Giải mã tấm bia cổ nhất Đà Nẵng

Thứ tư, 28/09/2016 08:51

(Cadn.com.vn) - Tấm bia cổ nhất Đà Nẵng hiện đang đặt tại chùa An Long (Q.Hải Châu- Đà Nẵng). Chỉ một tấm bia thôi nhưng được công nhận là di tích lịch sử Quốc gia, điều đó đủ cho thấy giá trị lớn của tấm bia. Vậy trên đó ghi gì?

Tấm bia cổ được khắc gắn liền với sự hình thành của chùa An Long từ nhiều thế kỷ trước. Thượng tọa Thích Dư Dục (92 tuổi), người có nhiều năm ngụ tại chùa An Long kể rằng, năm 1471, vua Lê Thánh Tông trên đường mở mang bờ cõi cho thuyền đậu trước cửa sông Hàn, đúng lúc ấy trên thuyền hết nước ngọt, vua cho quân lính đi tìm và phát hiện ra vũng nước trong, ngọt tại cồn đất bên tả ngạn sông Hàn. Thế là quan quân được thỏa cơn khát. Sau này khi bờ cõi được mở mang, vua cho dân lập làng và xây dựng một ngôi chùa trên mảnh đất tìm ra nước ngọt khi xưa. Lúc đầu chùa làm bằng tranh tre nứa lá, sau này hư hỏng, năm 1982 thời vua Minh Mạng đã cho tu sửa lại khang trang. Thượng tọa Thích Dư Dục cũng cho biết, ngay từ khi có ngôi chùa thì đã có tấm bia đá. Nhưng  do nhiều biến cố lịch sử nên tấm văn bia cũng bị thất lạc, mãi tới năm 1903 mới được tìm thấy từ lòng đất, các vị cao niên đã mang bia ra đặt trước cổng Tam quan của chùa.

Trải qua thời gian bào mòn các ký tự trên tấm bia đã phai mờ.

Lý lịch di tích do Bảo tàng Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) lập ghi rằng tấm văn bia được dựng vào năm 1654, bài khắc trên văn bia gồm 368 chữ Hán, trong đó 6 chữ lớn khắc theo đường ngang đóng khung riêng ghi Lập thạch bi Thủ Long tự. Trong lòng mặt bia có 360 chữ khắc lõm theo hàng dọc từ phải qua trái. Ở mặt sau của bia có trang trí hoa văn nhưng không có chữ. Tài liệu của chùa An Long thì ghi nội dung tấm văn bia kể về sự hiển linh của đức Phật trước khi xây dựng chùa, đặc biệt có lúc đã hiển thị khuôn mặt đầu rồng (Long thủ), vì thế khi chùa được cất lên có tên là chùa Long Thủ (năm 1935 vua Bảo Đại mới  cho đổi tên thành chùa An Long). Ngoài nội dung kể về đức Phật hiển linh, trên tấm văn bia cũng ghi rõ những người phát tâm cúng dường, những vị chức sắc địa phương đồng tình dựng chùa. Tấm bia cũng khắc nội dung "đúc một quả chuông, xây tháp để chuông và cuối cùng dựng một lầu để trống.

Theo Thượng tọa Thích Đồng Nghĩa, trụ trì chùa An Long thì các đời trụ trì trước ở chùa kể rằng, năm 1903 khi tấm văn bia được tìm thấy từ lòng đất, đáng tiếc lúc đó nó bị vỡ làm đôi, phải dùng vôi vữa gắn lại. Tấm bia được đặt tại cổng Tam quan nhưng không ai đọc được ý nghĩa của nó cho tới khi có bản dịch của học giả người Pháp là Henri Cosserat. Lúc đó, nhiều người mới giật mình vì trên tấm văn bia cho biết nhiều câu chuyện lịch sử giá trị. Cũng theo Thượng tọa Thích Đồng Nghĩa, tấm bia được làm bằng đá sa thạch màu xám, chiều cao 1,25m, chiều rộng 1,20m, bề dày 0,21m. Phía mặt chính trên cùng tấm bia có hình mặt trời mây vờn, phần dưới tấm bia có hình ảnh đài hoa sen, dưới cùng là hình ảnh 2 con nghê. Nội dung tấm bia kể đại ý trước đây ở vùng đất này đức Phật đã nhiều lần hiển linh, cứu giúp dân lành, cũng có lần xuất hiện Long Thủ (đầu rồng). Để cảm tạ ơn đức Phật, người dân đã góp tiền xây dựng chùa Long Thủ.

Dấu vết tấm bia bị vỡ làm đôi đã được gắn lại.

Điều đặc biệt là đến nay hầu hết các tài liệu nghiên cứu về tấm bia đều dựa trên bài viết "Chùa Long Thủ ở Tourane" của Henri Cosserat đăng trên tạp chí B.A.V.H (Những người bạn cố đô Huế) vào năm 1920. Henri là học giả đầu tiên tiếp cận tấm bia và có mô tả chi tiết từ hình thức lẫn nội dung các Hán tự khắc trên bia. Nếu không có công lao của ông, những thông tin giá trị về tấm bia có thể bị chôn vùi bởi các Hán tự bị phai mờ, bào mòn của thời gian. Thực tế tới nay, do không được bảo quản tốt, các ký tự trên tấm bia đã bị phai mờ. Năm 2009, tấm văn bia đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia. Bởi lẽ xét về giá trị lịch sử, khoa học, tấm văn bia với bài khắc bằng Hán tự gắn liền với lịch sử người Việt trong giai đoạn đầu mở mang bờ cõi về phía Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Ngoài ra tấm bia còn là văn bản có giá trị giúp nghiên cứu lịch sử địa phương.

Hải Quỳnh