Giải mã ngôi vị số 1 về chuyển đổi số của Đà Nẵng (Bài 2: Sức bật từ kinh tế số)

Thứ hai, 25/10/2021 18:01

Doanh nghiệp (DN) số ở Đà Nẵng phát triển rất nhanh, qua đó đóng góp của kinh tế số trong kinh tế thành phố ngày càng quan trọng. Trên nền tảng sẵn có, để tạo sức bật cho kinh tế số trong thời gian tới, thành phố cần tập trung giải quyết nhiều thách thức mang tính "điểm nghẽn" hiện nay.

Giữa đại dịch song các nhà máy sản xuất công nghệ cao vẫn được triển khai xây dựng tại Danang IT Park.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Quang Thanh cho biết, trong thời kỳ đại dịch Covid-19, ngành CNTT&TT ít bị ảnh hưởng do các DN đã chuẩn bị sẵn sàng chuyển đổi số, chuyển hình thức làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến. Do đó, tính đến tháng 9-2021, tổng doanh thu toàn ngành đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt trên 65 triệu USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Cũng theo ông Thanh, Đà Nẵng hiện có 2,1 DN công nghệ số trên 1.000 dân, chỉ đứng sau TP.HCM và cao gấp 4 lần mức trung bình cả nước. Trong số 7.000 DN liên quan tới CNTT của Đà Nẵng (chiếm 20% DN toàn TP) thì có nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số như FPT Software, Axon Active, Logigear, Magrabbit, Global Cybersoft… Doanh thu toàn ngành CNTT&TT đạt khoảng 30.000 tỷ đồng, chiếm 7,5% GRDP, mục tiêu sẽ nâng lên 10% GRDP vào năm 2025.

Sở dĩ công nghiệp CNTT phát triển nhanh, đóng góp quan trọng cho kinh tế Đà Nẵng như hiện nay là nhờ chiến lược lấy ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh làm nền tảng, động lực. Từ khá sớm, Đà Nẵng đã đầu tư các công viên phần mềm, khu CNTT tập trung để đáp ứng mặt bằng, thu hút DN số. Chẳng hạn từ năm 2008 Đà Nẵng đã đầu tư đưa vào sử dụng khu công viên phần mềm, thu hút 69 DN đầu tư với 2,2 ngàn lao động. Hiện thành phố đang đầu tư thêm công viên phần mềm số 2 tổng vốn hơn 986 tỷ đồng, đáp ứng chỗ làm việc cho 6.000 người.

Song song với đầu tư hạ tầng, Thành phố cũng tạo cơ chế, chính sách thu hút nhiều nhà đầu tư lớn về công nghệ số. Chẳng hạn như tập đoàn FPT đã đầu tư Khu đô thị công nghệ FPT trên diện tích 181 ha tổng vốn 1 tỷ USD tại Hòa Hải, trong đó khu FPT Complex rộng 5,9 ha, mục tiêu thu hút 10 ngàn kỹ sư phần mềm (hiện đã có 3,4 ngàn kỹ sư làm việc). Tương tự, Khu CNTT tập trung Đà Nẵng (Danang IT Park) đã hoàn thành đầu tư hạ tầng giai đoạn 1 diện tích 131 ha, tổng mức đầu tư khoảng 666 tỷ đồng. Hiện chủ đầu tư đã thi công 5 nhà máy SMT cùng hạ tầng kỹ thuật phân khu A2 (phân khu sản xuất kinh doanh sản phẩm dịch vụ CNTT) với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng tại đây.

