Giá xăng dầu được xác định phù hợp chưa?

Thứ ba, 19/03/2024 06:24
Ngày 18-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 31 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Tại điểm cầu Đà Nẵng, ông Nguyễn Duy Minh - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, ông Trần Chí Cường – Phó Chủ tịch UBND thành phố đồng chủ trì.

Khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, qua cân nhắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định lựa chọn chất vấn đối với các nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ trưởng nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm rõ những vấn đề đại biểu nêu; đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi, bảo đảm vừa khắc phục kịp thời, hiệu quả các yếu kém, hạn chế trước mắt, vừa tạo được chuyển biến thực chất, lâu dài đối với từng nội dung được chất vấn. Qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành, lĩnh vực quản lý đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng của cử tri và nhân dân.

“Mổ xẻ” giá xăng dầu

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn.

Đặt vấn đề, Nhà nước đã có nhiều biện pháp để kéo giảm giá xăng dầu, tuy nhiên, đây là mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu hằng ngày của người dân và hiện nay mức giá còn cao, một phần là do còn nhiều loại thuế, phí chiếm tỷ lệ cao, nhất là phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về, phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc đến bến cảng…, đại biểu Trần Thị Hồng Nguyên (Bình Thuận) chất vấn Bộ trưởng về "các loại chi phí này được tính như thế nào và chiếm bao nhiêu phần trăm giá xăng dầu", "việc tính như vậy giá có theo sát tình hình thực tế trong bối cảnh biến động thế giới như hiện nay hay không? Bộ trưởng có giải pháp gì để giảm bớt một số loại thuế, phí trong giá xăng dầu để bình ổn giá".

Trả lời, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, giá xăng dầu được xây dựng dựa trên những yếu tố giá hàng mua từ nhà máy hay mua từ nước ngoài cộng với các chi phí trung gian. Chi phí ban đầu hình thành chiếm từ 65 - 77%, thuế các loại như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường chiếm từ 15 - 29%. Chi phí lợi nhuận định mức từ 1,2 - 2%, chưa kể Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Những năm vừa qua, để đảm bảo giảm giá xăng dầu, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, kéo dài từ năm 2021 đến hết năm nay. Khi hạn chế năng lượng hóa thạch chuyển sang năng lượng tái tạo, đúng ra số thuế này phải ngày một cao lên, nhưng để đảm bảo kích cầu và giải quyết khó khăn cho nền kinh tế, đã có biện pháp là giảm thuế.

Còn chi phí định mức chỉ chiếm từ 7 - 12%. Chi phí vận chuyển do các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu thống kê, có hợp đồng và hồ sơ gửi cho Bộ Công Thương. Bộ Công Thương sẽ tập hợp để xác định vào trong cơ cấu của giá xăng dầu. Sau khi thỏa thuận với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ công bố giá xăng dầu cơ sở.

Tranh luận với Bộ trưởng, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, Quốc hội đã đồng ý tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường thêm 50% đối với xăng dầu đến hết năm 2024. Nghị quyết 110 của Quốc hội đã cho ý kiến giảm thuế giá trị gia tăng thêm 2% từ ngày 1-1 đến ngày 30-6-2024.

Ông Nguyễn Duy Minh và ông Trần Chí Cường đồng chủ trì điểm cầu Đà Nẵng.

Đánh giá ngành tài chính, ngân hàng thời gian qua đã có nhiều nỗ lực, nhưng tình hình doanh nghiệp và người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, năm 2024 cũng là năm có tính chất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đại biểu cho rằng, phải có giải pháp đột phá hơn, nhất là trong vấn đề giảm thuế, giảm phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Số lượng doanh nghiệp hiện nay rút khỏi thị trường rất lớn.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị quan tâm hơn nữa đối với việc nâng mức giảm trừ gia cảnh trong vấn đề tính thuế thu nhập cá nhân, từ đó mới có thể tăng tiêu dùng, hỗ trợ cho tăng trưởng trong thời gian tới.

Cũng liên quan đến giá xăng dầu, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) cho biết, Bộ trưởng đã thông tin chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức là một trong những yếu tố cấu thành nên giá xăng dầu. Tuy nhiên, nhiều cử tri phản ánh, thời gian qua việc điều chỉnh và thông báo của Bộ Tài chính chưa kịp thời dẫn đến giá xăng dầu được xác định chưa phù hợp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về nội dung này, trong thời gian tới có thay đổi gì trong việc xác định, điều chỉnh thông báo với Bộ Công Thương về chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức để tính giá xăng dầu.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, chi phí định mức về xăng dầu chỉ chiếm từ 7 - 12%. Trước đây, quy trình để thực hiện chi phí này là các doanh nghiệp đầu mối, sau một kỳ điều hành sẽ tập hợp các hồ sơ gửi cho hai Bộ Công Thương và Tài chính. Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) sẽ căn cứ vào hồ sơ đó để tính bình quân ra tiền và lấy kết quả đó để thông báo trở lại cho Bộ Công Thương và Bộ này sẽ đưa vào giá cơ sở.

