Giải pháp cho nghề khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản Núi Thành

Thứ ba, 05/01/2021 15:33

Huyện Núi Thành là địa phương có thế mạnh về nghề khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản của tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, qua thực tế nghề này còn gặp nhiều khó khăn đang cần thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ.

Tàu cá ngư dân Núi Thành cập bến.

Thành quả ấn tượng

Với 2 cửa biển An Hòa và Cửa Lở cùng bờ biển dài, đặc biệt là luồng chạy tàu từ cửa biển An Hòa có độ sâu đảm bảo cho tàu đánh cá cỡ lớn ra vào thuận lợi và tránh trú bão, huyện Núi Thành có tiềm năng lớn về nghề khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản. Theo thống kê, đến thời điểm này, toàn huyện có 1.930 chiếc tàu cá gắn máy với tổng công suất 210.154CV. Trong đó có 423 chiếc có công suất máy từ 90CV đến 1.070CV; có 319 chiếc trong số này đăng ký hoạt động thường xuyên trên các vùng biển xa bờ, chiếm 76,99% số tàu có công suất từ 90CV trở lên và chiếm 16,47% tổng số tàu cá gắn máy trên địa bàn huyện. Đội tàu cá đánh bắt xa bờ ở Núi Thành giải quyết việc làm cho 4.292 lao động, chiếm 93,75% tổng số lao động tham gia đánh bắt trên các tàu cá có công suất máy từ 90CV trở lên và 44,49% tổng số lao động hành nghề khai thác hải sản trên địa bàn huyện. Hiện tại, huyện có đội tàu vỏ thép 22 chiếc với tổng công suất máy 18.143CV với 264 lao động, chủ yếu hành nghề mành chụp và lưới vây. Hàng năm, đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ huyện Núi Thành khai thác được khoảng 32.000/45.000 tấn hải sản, chiếm tỷ lệ 71% tổng sản lượng đánh bắt hải sản của toàn huyện.

Về nuôi trồng thủy sản, huyện Núi Thành có tổng diện tích mặt nước 1.580ha, trong đó nuôi tôm nước lợ 1.500ha. Các hộ dân thực hiện hình thức nuôi lót bạt trên 300ha, sản lượng tôm đạt 6.000 tấn/năm, chiếm 77,12% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản hàng năm của huyện. Diện tích còn lại nuôi ở vùng triều với tổng sản lượng tôm nuôi khoảng 7.780 tấn/ năm. Ông Lê Văn Hiệp – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết: Nhìn chung, thời gian qua, được sự quan tâm của nhà nước với việc ban hành nhiều chính sách ưu đãi ngư dân như Quyết định 118/2017 “hỗ trợ ngư dân khắc phục rủi ro do thiên tai trên biển”, Quyết định 48/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định 67/2014/NĐ-CP về hỗ trợ đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu cá và các chính sách khác nên đã khuyến khích nghề khai thác hải sản của huyện phát triển mạnh mẽ…

Cần triển khai nhiều giải pháp

Tuy nhiên, nghề khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản huyện Núi Thành cũng gặp nhiều khó khăn. Trước hết là còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro như thiên tai hoặc tàu lạ bắt giữ, xua đuổi, tấn công… gây ra những thiệt hại to lớn về tài sản và tính mạng của ngư dân. Cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân còn hạn chế gây khả năng ảnh hưởng đến an toàn tàu cá và tính mạng, một số ngư dân vì lợi ích trước mắt đã cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài. Một số khác lại chủ quan trong phòng cháy chữa cháy (trong thời gian qua ở Núi Thành có 11 tàu cá bị cháy, ước thiệt hại 30 tỷ đồng). Mặt khác, khi hoạt động trên biển, một số chủ tàu cá không phối hợp liên lạc với đất liền, tắt máy giám sát hành trình và né tránh việc điều tàu đến hỗ trợ tàu cá bị sự cố. Một số chủ tàu cá đóng mới theo Nghị định 67/ NĐ-CP còn chây ì trong việc trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng. Trong nuôi trồng thủy sản, việc kêu gọi nhà đầu tư các khu nuôi trồng thủy sản tập trung theo các mô hình nuôi mới để người nuôi tôm học hỏi gặp nhiều khó khăn, đa số diện tích nuôi trồng đều nằm trong quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Ngô Đức An, địa phương đề ra nhiều giải pháp cho ngành khai thác, nuôi trồng thủy sản trong thời gian đến và có những kiến nghị cụ thể với cấp trên. Đối với ngành khai thác hải sản, huyện tăng cường giám sát, quản lý hoạt động của tàu cá, nhất là tàu cá xa bờ; kiên quyết xử lý những ngư dân cố tình vi phạm pháp luật; tổ chức kiểm điểm trước dân các trường hợp ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài và không cho tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với những chủ tàu cố tình vi phạm. Cạnh đó, huyện cũng tổ chức các diễn đàn, hội thảo hỗ trợ ngư dân nâng cao hiểu biết về luật pháp. Đối với nghề nuôi trồng thủy sản, huyện tổ chức tập huấn, hội thảo nâng cao trình độ quản lý, kỹ thuật nuôi trồng; tăng cường quản lý giống, thức ăn và các chế phẩm trong nuôi trồng thủy sản.

“Huyện Núi Thành kiến nghị nhà nước tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân, thực hiện chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá cho những chiếc có công suất máy từ 90CV đã xuống cấp, giải bản hoặc làm các nghề ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản như giã cào, pha xúc; có chính sách đầu tư hỗ trợ hình thành đội tàu dịch vụ hậu cần cho đội tàu đánh bắt xa bờ; nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng chấp pháp trên biển để bảo vệ ngư dân. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cảng cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá Tam Quang; đầu tư nạo vét luồng chạy tàu và vùng nước ở các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, nhất là khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá An Hòa để các tàu cá công suất lớn từ 400CV trở lên đến trên 1000CV và các tàu vỏ thép ra vào neo đậu thuận lợi” - Phó Chủ tịch UBND H. Núi Thành Ngô Đức An cho hay.

VĂN PHIN