Giai điệu mưa trong nhạc Trịnh
(Cadn.com.vn) - Mưa, nguồn cảm hứng vô tận cho người nghệ sĩ. Mưa luôn gợi mở những ý tưởng, những cảm xúc... Ngoài hiên mưa rơi rơi. Giai điệu mưa trong nhạc Trịnh đang làm rung động trái tim mẫn cảm. Quê Trịnh ở Huế. Nhắc tới Huế, người ta nhớ đến “thương hiệu” mưa, một “đặc sản” lạ lùng... Từ những năm 60 của thế kỷ trước, nhạc Trịnh đã biến giọt mưa tí tách thành một chất thơ: “Diễm xưa”. Trước Trịnh nhiều năm, Đặng Thế Phong-một nhạc sĩ được Trịnh yêu thích, cũng bắt đầu cảm hứng sáng tạo từ tiếng mưa thánh thót: “Giọt mưa thu”...
Ảnh minh họa: Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ. |
Bắt đầu trong “Diễm xưa”, âm nhạc Trịnh tràn ngập tiếng mưa buồn xót xa, buồn mà quyến rũ lạ kỳ! Con người đa cảm ai chẳng yêu nỗi buồn “mưa” như thế: Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ/Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua. Đứng trên căn gác Trịnh sống ở Huế, có thể thấy và nghe rõ tiếng chuông từ gác chuông nhà Dòng Chúa cứu thế vang vọng, ngân nga. Mặc sức ngắm mưa trên những mái ngói rêu phong, mà ngày nay đa số gần như biến mất, bởi nhà tầng, nhà ống mọc lên. Con đường nhà Trịnh ở Huế, mang tên một nhà văn hóa nổi tiếng: Nguyễn Trường Tộ, người dân thường gọi nôm na là đường “long não” vì trồng toàn cây long não cổ thụ. Những tán lá rất xanh, dày và rậm, giao nhau che kín bầu trời. Con đường thì nhỏ hẹp, tạo một cảm giác hun hút, để Trịnh cất lên những câu ca:
Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu
Chiều nay còn mưa sao em không lại...
Đi xa Huế hơn 20 năm, tôi nghiệm rằng đã là người Huế thì dù phiêu bạt phương trời nào, tiếng mưa vẫn là nỗi ám ảnh khó tả. Mưa Huế không đỏng đảnh dễ thương như mưa Sài Gòn “em đi mà chợt nắng”, không đài các kiêu sa như mưa Hà Nội. Mưa Huế thâm trầm, sâu lắng như tiếng thở dài u uẩn của người cung phi bị đày vào lãnh cung. Mùa thu, nghe “lá thu mưa” thì có bao giờ vui? Mưa mùa hạ đến để giải tỏa cơn khát của vạn vật, còn mưa thu không phong ba bão táp nhưng dìm chết hồn người, nhạc sĩ Đặng Thế Phong gọi là “Giọt ma thu”. Người ta kể nhạc sĩ họ Đặng ban đầu định đặt tên ca khúc “Giọt mưa thu” là “Giọt ma thu”, sau có người góp ý nên thôi. Đặng thích vẽ tranh thủy mặc, ông vẽ cây bao giờ cũng trơ trụi lá. Trịnh cũng thích vẽ. Ông nhìn lá đổ, lá vàng, lá chết... ngẫm thấy đời xanh buốt để hát ru “Ru em từng ngón xuân nồng”.
Huế, giữa mùa hạ, thường có những cơn mưa bất chợt rực rỡ, nồng nàn. Đôi bờ sông Hương lung linh màu hoa phượng vỹ, nhuộm đỏ màu mưa, màu mây. Cầu mưa em qua là cầu Trường Tiền? Trịnh rất Huế khi viết mưa núi là mưa “nguồn”, và đợi mưa là “ngóng” mưa- hai phương ngữ Huế (nguồn-ngóng) sử dụng trong bài “Mưa hồng” và “Diễmxưa”:
Này em đã khóc chiều mưa đỉnh cao
Còn gì nữa đâu sương mù đã lâu
Em đi về cầu mưa ướt áo...
Còn gì nữa đâu, cuối cùng cho một tình yêu, nhân chứng vẫn là...mưa, nhớ thương vẫn là mưa hắt hiu. Mưa ngoài trời và mưa trong lòng, cho một tình yêu: Ừ thôi em về
Chiều mưa giông tới. Mưa lê thê, mưa mênh mang, mưa buốt giá, khi mùa đông tới, bấy giờ mưa là một sự chia ly, ủ dột, dầm dề. Mưa buồn não nề, buồn tàn tạ, miên viễn như “Tuổi đá buồn”:
Trời còn làm mưa, mưa rơi mênh mang
Từng ngón tay buồn, em mang em mang
Trời còn làm mưa, mưa rơi mưa rơi
Từng phiến băng dài trên hai tay xuôi...
Nhạc Trịnh tràn trề tiếng mưa. Tạo thành một ảo giác xuyên suốt. Tiếng mưa chắp cánh cho âm nhạc, đẹp- buồn, bềnh bồng theo thời gian xanh rêu...
Vũ Hào