Gia tăng các vụ án hình sự do người tâm thần gây ra

Thứ ba, 10/12/2019 15:11

Thời gian gần đây, trên địa bàn Quảng Trị liên tiếp xảy ra nhiều vụ án hình sự mà thủ phạm là người bị bệnh tâm thần. Có người “tưng tưng” ai cũng biết, nhưng có người khi gây án nghiêm trọng thì mới biết mắc bệnh từ lâu. Có người gây án trong vô thức, song có người vẫn còn chút tỉnh táo để nhận ra bản thân mình có một phần lỗi trong đó. Hiện người bệnh tâm thần gây án đang có chiều hướng gia tăng tại địa bàn Quảng Trị khiến nỗi lo lắng, bất an tăng lên.

CA Quảng Trị áp giải một người bệnh tâm thần gây án nghiêm trọng.

Đơn cử như vụ án V.T (34 tuổi) lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một ví dụ điển hình. T. đã tốt nghiệp đại học và trở thành công chức xã. T. rất tự tin vào năng lực của bản thân, làm việc cũng hiệu quả nên khi thanh niên này có dấu hiệu xa lánh đồng nghiệp, chỉ thích làm việc một mình, ít giao tiếp thì nhiều người lầm tưởng kiêu căng. Thực ra, ở thời điểm này, T. đã có dấu hiệu của bệnh tâm thần phân liệt, diễn tiến chậm. Dù vậy, T. vẫn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, thậm chí làm việc rất cần mẫn nên không mấy ai thực sự để tâm. Đến khi T. có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với số tiền hơn 600 triệu đồng, bị hại lẫn những người liên quan vụ án mới giật mình.

Tại bản đầu thú cũng như trên cơ sở điều tra đã xác định được T. “triển khai” một cách bài bản vở kịch bán đất rừng nhà khác và qua mặt nhiều người. Nhưng để đạt được điều đó, một phần lỗi cũng do bị hại đã dễ dãi, cả tin trong giao dịch này. Riêng T., sau khi đầu thú thì trở ngược phủ nhận tất cả. Nhiều khi y nghĩ mình là siêu nhân có thể “hóa giải” mọi việc.

Sau khi giám định, cơ quan chức năng đã kết luận T. bị tâm thần phân liệt thể paranoid (F20.2), với mức độ bệnh tình như trên, T. vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Cuối tháng 11 – 2019 vừa qua, TAND tỉnh Quảng Trị đã tuyên án sơ thẩm T. 8 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tại phiên xét xử này, T. vẫn không thừa nhận tội với những tranh luận của kẻ nửa mê, nửa tỉnh vừa gay gắt, vừa khó hiểu.

Trong khi đó, S.D (40 tuổi) là người đã nhiều năm mắc bệnh tâm thần, đã được đưa đi điều trị khắp nơi. D. biểu hiện rõ rệt tâm thần bất ổn. D. hoang tưởng thích di chuyển đồ đạc của người khác. Thấy chiếc xe máy của ai đó dựng ở vệ đường, D. sẽ không ngần ngại dắt đưa để sang nhà khác, hoặc có chìa khóa sẵn, D. sẽ chạy xa hơn rồi cũng chỉ để bỏ lại đó. Sự “tưng tưng” này của D. khiến nhiều nhà bao phen tá hỏa, tự đi kiếm xe về, đã quen nên trách hờn D. cũng chỉ thêm thừa.

Người dân địa phương cho biết, D. lại thường hay đi “dạo” đêm khuya giữa xóm, ghé nhà này, tạt nhà kia khi ai nấy đã ngủ. Bao năm cũng chỉ có vậy, quen nên không mấy ai cảnh giác. Cho đến tháng 4-2019, D. trộm tiền, bị nạn nhân chửi mắng nên nổi cơn điên, tưới xăng đốt cháy. Nạn nhân vì tuổi cao, sức yếu đã không thể qua nổi sau 15 ngày chống chọi tại bệnh viện.

