Giải mã “The Scream”- bức tranh đắt nhất lịch sử

Thứ hai, 07/03/2016 11:51

(Cadn.com.vn) - Bức tranh nổi tiếng “The Scream” (Tiếng thét) của danh họa người Na Uy Edvard Munch là bức chân dung khắc họa nỗi khiếp sợ của con người. Tác phẩm đã gây ra nhiều hiện tượng ảnh hưởng trên toàn thế giới.

Dưới bầu trời như chảo lửa đang thiêu đốt với vô số màu vàng, cam và đỏ, bên cạnh một số người đang đứng trên cầu là một người đàn ông mặc chiếc áo màu xanh uốn lượn như dòng chảy. Hai bàn tay thon dài của ông áp lên bộ mặt nhìn như đầu lâu. Đôi mắt mở to vẻ hoảng sợ, ông gào lên một tiếng thét kinh hoàng. Đó là toàn cảnh của “The Scream”.

Đây là bức tranh nổi tiếng nhất thế giới chỉ sau Mona Lisa của Leonardo da Vinci trong lịch sử nghệ thuật. Danh họa Munch tạo ra tất cả 4 phiên bản của “The Scream”, 2 bằng phấn màu và 2 bằng sơn. Phiên bản sơn đầu tiên, vào năm 1893, hiện đang được trưng bày tại Phòng trưng bày Quốc gia ở thành phố Oslo, Na Uy. Viện bảo tàng Munch ở Oslo đang lưu giữ phiên bản phấn màu năm 1893 và phiên bản sơn năm 1910. Phiên bản phấn màu năm 1895 thuộc về nhà tài phiệt người Mỹ Leon Black sau cuộc đấu giá năm 2012 ở Sotheby, New York. Bức tranh được bán ra với giá 120 triệu USD, lập kỷ lục tác phẩm nghệ thuật đắt nhất từng bán ra khi đó.

Phiên bản “The Scream” năm 1895.

“Tiếng thét” của chính tác giả

Sinh năm 1863, Munch là con thứ hai trong gia đình bác sĩ quân y nghèo khó với 5 người con. Năm Munch 5 tuổi, mẹ qua đời vì bệnh lao và khi lên 13 tuổi, người chị gái Sophie cũng qua đời vì căn bệnh này. Anh chị em còn lại của ông, người mắc bệnh tâm thần, người thì qua đời. Bản thân ông Munch thì thường xuyên đau ốm bệnh tật. Hẳn vì thế, cả thời ấu thơ của Munch luôn gắn liền với ký ức bệnh tật, chết chóc và đau buồn. Đó cũng chính là lý do mà chuỗi tác phẩm mang tên “The Frieze of Life” chủ yếu thể hiện nỗi sợ hãi, sầu muộn và chết chóc.

Trong cuốn nhật ký của Munch đề ngày 22-1-1892, có đoạn mô tả nguồn cảm hứng sáng tác “The Scream” của ông như sau: “Tôi đang đi bộ trên đường cùng hai người bạn khi mặt trời đang lặn. Tôi bỗng thấy sầu muộn vô cùng rồi bầu trời đột ngột đỏ như máu. Tôi dừng lại, vịn tay vào lan can, mệt mỏi như sắp chết, bầu trời cháy rực như thanh gươm máu lơ lửng trên vịnh màu xanh-đen và thành phố. Các bạn tôi vẫn đi tiếp còn tôi thì đứng đó run rẩy sợ hãi. Tôi bỗng cảm nhận được tiếng thét liên tục vang lên trong không trung”.

Đa số ý kiến cho rằng, chân dung người đàn ông hét trong bức tranh chính là chân dung tác giả; hoặc theo một nghiên cứu nghệ thuật, khả năng đó là một xác ướp Peru mà Munch nhìn thấy tại Hội chợ Quốc tế Paris năm 1889.

Cả thế giới cùng “thét”

Năm 1895, “The Sream” được in thạch bản và lưu hành rộng rãi khắp nơi. Rất nhiều nghệ sĩ chịu ảnh hưởng từ bức tranh kinh hoàng này. Cụ thể là bức “Study after Velazquez’s Portrait of Pope Innocent X” (Giáo Hoàng Innocent X) do Francis Bacon vẽ. Năm 1984, họa sĩ Andy Warhol cho in đúc hàng loạt bức tranh “The Scream” với màu sắc bắt mắt và tươi sáng hơn. Năm 1998, nghệ sĩ Tracey Emin quay một bộ phim trong đó có cảnh phim cô hét lớn tại vịnh Na Uy. Nghệ sĩ trình diễn người Serbia Marina Abramovic thậm chí thuyết phục người dân Oslo hãy hét lên để tưởng nhớ Munch. Trong bức tranh “Echo Lake” của họa sĩ Peter Doig cũng có hình ảnh người đàn ông ôm đầu như trong “The Scream”.

Điều đáng ngạc nhiên là một người dù chưa hề nghe tới tên Munch vẫn có thể nhận ra bức tranh nổi tiếng này, thông qua bộ phim nổi tiếng “The Simpsons” của Wes Craven với hình ảnh chiếc mặt nạ ma của những tên cướp. “The Scream” từng là mục tiêu của những kẻ trộm tranh chuyên nghiệp tại phòng trưng bày Quốc gia ở Oslo. Nhà sử học nghệ thuật Jill Lloyd cho biết bức tranh “The Scream” nổi tiếng vì nó đánh dấu sự thay đổi quan trọng về văn hóa phương Tây trong thế kỷ XX: “Bức tranh vẽ nên người đàn ông bị tách ra khỏi tất cả mọi thứ ở thế kỷ XIX: không còn Chúa, không truyền thống, không thói quen hay phong tục chỉ còn một người đàn ông khốn khổ trong khoảnh khắc khủng hoảng khi đối mặt với thế giới mà anh ta không hiểu gì và chỉ còn biết sợ hãi”.

Tuệ Khanh
(Theo BBC)