Giải pháp nào phục hồi kinh tế Đà Nẵng?

Thứ năm, 04/02/2021 16:07

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 6% trong năm 2021 từ con số âm 9,7% của năm trước đòi hỏi Đà Nẵng phải thực hiện các giải pháp mang tính đột phá. Thành phố (TP) sẽ làm gì trong bối cảnh vừa chống dịch vừa thực hiện chủ đề Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế?

Sau khi đồ án điều chỉnh qui hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt, không gian phát triển Đà Nẵng được định hình, nhiều dự án lớn sẽ triển khai, tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho TP.

Tập trung cho kinh tế số

Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, giải pháp trọng tâm trước tiên phải kiểm soát tốt dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới. Đây là tiền đề bắt buộc để các hoạt động, giải pháp phục hồi kinh tế được hiệu quả. Bởi lẽ, với một số ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng như du lịch, dịch vụ thì để phục hồi nhanh nhất đòi hỏi môi trường, điểm đến phải an toàn. TP sẽ tập trung khôi phục mạnh thị trường khách du lịch nội địa thông qua tuyên truyền về điểm đến Đà Nẵng an toàn, xóa bỏ tâm lý e dè của du khách. Song song với đó, TP sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư phát triển và đưa vào hoạt động các sản phẩm du lịch mới; thí điểm triển khai một số hoạt động dịch vụ du lịch ban đêm như phố du lịch An Thượng, phố đi bộ Bạch Đằng – cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Hưng Đạo và mở rộng đến đường Như Nguyệt, tuyến đường ven biển Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa, khu vực Helio Center, chợ đêm Sơn Trà... Các khu, điểm du lịch này được thí điểm kéo dài thời gian hoạt động phục vụ khách đến 2 giờ sáng hôm sau...  Tương tự, về thương mại, TP đẩy nhanh tiến độ xây chợ đầu mối Hòa Phước, trung tâm thương mại chợ Cồn, các phố chuyên doanh và chợ đêm tại Sơn Trà, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn. Đặc biệt, về công nghiệp, TP đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hình thành 4 cụm công nghiệp mới (Cẩm Lệ, Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Bắc), đồng thời tập trung nguồn lực hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và triển khai mở rộng Khu Công nghệ cao. Đẩy nhanh tiến độ thành lập Khu công nghiệp phụ trợ phục vụ Khu Công nghệ cao và đầu tư các khu, cụm công nghiệp vệ tinh, liên kết hỗ trợ sản xuất với Khu Công nghệ cao. 

Trong bối cảnh hiện tại, để phục hồi kinh tế, Đà Nẵng vẫn phải tập trung vào 3 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn là dịch vụ-thương mại-công nghiệp. Song, để phát triển kinh tế đột phá, tăng qui mô, Đà Nẵng cần đẩy nhanh hạ tầng, thu hút đầu tư mạnh vào lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT). Trong thời đại kinh tế số, và qua thực tế trong năm khủng hoảng kinh tế vì dịch bệnh vừa qua, lĩnh vực công nghiệp CNTT, truyền thông của TP vẫn tăng trưởng ấn tượng, tổng doanh thu hơn 30 ngàn tỷ đồng, là cứu cánh cho kinh tế TP. Do vậy, giải pháp để Đà Nẵng phục hồi, tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững cần tập trung mạnh cho CNTT, kinh tế số. Theo ông Lê Trung Chinh, TP sẽ thực hiện giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư và triển khai các khu CNTT, CVPM. Trong đó, ưu tiên thúc đẩy, hỗ trợ các tập đoàn lớn, uy tín  như FPT, Viettel, VNPT, CMC, LG… triển khai các dự án, khu CNTT trên địa bàn. Song song với đó, TP sẽ triển khai đồng bộ, có hiệu quả đề án Thành phố thông minh, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, chính quyền số, xã hội số, xem đây là khâu đột phá trong xây dựng chính quyền tiên phong, đổi mới.

Phát triển kinh tế đêm sẽ thúc đẩy phục hồi lĩnh vực du lịch, dịch vụ của Đà Nẵng. (Trong ảnh: Hoạt động tại chợ đêm Helio).

