Giải pháp nào để "đón đầu" nhu cầu nguồn nhân lực?

Thứ bảy, 04/01/2020 16:00

Trong những năm qua, mặc dù lực lượng lao động tại Đà Nẵng có tăng về số lượng, được đào tạo cơ bản và chuyển đổi cơ cấu hợp lý hơn..., thế nhưng thực tế cho thấy nguồn nhân lực của thành phố hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế, nhất là khi thành phố bắt tay vào thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Song hành với nhiều giải pháp thì tổ chức ngày hội việc làm cũng là một kênh quan trọng để người lao động và doanh nghiệp có cơ hội tìm tiếng nói chung.   Ảnh: C.Khanh

Chưa đáp ứng được nhu cầu

Theo Sở LĐ-TB-XH thành phố, qua khảo sát cho thấy, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp (gần 58%), nhất là các ngành phát triển tốc độ nhanh như CNTT thiếu hụt lớn, ngành du lịch phải sử dụng lao động chưa qua đào tạo nhiều, chất lượng chưa đảm bảo (31% chưa qua đào tạo); các ngành thiếu lao động do ít người học như cơ khí, hàn, gò; các ngành công nghệ mới chưa có lao động được đào tạo đón đầu như ngành logistics, ngành công nghệ cao... Mặt khác, cơ cấu trình độ lao động không phù hợp với nhu cầu xã hội, tỷ lệ trình độ đại học (nhất là không phải các ngành kỹ thuật) khá cao, trong khi lao động có kỹ năng nghề trình độ cao đẳng, trung cấp còn thấp.

Cũng theo Sở LĐ-TB-XH, mặc dù Đà Nẵng là trung tâm giáo dục, đào tạo của miền Trung - Tây Nguyên, khi có đến 16 cơ sở đào tạo đại học (12 trường, 2 phân viện và 2 chi nhánh), quy mô tuyển sinh hơn 22.000 sinh viên/năm; hệ thống đào tạo nghề nghiệp có 64 cơ sở, quy mô tuyển sinh lên đến 52.000 học viên... Đặc biệt từ năm 2017, thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp khi sáp nhập hệ cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp vào hệ dạy nghề nên đào tạo lao động thực chất có kỹ năng nghề cao với nhiều định hướng đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội..., thế nhưng Đà Nẵng vẫn thiếu lao động lớn. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tựu trung lại, là do nhận thức của người lao động về học nghề chưa cao, chủ yếu sau học phổ thông là vào đại học (bất kỳ đại học nào và khi ra trường xã hội có nhu cầu hay không), trong khi hệ đại học tuyển sinh mở rộng quy mô tuyển sinh hơn 65% số lượng học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học.

Mặt khác, lao động tại Đà Nẵng tham gia học nghề dài hạn (cao đẳng và trung cấp) chỉ chiếm 11-12% tổng số tuyển sinh của các trường trên địa bàn thành phố; tâm lý chọn nghề cũng ít chọn nghề học vất vả dù xã hội có nhu cầu cao, đặc biệt những nghề nặng nhọc, độc hại (như nghề hàn) thì không có học sinh theo học. Ngoài ra, hiện thành phố vẫn chưa có chính sách thu hút lao động mạnh, mức thu nhập còn thấp hơn các địa phương khác như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương...

Giải pháp nào?

Trong những năm đến, nhất là thời điểm Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, theo đó định hướng phát triển của thành phố giai đoạn 2021-2030 với tốc độ tăng GRDP bình quân trên 12%/năm; dịch vụ tăng 12,5-13,5%/năm; công nghiệp 11,5-12,5%/năm... thì nhu cầu lao động cần phải tăng nhanh hơn về số lượng và chất lượng, nhất là 5 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn mà Nghị quyết đã đề ra. Vì vậy, dự báo nguồn nhân lực đáp ứng cho các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố như du lịch, CNTT, vận tải - logistics... sẽ rất lớn. Và để đảm bảo nguồn lao động đáp ứng cho nhu cầu phát triển, theo Sở LĐ-TB-XH thì cần phải có những giải pháp căn cơ, đồng bộ giữa đẩy mạnh đầu tư, chính sách thu hút, tăng cường công tác quản lý và tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động...

Riêng với cơ quan quản lý nhà nước về lao động và đào tạo nghề, Sở LĐ-TB-XH cho biết sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp (GDNN), triển khai quy hoạch mạng lưới GDNN theo Quyết định 2971 của UBND thành phố về phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030; tiếp tục tổ chức có hiệu quả các hoạt động ngày hội việc làm, ngày hội tuyển sinh và sàn giao dịch việc làm. Song song với đó, Sở sẽ chỉ đạo các cơ sở GDNN nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, giáo trình; đẩy mạnh liên kết sâu rộng giữa nhà trường và doanh nghiệp; xây dựng cơ chế và phát động trong hệ thống các hiệp hội của doanh nghiệp và hệ thống cơ sở đào tạo thực hiện chính sách "3 cùng" (cùng tuyển sinh, cùng đào tạo và cùng giải quyết việc làm); tổ chức các hoạt động đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo đối với các cơ sở GDNN trên địa bàn; hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo tại các trường gắn chặt với doanh nghiệp; đẩy mạnh việc hình thành các cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp để chia sẻ các nguồn lực chung... Ngoài ra, Sở sẽ tham mưu thành phố xây dựng các chính sách phù hợp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố; đặc biệt các nhà nghiên cứu có trình độ cao, các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước...

Để hiện thực hóa các giải pháp đưa ra, Sở LĐ-TB-XH kiến nghị Thành ủy, HĐND, UBND thành phố chỉ đạo các ngành, quận, huyện nghiêm túc triển khai thực hiện Chuyên đề "Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn của thành phố" và Đề án "Phát triển nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng".

D.H