Giải pháp nào phòng tránh tai nạn đuối nước trẻ em?
Hàng loạt vụ đuối nước thương tâm xảy ra gần đây trên cả nước đã thực sự gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng trẻ thiếu kỹ năng mềm về phòng chống đuối nước và bơi lội. Cùng với nhiều giải pháp song hành thì đưa môn bơi vào chương trình giáo dục thể chất trong trường học sẽ là "chiếc phao" hữu hiệu nhằm hạn chế tai nạn đuối nước ở trẻ em hiện nay.
Thầy Nguyễn Sĩ Thương dạy bơi cho các em học sinh. |
Kỳ nghỉ hè 2019 mới bắt đầu nhưng trên cả nước đã có nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra. Mới đây, vào sáng 30-5, một nhóm gồm 15 em học sinh Trường THCS Trung Thành (H.Yên Thành, Nghệ An) tổ chức dã ngoại tại khu vực đập Trại Xanh (xã Bắc Thành, Yên Thành) đã không may bị đuối nước khiến 5 em học sinh tử vong. Trước đó không lâu, ngày 25-5, nhóm 6 nữ sinh lớp 6 ở xã Quang Kim (H. Bát Xát, Lào Cai) rủ nhau đi tắm suối, thì có tới 4 em tử vong do đuối nước. Hai ngày trước đó (ngày 23-5), sau lễ tổng kết năm học, 8 học sinh tại xã Thanh Thạch (H. Tuyên Hóa, Quảng Bình) rủ nhau tắm sông và 3 em trong số đó chẳng may thiệt mạng do trượt chân, đuối nước...
Nói về nguyên nhân dẫn đến các vụ đuối nước thương tâm, nhiều chuyên gia giáo dục thể chất cho rằng, có thể không phải vì các em không biết bơi, thậm chí bơi giỏi nhưng do không được trang bị kỹ năng mềm trong phòng tránh đuối nước. Đơn cử như vụ đuối nước ngày 23-3 tại Hòa Bình khiến 8 em học sinh tiểu học và THCS Hữu Nghị (P.Thịnh Lang, TP.Hòa Bình) tử vong, đáng nói ở chỗ, tất cả 8 em học sinh đều biết bơi và thường xuyên hoạt động thể thao. Thế nhưng, khi gặp vùng nước nguy hiểm, các em lại thiếu kỹ năng mềm trong xử lý tình huống. Thầy Nguyễn Sĩ Thương, giáo viên thể dục Trường THCS Kim Đồng (H. Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết, một nguyên nhân khác dẫn đến việc ngày càng có nhiều vụ đuối nước thương tâm chủ yếu xảy ra tại các vùng nông thôn, ngoại thành là bởi những địa bàn này có nhiều sông ngòi, các em có nhiều điều kiện tiếp xúc với nước, tuy nhiên do không có người hướng dẫn, tập bơi, kỹ năng phòng tránh cơ bản nên rất dễ gặp tai nạn mỗi khi xuống nước... Ngoài ra theo thầy Thương, người biết bơi nhưng chưa chắc đã cứu được người bị đuối nước, thậm chí còn trở thành nạn nhân, bởi do không được trang bị kiến thức cứu đuối cơ bản. Lấy ví dụ, khi người bị đuối nước, họ thường tìm mọi cách để ngóc đầu lên, và khi có người đến cứu, họ thường ôm chặt. Nếu chỉ một người bị đuối nước thì người biết bơi có thể cứu được, nhưng khi nhiều người cùng một lúc bị đuối nước mà "nhảy vào" thì rất dễ xảy ra tình trạng đuối nước "tập thể". Vì thế, khi phát hiện có người bị đuối nước, phải nhanh chóng tìm người hỗ trợ, nếu cảm thấy cứu được thì phải chủ động tìm các biện pháp như kiếm những vật dài (cây, dây thừng) vứt ra cho người đuối nước để họ cầm nắm và kéo vào; khi nhảy xuống nước cứu người thì phải am hiểu cách cứu để đảm bảo an toàn cho mình và người được cứu. Đơn cử, khi bị người đuối nước ôm chặt thì phải nín thở thật sâu và lặn xuống dưới để người bị đuối nước thả ra, sau đó tìm cách vòng ra phía sau lưng rồi choàng tay vào cổ và kéo nạn nhân vào. Nếu có nhiều người bị đuối nước cùng lúc thì phải tìm cách tách họ ra, sau đó cứu từng người một chứ đừng bao giờ cứu chung cả nhóm.
Theo bà Lê Thị Bích Thuận - Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, với sự vào cuộc quyết liệt của toàn ngành, năm 2016, đã có gần 50 hồ bơi được mở để dạy bơi cho hơn 17 ngàn học sinh theo học; năm 2017, ngành GD-ĐT TP đã trực tiếp vận hành 57 bể bơi trong trường, với tổng số 27 ngàn học sinh được dạy bơi; năm 2018 con số này là gần 30 ngàn em. Cũng theo bà Thuận, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị, trường học khuyến khích phụ huynh có điều kiện cho con mình học bơi ở các bể bơi dịch vụ tại các khách sạn, các trung tâm thể thao, đẩy mạnh công tác xã hội hóa... để việc dạy học được mở rộng và tăng số lượng học sinh biết bơi. Đặc biệt, trong hè 2018, Sở GD-ĐT phối hợp với Tổ chức AOG, Trung tâm người điếc tại Đà Nẵng tổ chức dạy kỹ năng bơi, phòng tránh đuối nước cho các trẻ em khiếm thích. Việc làm này đã giúp các em phòng tránh những rủi ro khi bản thân sinh ra đã thiệt thòi hơn nhiều bạn cùng trang lứa.
Việc đào tạo một học sinh biết bơi và duy trì, nâng cao kỹ năng bơi cho học sinh có mối liên hệ mật thiết với nhau. Nếu không duy trì thường xuyên tập luyện thì kỹ năng bơi đã học được sẽ dần mất đi. Vì thế, ngành GD-ĐT TP thường xuyên động viên phụ huynh học sinh tiếp tục cho con em đi bơi tại các bể bơi dịch vụ để nâng cao kỹ năng; đồng thời xây dựng kế hoạch để đưa môn bơi thành một môn thể thao tự chọn trong nhà trường để góp phần tích cực trong việc duy trì, nâng cao kỹ năng bơi cho học sinh. "Kỹ năng bơi là một kỹ năng cơ bản của kỹ năng phòng, trách đuối nước. Rất nhiều người nhầm lẫn chỉ cần biết bơi là không đuối nước. Chính vì thế, song song với dạy kỹ năng bơi, ngành GD-ĐT TP cũng hết sức chú trọng kỹ năng phòng, tránh đuối nước, dạy cho các em biết cách xử lý các tình huống, biết tìm kiếm sự giúp đỡ khi bản thân và người khác gặp nguy hiểm… Hơn nữa, một người biết bơi không phải là một người biết cứu đuối nước. Rất nhiều trường hợp kỹ năng bơi rất tốt nhưng phải thiệt mạng khi cứu người. Chính vì thế, trong quá trình dạy học bơi, kỹ năng phòng, tránh đuối nước, ngành GD-ĐT TP cũng hết sức lưu ý dạy kỹ năng cứu đuối nước cho học sinh", bà Thuận cho biết thêm.
D.HÙNG