Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục vùng biên giới

Thứ năm, 31/05/2018 12:29

Đến với huyện biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, lắng nghe những lời chia sẻ của lãnh đạo chính quyền, ngành GD-ĐT cùng các cơ sở trường học, chúng tôi thấu hiểu được nỗ lực, quyết tâm của họ trong việc chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi vùng biên giới xa xôi này.

Ngành GD-ĐT H. Đức Cơ đang nỗ lực thực hiện các giải pháp căn cơ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhìn thấu khó khăn, vướng mắc

Huyện biên giới Đức Cơ là địa bàn có nhiều dân tộc sinh sống, thành phần dân cư đa dạng, địa bàn phức tạp, giao thông đi lại ở vùng sâu, vùng xa hết sức khó khăn. Đời sống kinh tế xã hội của đại bộ phận dân cư còn nghèo, mặt bằng dân trí thấp. Chính những điều kiện kinh tế - xã hội hết sức đặc thù đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy-học nơi đây. Tuy nhiên, cũng chính vì những khó khăn, thách thức đó, mà ý chí, quyết tâm của chính quyền, ngành GD-ĐT địa phương càng mạnh mẽ hơn trong việc huy động các nguồn lực tập trung phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục.

Ông Phạm Văn Cường - Chủ tịch HĐND H. Đức Cơ, cho biết: Trong những năm gần đây, sự nghiệp giáo dục huyện biên giới Đức Cơ luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương. Ngành GD-ĐT tích cực phối hợp với Mặt trận, các hội, ban, ngành, đoàn thể chăm lo phát triển. Chính vì vậy, chất lượng giáo dục đã từng bước phát triển ổn định. Hệ thống trường lớp được đầu tư xây dựng ngày một khang trang, quy mô trường lớp được mở rộng. Đến nay, toàn huyện có 51 đơn vị trường học, trong đó có 15 trường mầm non, 19 trường tiểu học, 14 trường THCS và 3 trường THPT, với 22.376 học sinh (9.016 học sinh dân tộc thiểu số, chiếm 40,3%). Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học từng bước được đầu tư để đáp ứng căn bản nhu cầu dạy học của các trường học. Có 14 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

"Đội ngũ cán bộ giáo viên phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Hiện toàn ngành có 1.097 cán bộ, giáo viên, nhân viên. 100% cán bộ, giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn. Chất lượng dạy học các trường được giữ vững, ổn định, tỷ lệ học sinh lên lớp, tốt nghiệp các cấp khá cao. Số lượng học sinh đạt giải trong các kỳ thi cấp huyện, cấp tỉnh, quốc gia hằng năm tăng. Phong trào xây dựng trường xanh-sạch-đẹp và an toàn được triển khai sâu rộng và đạt kết quả tích cực. Công tác duy trì sĩ số học sinh, vận động học sinh đến trường tiếp tục được chú trọng triển khai thực hiện. Khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn tiếp tục được thu hẹp lại", ông Cường cho hay.

Trước những mục tiêu, nhiệm vụ mới của công cuộc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhất là tiến tới thực hiện, áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, sự nghiệp giáo dục huyện biên giới Đức Cơ còn gặp rất nhiều khó khăn. "Nhiều trường học còn thiếu giáo viên, nhân viên, nhất là bậc học mầm non. Ở một số trường học, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin, thí nghiệm, thực hành. Công tác duy trì sĩ số học sinh, vận động học sinh gặp nhiều khó khăn. Công tác phối hợp với chính quyền, tổ chức đoàn thể địa phương còn hạn chế. Tỷ lệ học sinh yếu, kém và chưa hoàn thành chương trình học tập ở lớp 1, 2 vùng dân tộc thiểu số vẫn còn cao. Những khó khăn, hạn chế của các đơn vị trường học, ngành GD-ĐT đang là vấn đề hết sức trăn trở của chính quyền địa phương", ông Cường bày tỏ.

Học sinh vùng biên giới huyện biên giới Đức Cơ ngày càng có điều kiện học tập tốt.

Những giải pháp căn cơ

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, những khó khăn, vướng mắc của các trường học, ngành GD-ĐT huyện biên giới Đức Cơ cũng là khó khăn, vướng mắc chung của nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh gặp phải thời gian qua. Muốn tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, hạn chế đó cần thiết phải có những giải pháp hết sức căn cơ. Trên cơ sở nắm bắt tình hình, ngành GD-ĐT cần tập trung bàn thảo đưa ra các giải pháp hiệu quả. Đồng thời, cần xây dựng, hình thành các mô hình cụm chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến hay trong tổ chức hoạt động dạy học, công tác sinh hoạt chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy, duy trì sĩ số học sinh, vận động học sinh ra lớp, công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, thay đổi thái độ học tập của học sinh…

 Ông Huỳnh Minh Thuận - nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai cho rằng, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của mình, H. Đức Cơ cần đề ra được những giải pháp mang tính căn cơ; tiếp tục quan tâm đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, đặc biệt là đội ngũ giáo viên cốt cán; đẩy mạnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị cho các đơn vị trường học, nhất là các trường học vùng sâu, vùng xa; tăng cường thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục nhằm tranh thủ các nguồn đầu tư cho các đơn vị trường học.

"Đội ngũ cán bộ quản lý trường học cần phát huy năng lực, phẩm chất, khát vọng, tinh thần vươn lên. Hiệu trưởng các đơn vị trường học đóng vai trò đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ này. Nâng cao công tác bảo quản, sử dụng hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị trường học. Xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong ngành GD-ĐT, tạo sự lan tỏa phong trào thi đua trong toàn ngành. Quan tâm đến công tác bồi dưỡng giáo dục mũi nhọn. Các trường học linh hoạt thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Tăng cường phối hợp thực hiện duy trì sĩ số học sinh. Tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề nhằm huy động trí tuệ, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên để phát triển, nâng cao chất lượng dạy học", ông Thuận nhấn mạnh.

Ông Thuận cho biết thêm: Trước những yêu cầu, mục tiêu đề ra của chương trình giáo dục phổ thông mới, địa phương cần chủ động thực hiện rà soát, sắp xếp, quy hoạch hệ thống trường lớp nhằm thực hiện đầu tư cơ sở vật chất hiệu quả. Đẩy mạnh thực hiện bồi dưỡng năng lực, chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, quan tâm đến đời sống đội ngũ giáo viên, nhân viên trường học. Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá hoạt động dạy học. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc. Quan tâm phát triển đời sống nhân dân địa phương, đặc biệt là những hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; nâng cao công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức về việc học tập của người dân địa phương.

KHẢI MINH