CA đã tiến hành giám định tâm thần với D. và kết luận trước thời điểm gây án, tại thời điểm gây án cũng như tại thời điểm giám định, đối tượng bị bệnh tâm thần phân liệt thể không phân biệt định; hạn chế khả năng nhận thức và hạn chế khả năng điều khiển hành vi. Người thân của bị hại không yêu cầu D. bồi thường hay tăng nặng mức án vì họ thấu hiểu gia cảnh bi đát của thanh niên này. Song họ cũng bày tỏ lo lắng khi người điên sống giữa cộng đồng nếu không tuân thủ điều trị, uống thuốc đều đặn sẽ dễ khiến bệnh tình nặng hơn, gây hậu quả nghiêm trọng là khó tránh khỏi.

Sau hai vụ án này, trong năm 2019, Quảng Trị cũng xảy ra 2 vụ người có sổ điều trị tâm thần ngoại trú gây án giết người khác. Nạn nhân là người thân, là hàng xóm thân cận. Nhiều người tỏ ra hoang mang khi nghe hung thủ là người bệnh tâm thần.

Theo ông Trần Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp 1 tỉnh Quảng Trị, nơi đang đón nhận và chăm sóc điều trị cho nhiều người bệnh tâm thần trên địa bàn thì việc để người bệnh không bỏ thuốc và uống đúng giờ là vô cùng quan trọng, đặc biệt khi họ đã hồi phục, được trở về nhà điều trị ngoại trú. Vấn đề mới nghe có vẻ đơn giản nhưng khi thực hiện lại không hề dễ dàng, nhất là trường hợp không có người thân bên cạnh bởi cần theo dõi, chăm sóc, nhắc nhở họ.

Bên cạnh vấn đề người bệnh tâm thần gây án, còn nảy sinh nhiều bất cập khác nên đầu tháng 12-2019, UBND tỉnh Quảng Trị đã có chỉ đạo cho các ngành, đơn vị tăng cường quản lý, phòng ngừa vi phạm liên quan đến người bệnh tâm thần. Trong đó, ngăn chặn tình trạng người bị bệnh tâm thần phạm pháp và những hoạt động tiêu cực, lợi dụng hồ sơ, giấy tờ xác nhận tâm thần để chạy tội, hưởng các chế độ chính sách bảo trợ xã hội của Nhà nước.

Theo chính quyền tỉnh này, trong thời gian qua, công tác cấp giấy xác nhận, quản lý người bệnh vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến nhiều trường hợp sẽ lợi dụng để trục lợi, có các hoạt động tiêu cực; không loại trừ lợi dụng để hoạt động phạm pháp. Việc theo dõi, giám sát và tổ chức các giải pháp điều trị cho người bệnh vẫn chưa hiệu quả, nhiều trường hợp người tâm thần đặc biệt nặng không có nơi nương tựa, không tự lo được cho bản thân nhưng chưa được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội. Việc áp dụng các biện pháp quản lý, phòng ngừa người tâm thần vi phạm pháp luật chưa được chú trọng dẫn đến xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng do người bệnh tâm thần gây ra.

Trước tình hình này, UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các đơn vị, ngành thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ. Riêng CA, tập trung nâng cao công tác phòng ngừa, đấu tranh; quá trình điều tra các vụ án hoặc giải quyết các nguồn tin về tội phạm phải thẩm định, xác minh kỹ các hồ sơ bệnh án tâm thần của đối tượng gây án. Rà soát các trường hợp bị can, bị cáo xuất trình bệnh án tâm thần trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử nhưng không có trong danh sách người bị tâm thần do các cơ quan chức năng quản lý để chủ động phát hiện các trường hợp làm giả bệnh án. Đặc biệt, CA phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân, hỗ trợ các biện pháp phù hợp, giúp đỡ, quản lý, giám sát người bệnh, tạo điều kiện để người bệnh chữa bệnh hiệu quả.

BẢO HÀ