Giải Cánh diều vàng phim tài liệu 2016: Sự chân thực đi vào trái tim

Thứ tư, 12/04/2017 09:27

(Cadn.com.vn) - Lễ trao giải Cánh diều vàng 2016 vừa khép lại nhưng chưa hết những “ồn ào”. Bất chấp những hạt sạn của một lễ trao giải danh tiếng nhưng lại được tổ chức sơ sài; bất chấp cả việc đạo diễn điện ảnh phim “Cha cõng con” trả lại bằng khen cho Ban tổ chức vì cho rằng phim chưa được đánh giá đúng... thì sự tôn vinh ở dòng phim tài liệu dành cho phim xuất sắc nhất và đạo diễn xuất sắc nhất lại làm nức lòng giới chuyên môn và khán giả. Trước khi được giải Cánh diều vàng, phim “Hai đứa trẻ” của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, ngay từ khi phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) đã đi vào trái tim của người xem bởi sự nhân văn và xúc động của một câu chuyện chân thực.

 

Nước mắt từ câu chuyện đời

Sau khi phát sóng vào cuối năm 2016, phim tài liệu “Hai đứa trẻ” được đăng tải trên trang facebook của Đài THVN. Và chỉ sau 2 tuần, đã có gần 2 triệu lượt xem và gần 30 nghìn lượt chia sẻ. Hiệu ứng của “Hai đứa trẻ” tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ ngay sau đó, đã khiến chính đạo diễn của phim cũng bất ngờ trước sự đồng cảm của người xem dành cho câu chuyện. Bởi phim tài liệu Việt Nam, lâu nay, rất hiếm hoi những phim có thể chiếm được cảm tình của số đông khán giả. Bình luận về bộ phim này, hầu hết ý kiến, từ người có chuyên môn cho đến những khán giả thuộc nhiều lĩnh vực, lứa tuổi khác nhau đều phản hồi là họ không cầm được nước mắt và bộ phim khiến họ bị ám ảnh.

Câu chuyện hai đứa trẻ bị trao nhầm ở Bình Phước gây “chấn động” dư luận vào tháng 7-2016 đã được báo chí thông tin. Nhưng bộ phim "Hai đứa trẻ", với câu chuyện được kể bằng ngôn ngữ của hình ảnh và âm thanh, đã đem lại một tiếng nói mạnh mẽ của lương tri và cảm xúc. Hai đứa trẻ bị trao nhầm, đến khi gần 4 tuổi, mới được phát hiện ra. Một cuộc trao đổi để mẹ nào con nấy, để đứa bé được đặt đúng vị trí của mình đã diễn ra. Bệnh viện xin lỗi vì sự tắc trách này. Nhưng đằng sau nó là câu chuyện đẫm nước mắt của con trẻ và nỗi đau dai dẳng của người làm cha mẹ. Hai đứa bé ngây thơ, ngơ ngác không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Chúng được đưa về một ngôi nhà, khác với hơn 3 năm qua đã ở. Chúng sống cùng những người khác, không phải là “cha mẹ” mà mở mắt chào đời chúng đã ở bên. Như những con chim non bị tách lìa khỏi tổ, những đứa trẻ đau đớn trong từng câu nói, từng tiếng khóc.

Không chỉ là câu chuyện trao nhầm trẻ. Đằng sau đó, người xem được chạm vào những phận đời. Những con người nghèo khó ở vùng đất Bình Phước làm người xem xúc động mạnh bởi họ sống có tình có nghĩa. Họ bao dung với sự nhầm lẫn của bệnh viện. Họ coi đó là tai nạn. Họ nhủ thầm mình sinh một mà có 2 đứa con. Anh Khiên (chồng chị Nga), khi vợ sinh đứa con thứ hai đã thấy có những khác thường, khi con không giống ai trong dòng họ. Nhưng anh không dám nói từ “ngoại tình” sợ vợ buồn. Anh nghĩ tới tình huống: hay là bệnh viện nhầm lẫn. Anh đi bán hàng rong, lang thang những bản làng, mong gặp lại người phụ nữ dân tộc sinh con cùng phòng với vợ, biết đâu họ đang nuôi con mình. Sau 2 năm, tưởng như vô vọng, anh đành nói chuyện với cha vợ. Người cha vợ, khi đi buôn bán, cũng cố dò manh mối, cho tới khi ông nhìn thấy một người đàn bà S’tiêng bồng đứa trẻ giống như con gái của mình. Sau khi kiểm tra ADN, kết quả đúng như dự đoán. Nhưng khi cuộc trao đổi diễn ra, anh Tuấn - chồng chị Liên không đồng ý. Anh cho rằng bệnh viện giải quyết chưa thỏa đáng, số tiền đền bù quá ít, và anh không chịu đổi con. Nỗi đau càng nhân lên, khi những người thân chị Liên thổ lộ là khi sinh con, anh đã không chăm lo, bây giờ thấy có chuyện liên quan tới tiền bạc lại ý kiến, khiếu nại...

