Gia lai: Những trạm kiểm dịch vắng bóng người

Thứ hai, 23/09/2019 18:05

Dịch tả lợn Châu Phi vẫn hoành hành ở Gia Lai. Đến thời điểm này, tỉnh này có 15/17 huyện, thị xã, thành phố xảy ra dịch tả lợn Châu Phi. Địa phương này đã tiêu hủy gần 26.000 con lợn bị nhiễm bệnh với tổng khối lượng hơn 1.300 tấn. Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến gần 3.000 hộ dân chăn nuôi. Tuy nhiên, ý thức cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh của người dân và chính quyền địa phương vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế.

Trạm kiểm soát dịch bệnh động vật tại xã Ia Tul -  nơi vừa công bố dịch tả lợn Châu Phi - vắng bóng người.

Tại căn nhà sàn của chị Kpă H'Líu (P. Sông Bờ, TX Ayun Pa, Gia Lai), phía trên là người ở và sinh hoạt; phía dưới là nuôi nhốt gia súc, gia cầm và đàn lợn vẫn thả rông. Nơi đó, đàn lợn, bò ngập ngụa trong bùn và phân.

Thậm chí, dù biết nhà hàng xóm đối diện đã có đàn lợn chết vì nhiễm bệnh và đã tiêu hủy hết nhưng chị H'Líu vẫn thản nhiên xem như chưa có chuyện gì xảy ra. Những người dân xung quanh cũng xem đó là chuyện bình thường dù chị H'Líu cho biết thú y địa phương cũng đã đến tận nơi thu gom đàn lợn bị bệnh đi tiêu hủy và tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi. "Cán bộ thú y đến tận nhà mình giải thích nếu có lợn bị bệnh thì phải cách ly, phải chích thuốc rồi báo cáo trong làng để biết, có thế mới ngăn chặn dịch bệnh đó", chị H'Líu nói.

Không chỉ người dân chủ quan, trên tuyến đường từ xã Ia Broăi (H. Ia Pa, Gia Lai) giáp với P. Sông Bờ (TX Ayun Pa) vào trung tâm huyện Ia Pa, khá nhiều Trạm kiểm soát dịch bệnh động vật... vắng bóng người. Đến thời điểm này, 9/9 xã của huyện này đã xảy ra dịch bệnh tả lợn Châu Phi. Tính đến giữa tháng 9, toàn huyện  có gần 8.500 con lợn nhiễm bệnh chết, tiêu hủy. Thế nên, khác với cảnh thường thấy đàn lợn chạy rông, giờ các làng, buôn đều ít thấy. Tuy nhiên, các Trạm kiểm soát dịch bệnh động vật do UBND các xã Ia Broăi, Ia Tul, Chư Mố của huyện này quản lý đều vắng bóng người. Nhiều phương tiện ô-tô ra, vào liên tục nhưng không hề được phun thuốc tiêu độc, khử trùng hay kiểm tra có vận chuyển, buôn bán sản phẩm từ lợn nhiễm bệnh ra thị trường không được kiểm tra, xử lý.

Ngay tại chốt kiểm dịch của UBND xã Ia Broăi đặt trước trụ sở UBND xã này chỉ có tấm bảng cùng 1 chiếc bàn gỗ trơ trọi. Dù tấm bảng ghi rõ nội dung: "Trạm kiểm soát dịch bệnh động vật - Tất cả các phương tiện dừng lại kiểm tra", nhưng không hề có cán bộ xã kiểm tra. Trong khi đó, đây là điểm giáp ranh giữa huyện Ia Pa với TX Ayun Pa ra Quốc lộ 25. Lý giải về vấn đề này, ông Rô Aluin, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Broăi cho biết: "Chắc mấy anh em đi ăn cơm ấy, chứ chúng tôi túc trực 24/24h mà!". Tuy nhiên, khi chúng tôi phản ánh việc Trạm kiểm soát dịch bệnh này vắng người trong nhiều ngày liền, ông Aluin biện minh: "Tình hình dịch cũng phải chịu thôi chứ biết sao giờ. Không riêng cái xã này, toàn bộ trong tỉnh đều bị hết. Dù phun thuốc hóa chất cỡ nào thì cũng dịch thôi". Đồng thời, ông Aluin cho biết thêm: thời điểm xảy ra dịch bệnh, UBND H. Ia Pa đã cấp vôi để rải thuốc khử trùng, nhưng thuốc, vôi cũng đã hết, xã phải bỏ kinh phí để mua vôi về. Thế nhưng, 6 bao vôi mà UBND xã mua cũng chỉ để trong sân. Còn tại các Trạm kiểm soát dịch bệnh của xã Ia Tul, Chư Mố thì chỉ có... cái bảng cho vui, còn không có bóng dáng của cán bộ xã nào.

May mắn, tại Trạm kiểm soát dịch bệnh động vật của xã Ia Kdăm luôn có cán bộ thú y và dân quân xã túc trực. Thế nhưng, thuốc, vôi bột khử trùng, tiêu độc cũng không còn nữa. Ông Nay Ly, cán bộ thú y xã Ia Kdăm cho biết: "Bây giờ hết thuốc rồi, không phun tiêu độc, khử trùng được nữa. Giờ mình chốt chặn ở đây để kiểm tra phương tiện nào nghi vấn buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào vùng dịch để xử lý thôi". 

MINH TÂN