Khơi thông các dự án lớn

Hỗ trợ các nhà đầu tư gỡ vướng về thủ tục để khơi thông các dự án lớn, đồng thời tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn là một trong những giải pháp trọng tâm để phục hồi và tăng trưởng kinh tế TP nhanh nhất. Theo đó, TP tiếp tục tổ chức nhiều cuộc họp làm việc với nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án. Trong đó, chú trọng đến các dự án lớn, chậm triển khai liên quan đến công tác qui hoạch, kết luận thanh tra, đánh giá tác động môi trường, nghĩa vụ tài chính với ngân sách, xác định giá đất…Vì những vướng mắc này mà nhiều năm qua các dự án lớn chưa thể triển khai. Nổi bật, thời gian qua TP đã gỡ vướng cho các dự án như KDL biển của Cty DAP, KĐT Capital Square 2 của Cty Mega Assets, The Nam Khang Resort Residences của Cty The Nam Khang, Khu nghỉ dưỡng và biệt thự cao cấp ven biển của Cty Khách sạn và Biệt thự Nam Phát, KDL sinh thái Nam Ô của Cty Trung Thủy. Có thể nói, chính việc đồng hành, gỡ vướng cho các dự án lớn bị “treo” thời gian dài để có thể khơi thông, khởi động xây dựng không chỉ tạo tăng trưởng cho kinh tế mà còn tạo dựng thương hiệu, sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư TP. Từ đây, TP tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến, thu hút các dự án mới của các tập đoàn, nhà đầu tư lớn như VinGroup, SunGroup, TDH Ecoland, Tập đoàn công nghệ CMC…

Ông Phùng Phú Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, hiện có nhiều nhà đầu tư lớn đang thực hiện thủ tục đầu tư hoặc đề xuất dự án đầu tư quy mô tại Đà Nẵng. Chẳng hạn như dự án Tổ hợp không gian sáng tạo CMC tổng vốn 12 ngàn tỷ đồng, trên diện tích hơn 17 ha tại Hòa Xuân hiện đã hoàn thiện qui hoạch chi tiết, đang thực hiện thủ tục đấu giá đất để phấn đấu khởi công cuối tháng 3-2021. Đây là dự án lớn về công nghệ, TP mong muốn 1 dự án để phát triển kinh tế, động lực lan tỏa chứ không phải dự án để thu tiền đất. Bởi theo giá đất của TP với hơn 17 ha này sẽ rất cao, gần 2 ngàn tỷ đồng, rất khó khăn để thu hút nhà đầu tư. Do vậy, TP sẽ tính toán giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư thông qua những ưu đãi đúng qui định pháp luật, chẳng hạn như miễn tiền thuê đất trong thời gian nhất định. Cũng theo ông Phong, giá đất ở Đà Nẵng rất cao, trong khi nếu so sánh lợi thế đầu tư về thị trường, dân số, cơ hội thu hồi vốn thì khó bằng Hà Nội, TPHCM. Đây là một bất cập khiến nhà đầu tư rất cân nhắc. Do vậy, để có được các dự án động lực, lan tỏa, nhất là về CNTT, TP phải tạo cơ chế hỗ trợ hấp dẫn với nhà đầu tư. 

Bằng việc sẵn sàng đồng hành gỡ vướng, tạo cơ chế đầu tư hấp dẫn, hiện nhiều nhà đầu tư đang đề xuất phát triển các dự án qui mô tại Đà Nẵng. Chẳng hạn Tập đoàn Ecopark đang đề xuất đầu tư Khu đô thị rộng 800 ha với mật độ xây dựng cam kết dưới 40%. Hoặc Cty XNK Liên Thái Bình Dương đề xuất Khu Tổ hợp đô thị thông minh- phi thuế quan sườn đồi tổng diện tích 850 ha, tổng vốn 45 ngàn tỷ đồng tại đường Hoàng Văn Thái nối dài thuộc H. Hòa Vang. Dự án đã được bổ sung vào đồ án quy hoạch chung, hiện Sở Xây dựng đã chủ động giao đơn vị tư vấn lập các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để trình TP phê duyệt ngay khi qui hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt. Theo ông Phùng Phú Phong, hiện Sở Xây dựng đã tham mưu cho TP, ngay khi đồ án điều chỉnh qui hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt sẽ bắt tay triển khai ngay qui hoạch 12 phân khu. Hiện nhiều dự án lớn ở Đà Nẵng đang phải chờ đồ án điều chỉnh qui hoạch chung, qui hoạch phân khu để triển khai đầu tư.

* Đà Nẵng đang lựa chọn đơn vị tư vấn nước ngoài có năng lực để đề xuất xây dựng Đề án phát triển TP Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quốc tế khu vực trình T.Ư ban hành cơ chế đặc thù, phù hợp. Đồng thời, TP cũng đang triển khai xây dựng Đề án trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia. Đây là tiền đề để TP có sự phát triển đột phá trong thời gian tới.

HẢI QUỲNH