Giải "bài toán" ùn tắc giao thông (Bài 2: Sai lầm trong thiết kế đô thị?)
Để xảy ra tình trạng kẹt xe tại các nút giao thông và ùn tắc tại các tuyến đường trung tâm thành phố vào giờ cao điểm như hiện nay, theo KTS Hồ Duy Diệm- nguyên Phó chủ tịch Hội quy hoạch TP Đà Nẵng: "Đà Nẵng mắc phải sai lầm. Sai lầm đầu tiên là sai lầm trong quy hoạch mạng lưới giao thông và giao thông tĩnh".
KTS Hồ Duy Diệm: "Đà Nẵng mắc phải sai lầm trong quy hoạch mạng lưới giao thông và giao thông tĩnh". |
Theo KTS Hồ Duy Diệm, mạng lưới giao thông đô thị Đà Nẵng nói chung là tốt, hệ thống cầu, đường sá vào ra thành phố khá rõ ràng rồi, nhưng vấn đề quan trọng nhất là không hiểu, không giải quyết rốt ráo tuyến đường vành đai- đường giao thông tải, nhất là "điểm nghẽn" tại cầu Thuận Phước. Điều này kéo theo hệ lụy là "phá vỡ quy hoạch giao thông đã tốt của thành phố".
Sai lầm thứ hai của toàn thể quy hoạch đô thị, trong đó có quy hoạch giao thông theo nhìn nhận của KTS Hồ Duy Diệm là "không tuân theo quy chuẩn thiết kế đô thị, vì không theo tiêu chuẩn này nên mới đẻ ra cả giao thông, cả cây xanh, cả công trình công cộng và rất nhiều thứ nữa đều... lệch chuẩn".
KTS Hồ Duy Diệm phân tích, trong tiêu chuẩn thiết kế đô thị, cụ thể như một đô thị mới như Đà Nẵng, nếu muốn làm hiện đại, tốt thì tiêu chuẩn về diện tích là 100m2/người, còn những đô thị cũ khác thì 60m2/người (nếu như lên được 80-100m2 thì càng tốt, nhưng rất khó). Với Đà Nẵng, tiêu chuẩn 100m2/người thì chia ra 5 phần (tương ứng mỗi phần 20%). Trong đó, 20% cho nhà ở, đây là tiêu chuẩn cao và hiện đại; 20% dành cho cây xanh (là tiêu chuẩn phấn đấu, rất cao). Thường thì thành phố với 15m2 cây xanh/người đã là lý tưởng, tuy nhiên hiện nay Đà Nẵng mới chỉ có 0,4-0,6m2 cây xanh/người. Một thành phố hiện đại hay không hiện đại thì tiêu chuẩn về giao thông là quan trọng nhất, với 25-30m2 dành cho giao thông/người (trong đó 20m2 dành cho giao thông động và 10m2 dành cho giao thông tĩnh). Tuy nhiên, hiện Đà Nẵng đang "quên" tiêu chuẩn về giao thông tĩnh, không có đất dành cho giao thông tĩnh. "Giao thông tĩnh là cái gì? Là chỗ mà xe không chạy, tất nhiên không phải cứ để ngoài đường và chỗ đó được gọi là giao thông tĩnh. Hiện nay đang diễn ra tình trạng "ăn cắp" diện tích của giao thông động, biến giao thông động trở thành giao thông tĩnh, dẫn đến tình trạng người đi bộ không có lối đi, giao thông qua lại bị cản trở. Người ta cho rằng đây là sai lầm do ấu trĩ. Thực ra tiêu chuẩn quy phạm này có cách đây 60 năm do Bộ Xây dựng vạch ra chứ không phải bây giờ, tuy nhiên do mình không áp dụng", KTS Hồ Duy Diệm nhìn nhận.
Cũng theo KTS Hồ Duy Diệm, phương pháp "chia lô bán nền" mà Đà Nẵng và các địa phương đang áp dụng hiện nay là phương pháp "ăn cắp diện tích cây xanh và diện tích giao thông tĩnh". Khi phân lô bán nền, diện tích đất ở chiếm đến 60% và giao thông động 20% nữa là gần hết, 20% còn lại không đủ cho công trình công cộng, nhà trẻ, trường học, cây xanh, vườn hoa, giao thông tĩnh... Chính điều này đã làm cho quy hoạch đô thị thành phố không đạt tiêu chuẩn gì cả. "Ngó thì nhà cửa, phố xá thênh thang, nhưng cách đây 20 năm tại các hội thảo khoa học, tôi đã nói đô thị Đà Nẵng là... những ổ chuột dát bằng vàng, và đến giờ tôi vẫn nhắc lại. Cứ mở con đường nào ra là phân lô bán nền, rộng 5m sâu 20m, cứ thế bán. Làm thế thì quy hoạch cái gì, cần gì quy hoạch, cứ mở một con đường ra cứ thế mà chia lô bán nền thôi", KTS Hồ Duy Diệm phân tích.
