Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21-12-1954 -21-12-2014)

Giải “cơn khát điện” cho miền Trung

Thứ bảy, 20/12/2014 10:53

(Cadn.com.vn) - Nếu có dịp nhìn lại quá khứ một chút sẽ nhận ra bước phát triển rất ngoạn mục của ngành điện miền Trung. Từ chỗ “vốn liếng” chỉ là những tổ máy diesel nhỏ lẻ thì đến nay, sau gần 40 năm, lưới điện trên địa bàn miền Trung đã lan tỏa rộng khắp với 99,74% số xã cóp điện lưới quốc gia...

Giai đoạn từ năm 1975 đến cuối thập kỷ 1980, hoạt động của điện lực tại miền Trung chủ yếu dựa vào các nguồn điện tại chỗ. Gọi là “nguồn” nhưng thực ra lúc ấy chỉ là những tổ máy diesel nhỏ lẻ, phân tán, tổng công suất lắp đặt các trạm điện diesel trên địa bàn chỉ có 75,4MW, sản lượng điện hàng năm chưa đến 100 triệu kWh, quá thấp so với nhu cầu phát triển KT-XH.

Trong giai đoạn này, ngoài nhà máy điện Đồng Hới 14MW, còn lại chủ yếu là tiếp nhận, lắp đặt các tổ máy phát điện diesel được điều động từ miền Nam ra, miền Bắc vào và phục hồi các máy hỏng hiện có nhưng cũng chỉ đủ để bổ sung cho các máy đã hỏng phải thanh lý qua các năm.

Thủy điện Phú Ninh được xây dựng và đi vào vận hành năm 1984, gắn liền với công trình Đập thủy lợi Phú Ninh, một “đại công trường” của khu vực và đất nước vào thời điểm đó nhưng cũng chỉ có công suất 1,6MW, vẫn như “giọt muối bỏ bể” trong tình trạng thiếu điện của miền Trung. Về lưới điện, đã xây dựng mới đường dây (ĐZ) 35kV Huế-Đồng Hới và một số ĐZ và trạm biến áp (TBA) 15kV, còn lại chủ yếu cải tạo, sửa chữa lưới điện trong các khu vực thành phố, thị xã đã quá tải, cũ nát nhằm duy trì khả năng cấp điện.

Công nhân Cty Điện lực Đà Nẵng vận hành TBA 110kV.

Với nguồn vốn ít ỏi, ngành điện miền Trung chưa thể tạo ra những chuyển biến nào đáng kể đối với việc đầu tư xây dựng các công trình nguồn và lưới điện trong giai đoạn đầu. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc miền Trung vẫn ở trong cảnh thiếu điện nghiêm trọng, nhiều khu vực lớn trên địa bàn là vùng “trắng điện” hoàn toàn. Dù đã rất nỗ lực, công tác sản xuất cung ứng điện vẫn luôn bị động, phải thực hiện việc đóng cắt luân phiên là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự kìm hãm sự phát triển KT-XH các địa phương cũng như ảnh hưởng đến đời sống nhân dân các tỉnh miền Trung.

Trên cơ sở đề xuất của Cty Điện lực 3 lúc bấy giờ, Bộ trưởng Bộ Năng lượng đã xác định với lãnh đạo chủ chốt các tỉnh, thành phố miền Trung 3 giải pháp: Củng cố, tăng cường nguồn điện diesel hiện có, kéo lưới điện truyền tải từ Nam ra, Bắc vào; xây dựng tại chỗ các nhà máy thủy điện có công suất đủ mạnh, trước mắt tập trung xây dựng công trình thủy điện Ialy (720MW) để phục vụ nhu cầu tại chỗ, đồng thời tham gia vào lưới Bắc-Nam, làm cầu nối cho lưới điện thống nhất cả nước. Từ đây đã mở ra một giai đoạn phát triển mới đối với Điện lực miền Trung.

Ngay sau đó, hàng loạt các công trình nguồn và lưới điện được xây dựng. Từ năm 1988 đến 1990 đã bổ sung 74 tổ máy diesel, tăng 69MW. ĐZ 220-110kV Vinh-Đà Nẵng hoàn thành, đưa điện Hòa Bình vào cung cấp cho 4 tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng là một công trình có ý nghĩa rất quan trọng, khởi đầu cho tiến trình kết nối miền Trung vào lưới điện quốc gia, tiến đến thống nhất lưới điện trên phạm vi toàn quốc, góp phần giải quyết căn bản tình trạng thiếu điện do thiếu nguồn tại chỗ như trước đây.

Nối tiếp khoảng thời gian sau đó, lưới điện phía Bắc tiếp tục vào Quảng Ngãi, đóng điện ĐZ 110kV Đa Nhim-Nha Trang, cấp điện cho Bình Định, đóng điện ĐZ 110kV Nha Trang-Tuy Hòa, đưa điện từ Đa Nhim ra cung cấp cho tỉnh Phú Yên. Về các nguồn điện cũng đã hoàn thành nhà máy thủy điện Đrây HLinh (12MW), khánh thành và đưa vào vận hành Nhà máy thủy điện An Điềm (5,4MW), khởi công xây dựng Nhà máy thủy điện Ialy (720MW), đưa vào sản xuất và hòa lưới điện quốc gia Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn (66MW)...

Song song với việc xây dựng các nhà máy thủy điện, các ĐZ và TBA 220kV, 110kV, ĐZ 500kV cũng hoàn thành giai đoạn 1, hòa mạng thành công hệ thống điện siêu cao áp 500kV Bắc-Nam, kết nối hệ thống điện Việt Nam qua ĐZ 500kV. Tiếp đó, miền Trung đã được nhận điện từ hệ thống quốc gia qua trạm 500kV Đà Nẵng và sau đó các tỉnh Tây Nguyên, Nam miền Trung còn được nhận điện qua trạm 500kV Pleiku... Đến giai đoạn này, diện mạo ngành điện miền Trung đã thay đổi rõ rệt. Tất cả những chuyển biến này đều diễn ra trong vòng chưa đến 8 năm.

Ông Trần Đình Nhân, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng Cty Điện lực miền Trung khẳng định “với những nỗ lực của Điện lực miền Trung trong đầu tư, phát triển lưới điện và công tác điện khí hóa nông thôn, diện mạo ngành điện miền Trung đã có những thay đổi lớn. Nếu như năm 1976, tổng công suất chỉ mới 75,4MW thì đến nay, công suất cực đại toàn hệ thống điện miền Trung-Tây Nguyên đã đạt 2.047MW, tăng hơn 25 lần, ĐZ các cấp điện áp tăng gần 44 lần.

Sản lượng điện thương phẩm lúc đầu chỉ chưa tới 100 triệu kWh thì đến năm 2014, dự kiến trên 12 tỷ kWh, tăng hơn 120 lần. Trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố miền Trung-Tây Nguyên, 100% số huyện, 99,74% số xã, 98,23% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, cao hơn mức bình quân chung cả nước và hoàn thành vượt mức yêu cầu mà Quốc hội và Chính phủ đề ra”.

Phương Kiếm