Sau cuộc trao đổi, dù hai đứa trẻ đã về đúng ngôi nhà của mình, nhưng anh Khiên chồng chị Nga vẫn không hết thương lo. Khi bé Thìn, “con của anh” trong suốt hơn 3 năm qua, giờ phải sống trong cảnh cơ cực, không lối thoát, và chắc chắn sẽ không được đến trường. Cảnh nhà anh không khá giả gì, nuôi đứa con gái lớn đầu, mỗi lần nộp tiền học đã thấy khó. Bây giờ anh muốn nuôi tiếp cả bé Thìn và Ngọc Yến cùng đi học... Có ước muốn ấy, nhưng rồi anh Khiên cũng đành bất lực, bởi hoàn cảnh sống khó khăn. Một câu chuyện với muôn mặt của cuộc đời, sống động, chân thực trên từng thước phim.



 

Sức mạnh khi chạm vào sự thực

Phim tài liệu “Hai đứa trẻ” không lời bình, người làm phim không phán xét mà khán giả sẽ tự cảm nhận về nội dung được chuyển tải. Bộ phim đi vào trái tim khán giả bởi nó đã đi đến tận cùng của câu chuyện. Người xem có thể hình dung được đằng sau sự tắc trách của những người làm công tác y tế là những thương tổn không bù đắp nổi trong lòng con trẻ và cả những người làm cha mẹ.

Những ánh mắt ám ảnh trong phim khiến người xem không thể cầm lòng. Đó là ánh mắt đau đớn của chị Liên trong buổi trao đổi con, từng giọt nước mắt rớt ra khi phải xa lìa đứa bé chị ẵm bồng bao lâu nay. Đó là khi anh Khiên bồng đứa con trong đêm tối để đưa vào buôn sóc, mắt anh buồn bã, day dứt khi con chưa thể quen được với nơi ở mới và những người thân mới. Và thương xót nhất là ánh mắt của những đứa trẻ, nó khiến mỗi chúng ta phải tự nhắc mình rằng: Bất cứ những việc làm gì liên quan đến trẻ em, đều phải được cẩn trọng, bởi hậu quả của nó là con trẻ phải nhận lấy hết những thiệt thòi.

Sau lễ trao giải Cánh chiều vàng vừa qua, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư (1980, quê quán Nam Định), làm việc tại Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự, Đài THVN chia sẻ: “Hai đứa trẻ” đã có một kết thúc có hậu bởi sau khi phim phát sóng, đã có nhiều người tìm đến giúp đỡ cho các cháu được đi học đến tuổi trưởng thành. Cuộc sống của các cháu ở hai gia đình cũng đã ổn định và có thể qua lại với nhau như chung một nhà. Bản thân anh khi làm phim này cũng rất nhớ con gái của mình. Và khi kết thúc bộ phim, anh lại nhớ đến 2 cô con gái - nhân vật của phim. Nhiều khán giả đã chung nhận xét rằng, với "Hai đứa trẻ", đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã làm bộ phim tài liệu này không chỉ bằng lý trí của một nhà làm phim tài năng mà còn bằng trái tim của một người cha đầy xúc cảm.

Hải Quỳnh

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư.

Cảnh trong phim "Hai đứa trẻ".