Ông đơn cử như đường Nguyễn Văn Linh, mở ra phân lô bán nền, mỗi lô 5mx20m, sau lưng trừ một lối thoát hiểm, thế là xong. Bắt người ta xây nhà lên 4-5 tầng cho nó hoành tráng, tầng dưới bán hàng, tầng trên ở. Nhưng nghĩ lại xem, 5 người ở trong căn nhà đó, trưa đi về không có chỗ để 5 xe máy, còn nếu trong 5 người mà 2 người có ô-tô thôi, thì thử hỏi để vào đâu? Tất nhiên là phải để ngoài đường. Không có tầng hầm, không có bãi đỗ ô-tô đồng nghĩa với tiêu chuẩn về giao thông tĩnh không đạt được. 5 tầng kín mít như thế, nếu không có điện, không có đèn thì không có ánh sáng. Sai lầm này chính là do không áp dụng đúng tiêu chuẩn quy hoạch đô thị. Nếu áp dụng đúng tiêu chuẩn này, thì Đà Nẵng với dân số khoảng 1 triệu người, đến năm 2030 ước khoảng 2,5 triệu người và đô thị Đà Nẵng lúc bấy giờ được quy hoạch là 25 ngàn ha. Nếu một đô thị có diện tích 25 ngàn ha, tương đương với 2,5 triệu dân thì tiêu chuẩn là đúng rồi. Nhưng sai ở chỗ, trong 25 ngàn ha thì riêng đất cây xanh chiếm 20%, tương đương 5.000 ha. Ở Đà Nẵng bây giờ tìm đâu ra 5.000 ha đất cây xanh. Người làm quy hoạch có thể vẽ đâu đó trên Hòa Ninh, Hòa Bắc một công viên rừng nào đó với diện tích 5.000 ha, như vậy là đủ 5.000 ha cho diện tích cây xanh. Cái này là một cách chống cháy, bởi cây xanh tuốt trên Hòa Ninh thì không lẽ người dân chạy lên đó mà thở, mà người dân cần cây xanh ngay trong mỗi khu nhà ở. Dù sao có vẽ ra được 5.000 ha đất xây xanh ấy thì cũng phần nào hiểu được tiêu chuẩn của thành phố 2,5 triệu dân để cho đủ 20m2 cây xanh/người.
Mặc dù chuyển thành đường một chiều nhưng vào giờ cao điểm, đường Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) vẫn thường xảy ra ùn tắc cục bộ. |
Tuy nhiên, theo KTS Hồ Duy Diệm, nhìn về lĩnh vực giao thông thì không thể như thế được. Giao thông phải đi đến từng ngõ ngách. Anh giải quyết giao thông như thế nào mà con người bước ra khỏi nhà là có xe buýt đi, thời gian chờ không quá 5 phút và đi đến công sở hay nơi nào đó mà không phải đi bộ quá 100m. Mạng lưới giao thông là phải như thế, trên cao, dưới thấp, ngầm gì không biết nhưng phải tính ra hết để làm sao giải quyết tất cả nhu cầu đi lại của từng ấy người. Cái gì cũng phải phục vụ nhu cầu cuộc sống con người, đơn cử muốn đi xe buýt, tiêu chuẩn từ nhà đến điểm đón xe không quá 200m. Nếu làm được điều này thì mạng lưới giao thông phải dày đặc, hiện đại.
Khác với công viên, có thể lấy một khu vực nào đó 5.000ha, còn về giao thông thì ở trong toàn bộ 25 ngàn ha phải có 5.000 ha đường và 1.000-2.000 ha dành cho giao thông tĩnh. Và giao thông tĩnh thì phải chia ra, xuống tận khu phố, nhà ở. Ví dụ quy định một căn nhà (khách sạn hoặc chung cư chẳng hạn) có 20 tầng với 80 phòng, tương đương ít nhất 80 ô-tô và 80 chỗ để xe, thì bắt buộc nhà đầu tư làm thế nào đó phải dành chỗ cho giao thông tĩnh, tức chỗ để 80 xe nói trên. Quy định là vậy, nhưng thực tế có công trình cao tầng nào đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Giao thông động cũng dở, giao thông tĩnh lại càng dở hơn. Nếu giải quyết đúng giao thông tĩnh theo tiêu chuẩn đó xuống tận khu phố thì khi không có giao thông công cộng người dân muốn mua xe cũng được, và có chỗ để. Hoặc là khi thiết kế một ngôi nhà để ở, thì bắt buộc phải thiết kế chỗ để ô-tô.
Cái sai lầm của công tác quy hoạch là không nhìn trước những vấn đề mà người ta đã thấy, đã vạch ra. Với Đà Nẵng chính là thiết kế đô thị. Có thể chưa làm công viên, có thể chưa làm công trình công cộng, nhưng phải dành quỹ đất cho những công trình đó, mà quỹ đất đó thường được gọi là đất công sản. Bây giờ ở Đà Nẵng đất công sản ít, thậm chí không có. Thiết kế đô thị không phải chỉ thiết kế nhà ở cho 1 triệu dân mà phải nghĩ đến những yêu cầu khác của con người có nhà ở mà nhà nước đã quy định. Tức là khi ở thì phải có cây xanh, có trường học, phải có công viên, bệnh viện trong từng khu đô thị và trong bán kính phục vụ của nó. Chứ không phải ở Hải Châu mà ảnh chỉ lên Hòa Khánh hoặc ra bãi biển Phạm Văn Đồng tập thể dục hay ngồi hóng mát...
(còn nữa)
D. H