“Bóng ma” COVID-19:

“Giải cứu” hệ thống mầm non ngoài công lập (Bài cuối: Chính sách nào để giải "cứu"?)

Thứ sáu, 10/12/2021 16:19

Trước tình trạng nhiều cơ sở mầm non rao bán, giải thể, các gói hỗ trợ trước mắt cũng như những chính sách ưu đãi tài chính như vay vốn lãi suất thấp, miễn giảm thuế… đang là những giải pháp được Bộ GD-ĐT đề xuất để “cứu” hệ thống giáo dục mầm non này. Đây cũng là mong mỏi của các chủ trường và giáo viên.

Các trường mầm non phải đóng cửa suốt nhiều tháng qua, cơ sở vật chất xuống cấp, không một đồng thu về nhưng vẫn phải trả hàng chục triệu đồng tiền thuê mặt bằng mỗi tháng.

Nhiều cơ sở mầm non rao bán, giải thể

Với các trường mầm non tư thục, không có học sinh đồng nghĩa với việc không có một khoản thu nào trong khi vẫn phải đóng hàng chục triệu đồng tiền thuê mặt bằng mỗi tháng. “Chúng tôi phải cố gắng đàm phán với chủ nhà. Chủ nhà tốt, có tâm thì họ giảm khoảng 30-40%. Nhưng cũng có người không có tâm hoặc họ cũng gặp khó khăn, phải vay tiền để mua nhà và cần tiền để trả ngân hàng thì rất khó. Đó là khó khăn lớn nhất để chúng tôi duy trì trường”, cô Trần Thanh Hà, chủ cơ sở mầm non tư thục TK Bé Yêu ở Hà Nội nghẹn ngào.

Với những người có nhiều cơ sở mầm non tư thục khác nhau thì vấn đề tài chính càng căng thẳng hơn. Cô N.T.H. có ba cơ sở trường. Tổng tiền thuê nhà mỗi tháng khoảng 130 triệu đồng và phải nộp theo quý. Nghỉ dịch và không có nguồn thu, cô H. rơi vào khủng hoảng khi không biết phải giải bài toán tiền nhà như thế nào. Cô H. đã cố gắng đàm phán với các chủ nhà và may mắn được hai người đồng ý cho nợ từ tháng 5 đến nay. Không phải chủ trường nào cũng may mắn như vậy. Có hai cơ sở mầm non, cô Trần Thị Dâu ở Đồng Nai cho biết từ ngày đóng cửa trường, cô đã phải tìm nhiều cách để vừa duy trì cuộc sống, vừa trả tiền thuê mặt bằng. Cô thương lượng với chủ nhà, kinh doanh online đủ các mặt hàng, từ bánh kẹo đến dầu ăn, đồ dùng học tập. “Nhưng nếu hai tháng nữa vẫn chưa thể mở lại lớp chắc tôi sẽ phải xin giải thể một cơ sở dù rất tiếc nuối”, cô Dâu buồn rầu nói.

1,2 triệu trẻ mầm non nguy cơ không có chỗ học

Khối mầm non tư thục với sự linh hoạt về giờ giấc đón trả trẻ, sự năng động trong sáng tạo và thích ứng trong dạy và học vừa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của phụ huynh, vừa đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của hệ thống công lập. Đặc biệt, ở các thành phố lớn, nơi đông dân cư và hệ thống mầm non công lập bị quá tải, hệ thống mầm non tư thục càng có vai trò quan trọng. Vì thế, việc hàng loạt cơ sở mầm non tư thục giải thể, giáo viên mầm non tư thục chuyển nghề sẽ là một thiệt hại rất lớn cho ngành giáo dục và cho toàn xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, các cơ sở giáo dục mầm non tư thục hiện đảm nhiệm việc nuôi dạy cho 22,3% số trẻ ở độ tuổi đến trường. Có 90.500 người lao động đang làm trong hệ thống này với hơn 19.000 cơ sở, trong đó bao gồm cả trường mầm non và các nhóm trẻ. Kết quả rà soát của Bộ cũng cho thấy có 95,2% cơ sở giáo dục mầm non tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng (đa phần là 6 tháng trở lên), 81,6% cơ sở không trả được lương cho giáo viên. Việc nhiều cơ sở mầm non ngoài công lập phải đóng cửa sang tên rao bán, nhiều người lao động phải chuyển đi làm công việc khác do ảnh hưởng của dịch bệnh đã dẫn đến nguy cơ 1,2 triệu cháu trong độ tuổi mầm non không có chỗ học. “Đây là một con số không nhỏ”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Giải pháp nào?

Dù gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế nhưng các giáo viên và chủ cơ sở mầm non tư thục cho hay họ rất chia sẻ với Chính phủ những khó khăn chung mà nền kinh tế đất nước đang phải trải qua. Với các chủ trường, điều họ mong đợi nhiều nhất là được ưu đãi về thuế và có thể vay ngân hàng với lãi suất 0% nhằm duy trì và khôi phục trường sau khi học sinh được đi học trở lại.

Thứ trưởng GD-ĐT Ngô Thị Minh cho biết, rà soát của Bộ cho thấy chỉ khoảng 25,8% giáo viên mầm non tư thục được hưởng hỗ trợ theo chính sách chung của Chính phủ tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đa số các giáo viên không đủ điều kiện hưởng hỗ trợ vì chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Các cơ sở mầm non tư thục cũng khó tiếp cận các gói hỗ trợ tài chính do quy mô nhỏ hoặc thủ tục phức tạp. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn của các giáo viên và cơ sở mầm non ngoài công lập, giúp các cơ sở có điều kiện phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho hay, Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành đề xuất Chính phủ nhiều giải pháp.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, tổng số tiền gói tài chính ngành giáo dục đang đề xuất cho cả người lao động và các cơ sở mầm non ngoài công lập và đang trình Chính phủ xem xét là hơn 800 tỷ đồng, đi kèm với cơ chế vay vốn, thuế và các điều kiện khác nhằm hỗ trợ người lao động và các cơ sở vượt qua khó khăn.

“Đây là tin vui cho các giáo viên và chủ cơ sở mầm non tư thục. Rất mong Chính phủ sẽ sớm xem xét thông qua để chúng tôi có thể sớm tiếp cận gói hỗ trợ, có điều kiện để tiếp tục duy trì, khôi phục cơ sở mầm non, gắn bó với công việc mình tâm huyết và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục”, cô Trần Thanh Hà xúc động nói.

P.V

>> “Giải cứu” hệ thống mầm non ngoài công lập (Bài 1: Giáo viên mầm non tư thục chật vật mưu sinh)