòng hộ để… mất rừng

Ngày 4-6, VKSND tỉnh Gia Lai cho biết, đã ra quyết định truy tố 2 bị can nguyên là Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Púch, gồm: Nguyễn Thị Hương (62 tuổi) và Phan Quốc Huy (34 tuổi, đều trú TP Pleiku, Gia Lai) về tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; đồng thời truy tố bị can Trần Quang Trung (37 tuổi, trú huyện Chư Prông, Gia Lai)- nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Mơr về tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trước đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ cho phép chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, trong hai năm 2010 và 2011, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã ban hành 4 quyết định thu hồi đất của Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Púch quản lý và giao cho Công ty Bình Dương thuộc Binh đoàn 15 thuê đất để trồng cao su. Trong quá trình thực hiện các dự án trên từ năm 2010-2012, dưới sự chỉ đạo của Trần Văn Khanh (Giám đốc) và Dương Công Tư (trợ lý Phòng Kế hoạch kinh doanh của Công ty Bình Dương) đã khai thác vượt phạm vi cho phép, hủy hoại 631,199ha đất rừng. Trong đó có 621,22ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Púch và UBND xã Ia Me; 9,97ha rừng phòng hộ thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Mơr quản lý.  Liên quan đến vụ án này, Tòa án Quân sự Quân khu 5 đã tuyên phạt Khanh 6 năm tù, Tư 3 năm tù về tội “Hủy hoại rừng”. 

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai xác định: Hương, Huy và Trung đã thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao dẫn đến việc Công ty Bình Dương hủy hoại rừng. Cụ thể, Hương đã không tiến hành kiểm tra, giám sát việc khai hoang của doanh nghiệp; không phân công, tổ chức lực lượng kiểm tra. Sau đó, Hương ban hành văn bản phân công các tổ kiểm tra, giám sát hoạt động khai hoang, khai thác tận dụng lâm sản đối với dự án theo quyết định của UBND tỉnh nhưng không triển khai chi tiết, đầy đủ đến tất cả cán bộ, nhân viên của Ban QLRPH Ia Púch; không bàn giao vị trí, mốc ranh giới cho nhân viên quản lý bảo vệ rừng…

Trong khi đó, Huy vừa là thành viên Ban Chỉ đạo việc giám sát khai hoang tận thu lâm sản, vừa là Tổ trưởng tổ giám sát khai thác tận thu lâm sản, Tổ trưởng tổ quản lý bảo vệ rừng phụ trách tiểu khu 935, 936 và phụ trách chung về công tác quản lý bảo vệ rừng trong giai đoạn Công ty Bình Dương thực hiện dự án tại tiểu khu 925, 932. Tuy nhiên, Huy không thường xuyên kiểm tra hoặc kiểm tra không hết các vùng dự án được giao; không bàn giao vị trí, mốc ranh giới cho các nhân viên được phân công giám sát để những người này thực hiện nhiệm vụ… Những lần tham gia kiểm tra cùng lực lượng nhân viên quản lý bảo vệ rừng trong tổ thì Huy chỉ đi kiểm tra xác suất một số vị trí dẫn đến Công ty Bình Dương xâm lấn, hủy hoại rừng.

Riêng Trần Quang Trung có trách nhiệm tuần tra, ngăn chặn mọi hành vi xâm hại đến rừng tại tiểu khu 981 lâm phần Ban QLRPH Ia Mơr nhưng lại không thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ được giao mà chỉ giám sát doanh nghiệp khai thác tận thu lâm sản tại các dự án dẫn đến không phát hiện Công ty Bình Dương hủy hoại 9,97 ha rừng.

G.L