Giải pháp nâng cao chất lượng dạy học lịch sử địa phương
Dạy học lịch sử địa phương giúp học sinh hiểu biết về lịch sử hình thành và phát triển, những truyền thống tốt đẹp, ý thức về trách nhiệm và bổn phận của mình để góp sức xây dựng quê hương. Tuy nhiên trên thực tế, việc dạy học chương trình lịch sử địa phương ở trường trung học phổ thông (THPT) vẫn chưa được coi trọng, chưa đầy đủ.
Cần đa dạng hóa hình thức, nội dung dạy học lịch sử địa phương trong trường phổ thông. Ảnh: K.MINH |
Nâng cao nhận thức về dạy học lịch sử địa phương
Theo PGS. TS Trần Vĩnh Tường (Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế), lịch sử địa phương là một bộ phận của lịch sử dân tộc, có quan hệ mật thiết với lịch sử dân tộc. Bất cứ một sự kiện lịch sử dân tộc cũng đều mang tính địa phương vì nó diễn ra ở một địa phương cụ thể với không gian và thời gian xác định. Tùy quy mô, tính chất của sự kiện mà có thể ảnh hưởng đến từng địa phương, quốc gia và thậm chí cả thế giới. Cho nên, tri thức lịch sử địa phương là một bộ phận hợp thành, là biểu hiện cụ thể và phong phú của lịch sử dân tộc. Nó chứng minh sự phát triển hợp quy luật của mỗi địa phương trong sự phát triển chung của cả dân tộc. Vì vậy, giữa lịch sử dân tộc và lịch sử địa phương có mối quan hệ biện chứng không thể tách rời. Dạy học lịch sử địa phương có khả năng rất to lớn trong việc cung cấp cho học sinh những tri thức lịch sử về địa phương, trên cơ sở đó giáo dục cho học sinh tình yêu quê hương tha thiết, niềm tự hào chính đáng về nơi “chôn nhau cắt rốn”.
“Trong quá trình dạy học của mình, nếu giáo viên tiến hành dạy học lịch sử địa phương theo chương trình quy định hoặc liên hệ với lịch sử địa phương khi giảng dạy lịch sử dân tộc và tổ chức công tác ngoại khóa lịch sử thì sẽ làm cho học sinh say mê, hứng thú học tập bộ môn và nâng cao hiệu quả của quá trình dạy học. Điều này cũng phù hợp với đặc điểm lứa tuổi học sinh phổ thông. Các em đang độ tuổi thiếu niên hoặc bước sang ngưỡng cửa của thanh niên, còn nặng tình cảm, quen nhận biết từ gần đến xa, từ hẹp đến rộng, từ cụ thể đến trừu tượng. Cho nên, trước hết cần giáo dục cho các em lòng yêu quê hương, làng xóm trên cơ sở đó giáo dục lòng yêu Tổ quốc và hướng suy nghĩ của các em về đất nước, về chủ nghĩa xã hội ngay trên mảnh đất quê hương mà các em sinh ra, lớn lên như nhà văn Ê-ren-bua từng nói: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu quê hương tạo nên lòng yêu Tổ quốc”. Dạy học lịch sử địa phương còn góp phần hình thành ở học sinh phương pháp nghiên cứu khoa học, biết vận dụng kiến thức vào cuộc sống”, PGS. TS Trần Vĩnh Tường nhấn mạnh.
Nhìn nhận về thực trạng dạy học chương trình lịch sử địa phương hiện nay, PGS. TS Nguyễn Tất Thắng (Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế) bày tỏ: “Phần lớn giáo viên làm công tác giảng dạy bộ môn Lịch sử chưa chú ý tới vấn đề này. Thậm chí ở một số trường, giáo viên không giảng dạy lịch sử địa phương, mặc dù biết trong phân phối chương trình bắt buộc phải tiến hành biên soạn và giảng dạy. Nguyên nhân của thực trạng này là do nội dung kiến thức lịch sử địa phương kéo dài từ cội nguồn cho đến nay, trong khi đó chương trình học lịch sử địa phương từ lớp 10 đến lớp 12 chỉ có 4 tiết, dẫn đến tình trạng kiến thức còn nặng và sự lệch nhau giữa nội dung lịch sử dân tộc và lịch sử địa phương. Mặt khác, đa số giáo viên thừa nhận còn hạn chế trong việc sưu tầm và biên soạn bài lịch sử địa phương. Điều này làm cho giáo viên ngại giảng dạy, nếu có thực hiện thì chỉ mang tính hình thức, thậm chí thay thế tiết học lịch sử địa phương bằng tiết ôn tập, kiểm tra”.
