Giấc mơ nhà ở cho công nhân
Hơn 15.000 lao động phải thuê nhà dân hoặc các phòng trọ nhếch nhác, ẩm thấp để ở. 65% công nhân không có nhà ở ổn định... Đó là con số thống kê sơ bộ tại khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, tỉnh Quảng Nam. Trong khi đó Quảng Nam hiện nay có 9 khu công nghiệp, với hơn 40 nghìn lao động. Nhu cầu nhà ở xã hội hiện nay của công nhân rất cao nhưng năng lực chủ đầu tư hạn chế, vì vậy các dự án xây nhà ở xã hội chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện. Mặc dù trong các cuộc họp hội đồng nhân dân tỉnh vấn đề này luôn được đưa ra thảo luận nhưng trên thực tế mơ ước về nhà xã hội cho công nhân vẫn còn xa vời.
Có được nơi ăn chốn ở ổn định là mơ ước của hàng ngàn công nhân Quảng Nam. |
Nhiều năm qua, người lao động ở KCN Điện Nam - Điện Ngọc luôn ước mơ có được một căn nhà vừa với túi tiền. Anh Hoàng (công nhân Công ty giày Rieker, thị xã Điện Bàn) cho biết, với thu nhập trung bình 4 triệu đồng/ tháng chỉ vừa đủ chi phí sinh hoạt cho gia đình vì vậy có được một căn nhà là ước mơ quá lớn mà gia đình anh không dám nghĩ tới. "Vợ tôi người Bình Định, từ khi cưới nhau thì chuyển về làm chung công ty với tôi. Hiện giờ hai vợ chồng tôi sống chung nhà với ba mẹ và con nhỏ nên rất chật chội. Lương 2 vợ chồng cũng chỉ vừa đủ chi tiêu cho cuộc sống, không dư dả gì. Tôi nghe nói có dự án nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng cũng tầm trên 200 triệu đồng. Cha mẹ hai bên hứa là nếu được ưu đãi như vậy sẽ giúp đỡ cho vợ chồng mua được nhà ổn định cuộc sống", anh Hoàng cho biết.
Ước mơ của anh Hoàng cũng là ước mơ của hàng ngàn công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn Quảng Nam. Nhiều dự án đã triển khai nhưng không ít đã phải bỏ dở hoặc dậm chân tại chỗ. Tại KCN Điện Nam-Điện Ngọc, Dự án Khu nhà ở dành cho người thu nhập thấp do Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư nông nghiệp nông thôn và Dịch vụ thể thao du lịch STO (Công ty STO) làm chủ đầu tư là dự án đầu tiên cho người có thu nhập thấp được đưa vào thực tế. Lúc đầu, quy mô đầu tư gồm 24 block nhà chung cư trên tổng diện tích đất 18,28ha, với 8.400 căn hộ. Theo kế hoạch, dự án dự kiến triển khai thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 sẽ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng 8 block nhà chung cư trong năm 2013 và hoàn thiện đưa vào sử dụng vào cuối năm 2014; tháng 1-2015 sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 xây dựng thêm 6 block nhà chung cư, hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 4-2016; giai đoạn 3 sẽ khởi công xây dựng thêm 10 block nhà chung cư vào tháng 4-2016 và chính thức đưa vào kinh doanh vào tháng 12-2017. Tuy nhiên, do Công ty STO không đảm bảo năng lực tài chính để thực hiện dự án nên ngày 16-12-2014, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương điều chỉnh giảm quy mô dự án, và yêu cầu công ty cam kết tiến độ đầu tư, tập trung nguồn lực để thi công xây dựng theo đúng tiến độ cam kết. Khu căn hộ dành cho thu nhập thấp được thiết kế lại cao 5 tầng, gồm 2 block nhà với 360 căn hộ đa dạng diện tích từ 26m2 trở lên. Giá bán mỗi căn hộ khoảng 200 triệu đồng. Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Nam hỗ trợ chính sách ưu đãi 50% lãi suất vay ngân hàng nhằm tạo điều kiện giúp công nhân lao động dễ dàng sở hữu được ngôi nhà mơ ước phù hợp mức độ tài chính của bản thân. Tuy nhiên, con số 360 căn hộ này chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ trong số nhu cầu của hàng chục ngàn công nhân khắp Quảng Nam.
Ngoài dự án trên, tỉnh cũng đã triển khai rất nhiều phương án hỗ trợ nhưng các chủ đầu tư vẫn không mấy tha thiết vì khó thu hồi vốn. Đơn cử như năm 2013, UBND tỉnh ban hành quy định hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN, nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Một số chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội như được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích được Nhà nước giao; được dành 20% tổng diện tích đất xây dựng nhà ở đầu tư công trình kinh doanh thương mại để bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê mua nhà ở xã hội. Ngoài ra tại các KCN của tỉnh đều quy hoạch và dành quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân, với diện tích hơn 100ha nhưng các doanh nghiệp vẫn rất dè dặt đầu tư mô hình nhà ở xã hội vì cho rằng sẽ khó thu hồi vốn.
Trong hội nghị cử tri công nhân vừa qua, bà Cao Thị Thắm-Chủ tịch Công đoàn Công ty giày Rieker cho biết, số công nhân từ các vùng quê làm việc tại đây ngày càng tăng, nhu cầu nhà ở cũng tăng theo. Bên cạnh đó, vấn đề chất lượng, giá cả, an ninh nhà trọ hiện nay cũng khó đảm bảo an toàn và vệ sinh. Bà Thắm thay mặt công nhân bày tỏ nguyện vọng mong muốn KCN có khu nhà ở cho công nhân, giá thuê vừa phải, có chế độ ưu đãi về điện nước, an ninh trật tự được đảm bảo. Ông Phan Việt Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho biết, HĐND tỉnh đã thông qua đề án về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp và nhà ở cho người thu nhập thấp tại các đô thị. Ngân sách tỉnh hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng xây dựng 8 nhà ở cho công nhân và người có thu nhập thấp. Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân khách quan mà những dự án này chưa phát huy triệt để. Ông Phan Việt Cường cho biết sau khi tiếp nhận ý kiến phản ảnh của cử tri công nhân, tỉnh đã làm việc với thị xã Điện Bàn và các huyện có KCN, tạo cơ chế thuận lợi cho việc đầu tư an sinh xã hội cho công nhân. Ngoài nhà ở còn có các hạng mục nhà trẻ, sân chơi. Tỉnh phấn đấu để mỗi hộ có nhà từ 35-40 m2.
H.D
Vừa qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết 3 dự án đầu tư xây dựng thiết chế đầu tiên của tổ chức Công đoàn sẽ sớm được triển khai tại các tỉnh Hà Nam, Quảng Nam và Tiền Giang. Trong đó, cùng với các công trình công cộng, sẽ xây dựng nhà ở cho người lao động thuê hoặc mua với diện tích 30 m2, giá khoảng 5 triệu đồng/m2; tầng cao, giá chỉ khoảng 3 triệu đồng/m2. Với số tiền khoảng 100 triệu đồng, người lao động có thể sở hữu một căn hộ. |