Giải cứu cỗ máy “công nghiệp không khói”

Thứ hai, 21/06/2021 08:18

Kỳ vọng với giải pháp vaccine được đẩy mạnh, ngành “công nghiệp không khói” của Đà Nẵng sẽ trở lại mạnh mẽ.

Đại dịch COVID-19 rồi sẽ được khống chế, ngành “công nghiệp không khói” sẽ hoạt động trở lại và đóng góp quan trọng cho kinh tế Đà Nẵng. Nhưng trong lúc này, cỗ máy khổng lồ ấy cần được giải cứu để vượt qua “đại nạn” trước mắt. 

Du lịch là lĩnh vực kinh tế tổng hợp, cùng với thương mại, dịch vụ chiếm khoảng 64% trong cơ cấu kinh tế Đà Nẵng. Suốt thời gian dài, TP đã đầu tư nguồn lực để phát triển mạng lưới hạ tầng du lịch hiện đại, qua đó đóng góp của du lịch vào tăng trưởng của TP trung bình gần 14% trong giai đoạn từ 2016-2019. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 ập đến, qua 4 đợt sóng dữ, du lịch từ bị tổn thương, lao đao, giờ thì lâm nguy. Năm 2020 kinh tế TP lần đầu tiên tăng trưởng âm hơn 9,7% cũng vì sự suy giảm nghiêm trọng của lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Qua mỗi làn sóng Covid-19, doanh nghiệp du lịch lại tìm đường hồi sinh dẫu mang trong mình đầy “thương tích”. Lần gần nhất, làn sóng COVID-19 lần thứ tư đầu tháng 5 vừa qua, lúc đó ngành du lịch các tỉnh miền Trung đã kích cầu, quảng bá, hàng chục ngàn lượt khách đã đặt tour đến Đà Nẵng dịp lễ 30-4, nhiều khách sạn lớn công suất đặt phòng lên tới 90%. Nhưng rồi COVID-19 quay lại đánh tan niềm hy vọng của các doanh nghiệp du lịch sau chuỗi thời gian dài gắng gượng hồi sinh. Cỗ máy “công nghiệp không khói” đang hoạt động thì dừng lại, đẩy nhiều doanh nghiệp vào nguy cơ phá sản. Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho biết, qua đợt dịch này, doanh nghiệp du lịch chỉ còn tính đóng cửa thế nào chứ không thể tính khi nào hồi sinh. Thống kê cho thấy, TP có hơn 5.000 doanh nghiệp du lịch hoạt động thì hiện đã đóng cửa hơn 90%. Riêng Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng có 1.000 doanh nghiệp hội viên, thì có đến gần 10% đã giải thể, số còn lại đóng cửa.

Ngay khi làn sóng COVID-19 lần thứ tư quay lại, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống của Đà Nẵng trong tháng 5-2021 chỉ đạt khoảng 880 tỷ đồng, sụt giảm tới 40% so với tháng trước. Rõ ràng tác động tiêu cực của đại dịch đến ngay tức thì. Và thống kê qua 4 làn sóng COVID- 19, hiện Đà Nẵng có khoảng 56 ngàn lao động ngành du lịch mất việc. Trong số 319 đơn vị kinh doanh dịch vụ vận chuyển của TP có hơn 200 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động... Và qua mỗi làn sóng dịch, doanh nghiệp du lịch lại phải đương đầu với cuộc chiến sống còn. Ông Nguyễn Văn Duẩn - Giám đốc khu vực miền Trung, Tập đoàn Mường Thanh chia sẻ, theo dự báo thì trong tháng 5-2021, công suất phòng của khách sạn tại Đà Nẵng đạt khoảng 70 đến 80%, dù chưa cao như lúc cao điểm năm 2019 nhưng đó là tín hiệu tốt. Tuy nhiên, dịch xuất hiện trở lại đã phá hủy tất cả. Hiện các khách sạn nhỏ lẻ đã đóng cửa hết, kể cả khách sạn 5 sao. Nhiều khách sạn cho nhân viên nghỉ việc để cắt lỗ. Theo ông Duẩn, nhân lực ngành du lịch cần thời gian dài đào tạo, nhưng qua mỗi đợt dịch lại bị cắt giảm, phải chuyển đổi sang ngành khác, tới khi du lịch hoạt động trở lại sẽ bị khủng hoảng nhân lực. Do đó, với Mường Thanh chỉ cho nhân viên giảm giờ làm để vừa giữ chân nhân viên vừa đảm bảo mức lương cơ bản để họ duy trì cuộc sống, chờ thị trường du lịch phục hồi. “Tập đoàn sẽ ứng kinh phí, sau này hoạt động tốt thì khách sạn sẽ chuyển trả”, ông Duẩn chia sẻ.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp du lịch nào cũng có thể giữ chân nhân viên, chờ ngày hồi sinh. Nhiều doanh nghiệp đã không còn sức kháng cự, buộc phải đóng cửa hoặc phải rời khỏi thị trường. Ông Cao Trí Dũng cho biết, hiện mới có khoảng 15-20% doanh nghiệp du lịch mở cửa phục vụ thị trường khách tại chỗ. Thông thường đây là dịp cao điểm du lịch hè, song vì tình hình dịch bệnh trên diện rộng cả nước còn phức tạp, nhiều địa phương chưa hoàn toàn nới lỏng giãn cách, do vậy nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn chờ đợi thị trường ổn định, có lượng khách đủ lớn, đủ bù đắp chi phí mới mở cửa trở lại. Cũng theo ông Dũng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là giúp doanh nghiệp du lịch, người lao động vượt qua khó khăn, cầm cự, lên phương án phục hồi. Bởi lẽ, việc đẩy mạnh tiêm chủng vaccine trên diện rộng sẽ sớm tạo miễn dịch cộng đồng, tình hình ổn định trở lại và du lịch sẽ trở lại. Nhưng, trong khoảng thời gian chờ dịch được khống chế, hiện nhiều doanh nghiệp du lịch, người lao động đã không còn sức kháng cự, cần được hỗ trợ, tiếp sức để tồn tại. Hiệp hội đã lên phương án đề xuất hỗ trợ về giảm giá điện, bảo hiểm xã hội, giảm lãi vay, khoanh nợ, giãn nợ... mục tiêu trong bối cảnh này là giải cứu doanh nghiệp, giải cứu người lao động. Đặc biệt với lao động du lịch, Hiệp hội đã đề xuất TP cho khoảng 1000 người được vay vốn thuộc 2 nhóm gồm nhóm chuyển đổi ngành nghề và nhóm lao động du lịch bị thất nghiệp cần vốn để trang trải cuộc sống gia đình chờ việc làm khi du lịch phục hồi trở lại. Tổng số vốn dự kiến cho các nhóm đối tượng này vay khoảng 65 tỷ đồng.

Với giải pháp vaccine đang được đẩy mạnh, cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng dịch bệnh sớm bị khống chế, các hoạt động kinh tế sẽ trở lại bình thường trong thời gian không xa. Khi có tín hiệu tốt, ổn định từ thị trường, các doanh nghiệp du lịch sẽ trở lại mạnh mẽ. Vấn đề còn lại trước mắt, cần tìm mọi giải pháp  hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, hỗ trợ lao động du lịch vượt qua khó khăn.

HẢI QUỲNH