“Giải” cơn khát nước sinh hoạt ở Đà Nẵng?
Ngày 15-11, Cục Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với Cty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) và các bên liên quan để phân tích nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra tại TP thời gian qua. Lãnh đạo Dawaco cho biết, do các hồ thủy điện phía thượng nguồn ngang mực nước chết, không cung cấp đủ nước về hạ du dẫn tới sông Cầu Đỏ bị xâm nhập mặn đột biến là nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại Đà Nẵng từ ngày 4 đến 7-11 vừa qua. Ông Hồ Hương, Tổng giám đốc Dawaco cho biết, khi sông Cầu Đỏ bị xâm nhập mặn, phía Dawaco phải dùng nguồn nước thô từ đập An Trạch về để xử lý. Tuy nhiên, trạm bơm An Trạch với 6 máy bơm (trong đó 2 máy dự phòng), nếu hoạt động hết công suất 4 máy bơm thì chỉ đạt 196 ngàn m3 đến 217 ngàn m3 ngày/đêm. Hơn nữa, đường ống tải nước từ trạm bơm An Trạch về nhà máy nước Cầu Đỏ công suất thiết kế 210 ngàn m3 ngày/đêm, nếu dùng quá tải liên tục sẽ mất an toàn. Do vậy, nguồn nước từ An Trạch tối đa chỉ có thể cung cấp 210 ngàn m3 ngày/đêm, trong khi nhu cầu sử dụng nước của TP khoảng 270 ngàn m3 ngày/đêm, thiếu hụt khoảng 70 ngàn m3 ngày/đêm. Khi thiếu hụt nguồn cung nước, Dawaco phải cắt nước luân phiên, người dân, cơ sở kinh doanh lại tích nước tối đa, đây có thể là nguyên nhân diễn ra tình trạng thiếu nước trên diện rộng.
Đoàn kiểm tra Cục Quản lý tài nguyên nước làm việc với các bên liên quan. |
Đại diện các thủy điện ở thượng nguồn như Đắc Mi 4, A Vương, Sông Bung 4, Sông Tranh 2 cho biết đã phối hợp xả nước về đập An Trạch khi sông Cầu Đỏ bị xâm nhập mặn khiến thiếu nước sinh hoạt tại TP Đà Nẵng. Cụ thể, từ ngày 4 đến 7-11 vừa qua, độ mặn trên sông Cầu Đỏ thường xuyên duy trì ở mức cao (>1.000mg/l), đỉnh độ mặn đạt 4.374mg/l, thủy điện Đắc Mi 4 đã mở cổng xả sau thân đập cung cấp nước thô, nâng mực nước tại đập An Trạch trên mức nước chết. Trong ngày 15-11, thủy điện vẫn xả 3,2m3/s, dù hồ chứa nước đang dưới mực nước chết 0,6m. Đại diện thủy điện A Vương cũng cho biết đã xả nước trong thời điểm sông Cầu Đỏ bị xâm nhập mặn, Đà Nẵng thiếu nước, dù nguồn xả không đáng kể. Lý do, vì mưa trên lưu vực sông Vu Gia hiện thấp nhất từ năm 1977 đến nay, hồ chứa đang dưới mực nước chết. Tương tự, đại diện thủy điện Sông Bung 4 phân tích, lượng nước năm nay về chỉ bằng 26% những năm trước. Từ ngày 16-10 đến 14-11, thủy điện Sông Bung ngừng tham gia phát điện để tích nước được 64 triệu m3. Khi Đà Nẵng thiếu nước, thủy điện phải phát điện để xả nước về hạ du… Đại diện các thủy điện đều cho rằng, với diễn biến thời tiết hiện nay, mùa khô năm 2019 tình trạng thiếu nước sẽ diễn ra nghiêm trọng. Ngay từ bây giờ, nếu các thủy điện không có phương án tích nước dự trữ thì qua năm 2019 không chỉ hạ du khát mà các thủy điện cũng khó hoạt động, ảnh hưởng tới an ninh năng lượng. Đại diện thủy điện Sông Tranh 2 cho rằng, tháng 11-2018 là lũ chính vụ nhưng nước về chỉ bằng 10% so với mọi năm, thấp kỷ lục trong chuỗi thủy văn 45 năm qua. Từ thực tế đó, thủy điện phải giảm phát điện để tích nước hồ cho năm 2019. Song, vì Hội An, Duy Xuyên đang nhiễm mặn nặng buộc thủy điện phải xả nước, nếu không vụ Đông Xuân sẽ mất trắng.
Sau khi nghe các bên phân tích, Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho rằng, dung tích các hồ thủy lợi hiện thấp hơn 70-80%, hạn hán trên lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn rất cao, thậm chí kéo dài tới tháng 9 năm sau. Ông Vĩnh cho biết, giờ chỉ còn hy vọng vào lũ tiểu mãn, các hồ chứa cần chủ động để có phương án tích nước. Ông Vĩnh cũng nhận định, việc thiếu nước sinh hoạt tại Đà Nẵng thời gian qua không phải do thiếu nước nguồn, mà là do hệ thống vận hành khai thác nước không đảm bảo. Cụ thể, nguồn nước về đập An Trạch vẫn đủ cho TP, tuy nhiên hệ thống ống dẫn về nhà máy nước Cầu Đỏ không đảm bảo. Do đó, ông Vĩnh đề nghị Dawaco phải chủ động trong vận hành hệ thống đường ống đưa nước từ An Trạch về xử lý, đây là phương án khả thi nhất. “Trong giấy phép hoạt động của nhà máy nước thì một trong những nguyên tắc đầu tiên là phải có các biện pháp đảm bảo lấy được lượng nước đủ với công suất hoạt động, đáp ứng nhu cầu phục vụ sinh hoạt người dân. “Diễn biến thời tiết còn rất phức tạp, vì thế tôi đề nghị Dawaco phải có biện pháp khắc phục tình trạng này ngay. Nhà máy phải chịu trách nhiệm việc đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cung cấp, không thể chờ đợi vào bên nào được”- ông Vĩnh nhấn mạnh. Ngoài ra, cần có giải pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, tổ chức trong việc sử dụng nước tiết kiệm, vì thực tế nhiều nơi vẫn còn sử dụng nước lãng phí.
HẢI QUỲNH