Gia tăng tội phạm vị thành niên

Thứ sáu, 27/10/2017 21:00

Chỉ trong một phút không kiềm chế được bản thân, thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình, những đứa trẻ đang độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” đã có hành vi vi phạm pháp luật. Dù có nhiều nguyên nhân tác động khác nhau nhưng hệ lụy để lại ảnh hưởng rất lớn đến gia đình, xã hội và chính tương lai của những đứa trẻ này.

Nguyễn Hữu Hòa (trái) cùng đồng bọn lúc bị bắt giữ về hành vi “Cướp tài sản”.

Ngày 23-10, CAH Đắc Đoa (Gia Lai) cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Suk (2001, trú xã Kon Gang, H. Đắc Đoa) về hành vi “Hiếp dâm”. Theo hồ sơ vụ án, ngày 7-4, trong khi đi làm, Suk thấy chị N.T.T (1987) đang hái cà-phê một mình tại khu vực rẫy ở làng Klót (xã Kon Gang) nên nảy sinh ý định xấu. Sau khi quan sát xung quanh thấy vắng người, Suk lấy chiếc khăn thổ cẩm che mặt nhằm tránh bị chị T. phát hiện rồi dùng vũ lực khống chế chị T. để thực hiện hành vi đồi bại. Ngay sau khi nhận được đơn trình báo của nạn nhân, bằng các biện pháp nghiệp vụ, CAH Đắc Đoa đã xác định Suk là thủ phạm gây ra vụ án trên. Tuy nhiên, do giấy khai sinh của Suk chỉ ghi sinh năm 2001 nên CQĐT CAH Đắc Đoa phải tiến hành các thủ tục giám định xương để xác định độ tuổi chính xác của đối tượng là trên 16 hay dưới 16 tuổi tại thời điểm phạm tội để có cơ sở xử lý. Theo kết luận giám định của cơ quan chuyên môn, tại thời điểm phạm tội, Suk đã hơn 16 tuổi. Trên cơ sở này, ngày 12-10, CAH Đắc Đoa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để tiếp tục điều tra làm rõ hành vi “Hiếp dâm” của đối tượng.

Hay mới đây, TAND H. Đắc Pơ (Gia Lai) đã tuyên phạt 21 tháng cải tạo không giam giữ đối với 2 nam sinh Trường THPT Y Đôn là Vũ Ngọc Duy (2000) và Trần Cao Minh (2000, cùng trú TT Đắc Pơ, H. Đắc Pơ) về hành vi “Cố ý làm hư hỏng tài sản”. Theo cáo trạng, 16 giờ ngày 7-5, Duy, Minh và Nguyễn Đức T. (2001, trú tổ 2, TT Đắc Pơ) rủ nhau đi chơi game tại một quán Internet trên địa bàn thị trấn. Sau nhiều giờ chơi tại đây, cả nhóm tiếp tục bỏ đi chơi nơi khác. Khi đến ngã ba QL19-Kpă Klơng (tổ 2, TT Đắc Pơ), thì cả nhóm dừng lại nhặt đá ném vào xe khách giường nằm BKS 81B-012.79 với mục đích… cho vui. May mắn không có người nào bị thương nhưng ô-tô hư hại 2 tấm kính trị giá 10,8 triệu đồng.

Có thể thấy, hiện nay ngoài số đối tượng vị thành niên thường chỉ phạm tội ít nghiêm trọng và mang tính bột phát, nhất thời thì vẫn có nhiều đối tượng thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, thậm chí đặc biệt nghiêm trọng với tính chất manh động, chuyên nghiệp. Điển hình như vụ Nguyễn Hữu Hòa (2001, trú P. Hội Phú, TP Pleiku, học sinh của một trường THPT trên địa bàn TP Pleiku) cùng đồng bọn là Võ Minh Tiến (1997, trú P. Hội Phú) dùng hung khí gây ra hàng loạt vụ cướp tài sản của các đôi tình nhân đã bị CQĐT CATP Pleiku bắt giữ vào tháng 7-2017. Hay vụ Nguyễn Thị Thu Thảo (2000, trú TT Chư Ty, H. Đức Cơ, Gia Lai) cùng đồng bọn có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy bị Phòng CSMT CA tỉnh Gia Lai phối hợp với CAH Đức Cơ bắt giữ vào tháng 5-2017...

 Đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng Vũ Ngọc Duy và Trần Cao Minh phải trả giá cho hành vi nguy hiểm của mình.

Theo thống kê của Phòng CSHS CA tỉnh Gia Lai, 9 tháng năm 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 115 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật với hơn 170 đối tượng liên quan. Con số thống kê trong 5 năm qua (đầu năm 2012 đến tháng 8-2017), trên địa bàn tỉnh Gia Lai xảy ra hơn 1.100 vụ vi phạm pháp luật liên quan đến đối tượng vị thành niên (chiếm gần 27% số vụ phạm pháp hình sự) với hơn 1.900 đối tượng. Các vụ phạm pháp hình sự do người chưa thành niên gây ra gồm: giết người 25 vụ; cướp tài sản 71 vụ; cưỡng đoạt tài sản 14 vụ; hiếp dâm, cưỡng dâm 22 vụ; cố ý gây thương tích 199 vụ; trộm cắp tài sản 503 vụ; cướp giật tài sản 50 vụ; gây rối TTCC 28 vụ và 309 vụ vi phạm pháp luật khác. Đó là một con số thực sự đáng báo động khi những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn đã phải trả giá cho hành vi vi phạm pháp luật.

Qua phân tích của Phòng CSHS CA tỉnh Gia Lai, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vị thành niên phạm tội. Trong đó, chủ yếu là do một bộ phận thanh thiếu niên thích ăn chơi đua đòi, lười lao động, dễ bị ảnh hưởng các mặt tiêu cực của xã hội và bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, những đứa trẻ đang hình thành nhân cách đã bị ảnh hưởng xấu từ phim ảnh bạo lực và những hành vi tiêu cực trên Internet… Chưa kể, một số gia đình buông lỏng quản lý, thiếu sự quan tâm đến việc giáo dục con cái. Đặc biệt là những gia đình rạn nứt, có bố, mẹ sa vào ma túy, cờ bạc hoặc từng vi phạm pháp luật. Công tác giáo dục tại nhà trường chưa có sự phối hợp chặt chẽ với gia đình và chưa chú trọng đến việc giáo dục pháp luật cho học sinh.

M.T-L.A