Để chương trình lịch sử địa phương hấp dẫn học sinh
PGS. TS Nguyễn Tất Thắng nhận xét: Thời gian qua, việc tổ chức các hình thức dạy học lịch sử địa phương chưa phong phú. Nếu có thì các tiết dạy chủ yếu được tổ chức trên lớp, việc dạy học tại di tích lịch sử, bảo tàng hoặc tổ chức ngoại khóa lịch sử địa phương, ứng dụng công nghệ thông tin ít được quan tâm. Hình thức tổ chức cho học sinh tham quan, học tập ở các di tích lịch sử chỉ diễn ra đối với các trường nằm ở trung tâm hoặc là gần các di tích, còn những trường ở xa, vùng khó khăn hầu như không được tiến hành... Trong giờ học lịch sử địa phương, giáo viên chủ yếu sử dụng tài liệu thành văn, các loại tài liệu khác như tài liệu đồ dùng trực quan, tài liệu truyền miệng dân gian, tài liệu điền dã ít được khai thác, sử dụng, nên bài học thường khô khan, nhàm chán. Thực trạng học sinh không ham thích học lịch sử địa phương đang còn diễn ra ở một số trường học, dẫn đến tình trạng một số tiết học chưa đảm bảo được nội dung và yêu cầu của chương trình.
Muốn khắc phục được tình trạng này, theo PGS. TS Trần Vĩnh Tường, các trường cần phải đổi mới việc giảng dạy lịch sử địa phương từ khâu nhận thức, nội dung, phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá. Nâng cao nhận thức của giáo viên về vai trò, ý nghĩa của việc giảng dạy lịch sử địa phương. Bởi vì, giáo viên là người trực tiếp quyết định đến chất lượng dạy học lịch sử nói chung, dạy học lịch sử địa phương nói riêng. Có nhận thức được tầm quan trọng này, giáo viên mới chủ động nghiên cứu, tìm tòi các phương pháp nâng cao chất lượng dạy học lịch sử địa phương. Ngoài việc nâng cao nhận thức về ý nghĩa của việc dạy học lịch sử địa phương, các trường cần đổi mới về nội dung, phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá. Khi biên soạn lịch sử địa phương, giáo viên có thể xây dựng thành các chủ đề lớn và tùy theo điều kiện, thực tiễn ở địa phương, giáo viên có thể lựa chọn một số chủ đề để dạy học, còn các chủ đề khác sẽ hướng dẫn học sinh tự nghiên cứu, tìm hiểu. Bên cạnh việc cải tiến, làm mới phương pháp dạy học truyền thống, giáo viên cần vận dụng linh hoạt các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực, đặc biệt là phương pháp dạy học dự án. Giáo viên nên khuyến khích sự sáng tạo trong sản phẩm của học sinh như làm phim, làm poster, làm sách ảnh giới thiệu lịch sử địa phương.
“Cần đa dạng hóa các hình thức dạy học nội khóa theo hướng tăng cường tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh trong dạy học lịch sử địa phương. Rõ ràng, muốn học sinh hứng thú với lịch sử đòi hỏi giáo viên phải đổi mới, thay thế các phương pháp thiên về truyền thụ kiến thức nặng nề, bằng cách tổ chức những hoạt động trải nghiệm khám phá mới mẻ, “phá vỡ” không gian lớp học, gắn học tập với thực tiễn, gắn giáo dục trong nhà trường với giáo dục ngoài xã hội. Từ đó, học sinh không những say mê, lĩnh hội, tìm tòi, khám phá những tri thức lịch sử, mà còn hình thành ở các em thái độ và động cơ học tập đúng đắn, nâng cao chất lượng dạy học bộ môn. Theo đó, Sở GD-ĐT, tổ bộ môn cần có quy định trong các đề kiểm tra, đánh giá phải có nội dung liên quan đến lịch sử địa phương, hoặc liên hệ giữa kiến thức lịch sử dân tộc với lịch sử địa phương. Đây cũng là một biện pháp tạo động cơ thúc đẩy học sinh quan tâm đến việc học tập, tìm hiểu lịch sử địa phương có hiệu quả hơn”, PGS. TS Trần Vĩnh Tường chia sẻ.
KHẢI MINH