Tuy nhiên hiện nay, hồ sơ được chuyển cho Bộ Công Thương tập hợp lại và thống nhất với Bộ Tài chính để ban hành giá xăng dầu cơ sở. "Nói điều đấy có nghĩa chúng tôi chấp nhận các chi phí thực tế hợp lý của các doanh nghiệp, chứ không phải là từ số liệu cao hay thấp mà các bộ, ngành ép lên hay ép xuống. Có nghĩa khi giảm được giá thành, chi phí vận chuyển rẻ thì chi phí định mức sẽ giảm", nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng Tài chính cho biết, giá do doanh nghiệp chủ động và được tính trong giá cơ sở theo phương pháp bình quân.

Chưa có phương án xét tăng mức giảm trừ gia cảnh

Chất vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc về vấn đề thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) cho biết, cử tri cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng cho cá nhân người nộp thuế và 4 triệu đồng/tháng cho một người phụ thuộc khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân được áp dụng từ ngày 1-7-2020 đến nay không còn phù hợp trong bối cảnh chỉ số lạm phát tăng hằng năm và tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Tài chính đã có phương án xét tăng mức giảm trừ gia cảnh bản thân và người phụ thuộc khi xác định thuế thu nhập cá nhân thời gian tới chưa và mức giảm trừ là bao nhiêu phù hợp. Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, vấn đề này nhiều cơ quan báo chí đã nêu là không phù hợp với điều kiện hiện nay, khi thời giá ngày một nâng cao. Tuy nhiên, Bộ vẫn phải thực hành theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. Muốn thay đổi được mức giảm trừ gia cảnh phải sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân. Theo kế hoạch, trong năm 2025 mới bắt đầu sửa thuế thu nhập cá nhân. Khi sửa Luật, Bộ Tài chính mới nêu quan điểm và lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan và xây dựng lại các yếu tố về giảm trừ gia cảnh để trình với Chính phủ, Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Sau khi Quốc hội ban hành quy định về sửa đổi thuế thu nhập cá nhân sẽ theo đúng quy định mới của luật.

Hoàn thành phân định biên giới cắm mốc với các nước láng giềng

Chiều 18-3, các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn về thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác thu hút kinh tế, thương mại, đầu tư; quy hoạch các cửa khẩu và phát huy tiềm năng thế mạnh của các địa phương vùng biên trong phát triển kinh tế - xã hội. Đây là lần đầu tiên lĩnh vực ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn được lựa chọn để chất vấn.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) đề nghị làm rõ tình hình triển khai lộ trình và giải pháp thúc đẩy các thỏa thuận, hợp tác thu hút đầu tư trong thời gian tới để các địa phương biên giới có điều kiện mở mới, nâng cấp các cửa khẩu, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh và lợi thế sẵn có của vùng biên giới trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, hiện Việt Nam có 25 tỉnh giáp biên giới trên bộ với các nước láng giềng: Trung Quốc, Lào, Campuchia. Ngày 14-10-2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1199/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với Luật Quy hoạch 2017 và Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Những kết quả quan trọng đó đã thúc đẩy ngoại giao kinh tế, hợp tác kinh tế qua biên giới giữa ta với các nước láng giềng.

Trong kế hoạch triển khai, Bộ Ngoại giao xác định, việc hoàn thành phân định biên giới cắm mốc với các nước láng giềng là thành quả quan trọng nhất, bảo vệ đường biên vững chắc, lâu dài. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, điều quan trọng hơn là phải khai thác được đường biên giới hòa bình, hữu nghị, chuyển thành hợp tác cùng phát triển, cùng có lợi. Do đó, Bộ Ngoại giao đã khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng quy hoạch tất cả các cửa khẩu. Thời gian tới, Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp với các địa phương, đặc biệt 3 nước đối tác, để cùng đàm phán, nâng cấp các cửa khẩu, đảm bảo cơ sở hạ tầng giao thông vận tải trong lưu thông hàng hóa, thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và ba nước.

Về việc xuất nhập khẩu của ta sang một số đối tác còn nhiều khó khăn được đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, trong thời gian qua, các bộ, ngành đã triển khai những đột phá để thúc đẩy hợp tác xuất nhập khẩu của Việt Nam với các đối tác. Hiện, Việt Nam là một trong những nước có độ mở kinh tế cao nhất, đã đàm phán 17 Hiệp định Thương mại tự do với 60 đối tác trên thế giới để thúc đẩy xuất nhập khẩu. Trong thời gian qua, kể cả trong thời gian đại dịch COVID-19 nhiều khó khăn, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, để đảm bảo cửa khẩu giao lưu hàng hóa thông suốt.

Chia sẻ các biện pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ, với Trung Quốc, Việt Nam kết nối về đường bộ và đang triển khai về đường sắt; đàm phán với các bạn về những quy định, tiêu chuẩn để xuất nhập khẩu chính ngạch, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội bền vững, lâu dài.

BẢO NAM – B.T