Giải pháp cứu bờ biển Cửa Đại: chưa thể triển khai ngay
(Cadn.com.vn) - Như tin đã đưa, Hội thảo quốc gia "Nghiên cứu về quá trình xói lở bờ biển Hội An và đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ biển một cách bền vững" đã diễn ra trong 2 ngày 25, 26-5 tại TP Hội An (Quảng Nam). Những kiến nghị và đề xuất cũng được các chuyên gia đưa ra. Đây được xem là cơ sở đáng tin cậy nhất để tỉnh Quảng Nam xây dựng phương án bảo vệ bờ biển lâu dài. Thế nhưng, sau hội thảo vẫn còn khá nhiều điều băn khoăn, lo lắng khi chưa thể ứng dụng ngay kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
Nhận diện "thủ phạm"
Thống kê cho thấy trong 10 năm trở lại đây, vùng bờ biển Hội An bị xâm thực ngày càng nặng gây sạt lở nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm biển xâm thực sâu vào đất liền 10 - 15m với chiều dài khoảng 7km. Đặc biệt, hiện tượng sạt lở đang diễn biến phức tạp và kéo dài về phía bắc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy hoạch và phát triển đô thị Hội An. Có nhiều nguyên nhân gây sạt lở bờ biển nhưng 2 nguyên nhân chính được đề cập đó là việc khai thác cát trên sông Thu Bồn, quanh sông Cửa Đại và việc xây dựng quá nhiều thủy điện đầu nguồn. Các chuyên gia đã khảo sát 4 thủy điện lớn đầu lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn: Thủy điện Sông Tranh 2, Đắc Mi 4, Sông Bung 4 và A Vương. Từ đó các chuyên gia đã đưa đến kết luận cán cân bùn cát đã có sự biến động mạnh do quá trình công nghiệp hóa. Qua nghiên cứu thực nghiệm hiện trường về quá trình xói lở bờ biển Hội An cho thấy quá một nửa lượng bùn cát bị giữ lại ở lòng hồ thủy điện Đắc Mi 4 và Sông Tranh 2.
Bên cạnh đó, hiện tượng khai thác cát gia tăng mạnh ở sông Thu Bồn, việc xây dựng các công trình ngay sát bờ biển, ảnh hưởng của việc xây dựng cầu Cửa Đại làm chệch dòng chảy và đẩy lượng bùn cát về phía nam, giảm về phía bắc bãi biển cũng là gây nên hiện tượng xói lở thời gian qua. Một trong những nguyên nhân gây bất lợi lớn cho hiện tượng xói lở bờ biển Hội An là do có sự thay đổi về sóng, số lần xuất hiện sóng cao trong những năm gần đây gia tăng. Ngoài ra, việc xây dựng các công trình bảo vệ một cách cục bộ của các chủ resort cũng làm gia tăng hiện tượng xói lở ra phía bắc bãi biển. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng: "Vấn đề xói lở có 2 nguyên nhân chính cần lưu tâm. Thứ nhất, do tác động của biến đổi khí hậu như thay đổi dòng chảy, hướng gió... Thứ hai, tác động của quá trình phát triển kinh tế thiếu bền vững. Đặc biệt, liên quan đến vấn đề giữ cát tại các hồ chứa phía thượng nguồn, kể cả vấn đề phát triển vùng ven biển cũng dẫn đến quá trình trao đổi cát vào bờ cũng thiếu hụt". Để chuẩn bị cho việc xây dựng các phương án, các chuyên gia đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cấm tất cả các hình thức khai thác cát dọc theo sông Thu Bồn, quanh biển Cửa Đại và khu vực ven biển Hội An. Ngoài ra, cấm xây dựng các kè bảo vệ các khách sạn một cách cục bộ vì các công trình này sẽ gây mất ổn định bờ biển Hội An.
Xói lở bờ biển đang lan rộng về phía bắc, tiến ra khu vực ven biển thị xã Điện Bàn. |
Chưa thể triển khai
Tại buổi họp báo sau khi kết thúc Hội thảo, các cơ quan chức năng cho biết trước kết quả nghiên cứu, tỉnh Quảng Nam cần đề ra một giải pháp đồng bộ, toàn diện, chặt chẽ đối với bờ biển Cửa Đại. Theo GS.Nguyễn Kim Đan - Phòng thí nghiệm thủy lực Saint-Venant, Pháp (một trong những người đứng đầu trong công trình nghiên cứu) cho biết có nhiều giải pháp nhưng giải pháp hữu hiệu hiện nay là nuôi bãi bởi Hội An muốn bảo vệ cảnh quan du lịch, muốn giữ lại bãi tắm thì chỉ có giải pháp này. Khi nuôi bãi phải cần thời gian, nhất là nguồn cát. Dự kiến, chiều dài nuôi bãi sẽ dài khoảng 6.500m cùng lượng cát khoảng 1 triệu mét khối sẽ được bơm đổ dọc theo bờ biển.
Tiếp nhận những đánh giá, kiến nghị của các chuyên gia, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho rằng tỉnh ghi nhận những đóng góp của các chuyên gia trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đối với việc triển khai nuôi bãi cần có thời gian, kinh phí cũng như phải chờ đợi điều kiện thời tiết thuận lợi mới có thể tiến hành...Trước những kiến nghị của các chuyên gia về việc phải có các qui định nghiêm ngặt trong việc quản lý khai thác khoáng sản cũng như việc phát triển các công trình tại lưu vực và đầu nguồn các con sông đã dẫn đến việc chưa thể áp dụng ngay phương án nuôi bãi, tỉnh Quảng Nam cho biết sẽ xây dựng các phương án quản lý chặt chẽ vấn đề trên.
Phát biểu góp ý về các giải pháp chống sạt lở biển Hội An, ông Hoàng Văn Thắng-Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị nhóm chuyên gia phải tính đến ứng phó với các đợt mưa to, sóng lớn; trước mắt cần có giải pháp ứng phó khẩn cấp, giảm thiểu bức xúc của người dân trong đợt mưa bão cuối năm nay khi chưa thể áp dụng các biện pháp tổng thể. Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho rằng: "Bây giờ phải làm sao để có giải pháp cấp thiết trong mùa mưa bão năm 2017 này để không làm xói lở lan rộng nữa. Trong khi chờ giải pháp tổng thể, các nhà khoa học phải đề xuất tư vấn cho chính quyền tỉnh và thành phố nên làm cái gì trước khi triển khai những giải pháp tổng thể. Hiện nay khu vực xói lở đang lan dần theo hướng bắc ra thị xã Điện Bàn. Nếu không nhanh chóng hành động e rằng không kịp nữa" - ông Hùng kiến nghị.
Đồng Dao