Ông Nguyễn Anh Huy - Giám đốc Công ty Cổ phần Khu CNTT tập trung Đà Nẵng cho biết, hiện nhà máy Trungnam EMS đã đi vào hoạt động và sản xuất thành công các đơn đặt hàng vừa và nhỏ của các đối tác trong và ngoài nước. Một số khách hàng ở Mỹ, Úc đã chấp thuận sản phẩm nhà máy để đi vào sản xuất đại trà.  Nhà máy Trungnam EMS đã ký một đơn hàng với đối tác Mỹ trị giá 200 tỷ đồng, sản xuất trong 6 tháng tới. Cũng theo ông Huy, trong năm 2022, Trungnam EMS dự kiến đưa vào 2 hành máy trong phân khu A2 với 20 dây chuyền sản xuất, tạo việc làm cho từ 1.000 -2.000 lao động. Các nhà máy, khu đất còn lại, thông qua các chương trình xúc tiến đầu tư, dự kiến lấp đầy trong 2-3 năm tới. Đặc biệt, theo ông Huy, trong thời gian tới sẽ đầu tư hoàn chỉnh dịch vụ lưu trú, sinh hoạt, giải trí trong và ngoài Danang IT Park để phục vụ tốt nhất cho khách hàng, kêu gọi đầu tư.

Trong bối cảnh dịch bệnh, 9 tháng qua xuất khẩu phần mềm của Đà Nẵng vẫn tăng trưởng 8,6% so với cùng kỳ.

Nhiều dự án công nghệ số mới cũng đang được xúc tiến mạnh mẽ để sớm triển khai tại Đà Nẵng. Nổi bật như tập đoàn công nghệ CMC xây dựng dự án Tổ hợp không gian sáng tạo tổng vốn 12.000 tỷ đồng trên diện tích 17,2 ha tại Cẩm Lệ, Viettel đầu tư dự án Trung tâm phần mềm và CNC tổng vốn 2.000 tỷ đồng tại Khu Công viên Bắc tượng đài 2-9, VNPT đầu tư khu CNTT trên đường Nguyễn Sinh Sắc rộng 35 ngàn m2, tổng vốn từ 700-1.000 tỷ đồng.

Bên cạnh những lợi thế đó, để phát triển bứt phá về kinh tế số trong thời gian tới Đà Nẵng cần giải quyết nhiều thách thức mang tính "điểm nghẽn" mà nổi bật là việc thiếu nhân lực chất lượng cao. Hiện chỉ có khoảng 20.000 lao động trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số được coi là lao động có chất lượng trên tổng số hơn 40.000 nhân lực CNTT ở Đà Nẵng. Hiện các DN đang rất cần nhân lực có trình độ chuyên môn sâu và kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất các sản phẩm, ứng dụng chuyên cho thiết bị di động; ứng dụng phục vụ chính quyền điện tử, thành phố thông minh, an toàn, an ninh thông tin... Nhân lực CNTT chất lượng cao như Trưởng nhóm (Team Leader), Quản trị dự án (Project Manager), Kỹ sư cầu nối (Bridge Engineering)... cũng khan hiếm trong khi nhu cầu của DN rất lớn.

Ngoài giải quyết "điểm nghẽn" nhân lực, để phát triển kinh tế số bứt phá, Đà Nẵng cần cơ chế, môi trường đầu tư thực sự hấp dẫn cho các DN số.  Ông Nguyễn Anh Huy chia sẻ, Đà Nẵng cần tăng cường kêu gọi đầu tư ở các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật, Mỹ và hỗ trợ nhà đầu tư trong nước có tiềm lực. Cụ thể, cần nhanh chóng hoàn thiện có sở hạ tầng thiết yếu (điện, nước, viễn thông, cảng Liên Chiểu, cảng hàng không hàng hóa). Theo ông Huy, sau đại dịch, việc đầu tư vào CNTT, viễn thông, điện tử sẽ rất lớn vì đây là ngành ít bị biến động, tổn thương. Do vậy, thành phố cần tạo hệ sinh thái, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, đầu tư hoàn chỉnh các KCN còn lại, khuyến khích liên kết giữa cơ sở đào tạo và nhu cầu liên kết DN.

HẢI QUỲNH

>> Giải mã ngôi vị số 1 về chuyển đổi số của Đà Nẵng (Bài 1: Lợi thế từ nền tảng hạ tầng)