Giải pháp nào phục hồi kinh tế Đà Nẵng?
Đà Nẵng sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, thúc đẩy một số lĩnh vực kinh tế chủ lực nhằm phục hồi kinh tế trong bối cảnh hiện nay.
Đà Nẵng sẽ triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN khôi phục sản xuất.
Sau khi áp dụng các biện pháp cấp bách chống dịch, một số lĩnh vực kinh tế chủ lực của Đà Nẵng đã suy giảm mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Theo dự báo, GRDP của Đà Nẵng năm 2021 phải nỗ lực mới tăng khoảng 1,6% trong khi mục tiêu đặt ra là 6%; tổng thu ngân sách ước giảm 7,1% so với dự toán (năm 2020 đã giảm 10,7%). Trước tình thế này, Đà Nẵng sẽ triển khai nhiều giải pháp để phục hồi một số lĩnh vực kinh tế chủ lực. Trước tiên, cần sớm khôi phục hoạt động vận tải, thương mại, dịch vụ kèm theo các giải pháp chống dịch mới hiệu quả.
Đặc biệt, cần hoàn thành tiêm vaccine cho DN du lịch, triển khai phương án đón khách trong tình hình mới. Đây là ngành kinh tế tổng hợp, trọng điểm của TP nhưng bị suy kiệt nặng nề gần 2 năm qua. Hiện tỷ lệ du khách được tiêm vaccine ngày càng tăng, vì thế Đà Nẵng cần chủ động tìm cơ chế như bong bóng du lịch, hộ chiếu vaccine, thẻ xanh...để du lịch khởi động lại. Theo kiến nghị của VCCI Đà Nẵng, TP cần xây dựng một số địa điểm, khu du lịch lớn đáp ứng đầy đủ các dịch vụ du lịch và đảm bảo điều kiện phòng chống dịch, khép kín (bong bóng địa điểm du lịch trong phạm vi thành phố, vùng) để tổ chức đón khách du lịch quốc tế. Có thể kết hợp với Quảng Nam, Thừa Thiên Huế để có những điểm đến an toàn mở rộng. Khách chỉ đến những địa điểm du lịch, hạn chế không cho đi rộng như bình thường và tùy theo tình hình dịch bệnh mà nới rộng hay thu hẹp.
Ngoài ra, do dịch bệnh kéo dài, nhân lực du lịch đã chuyển nghề, về quê, đi địa phương khác ít dịch hơn. Vì thế, cần có chính sách hỗ trợ vốn vay, lãi suất để doanh nghiệp du lịch tuyển dụng, đào tạo lại nhân lực. Cũng theo VCCI Đà Nẵng, TP cần kiến nghị T.Ư điều chỉnh giá điện trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch bằng với lĩnh vực sản xuất để giảm chi phí đầu vào. Trong trường hợp T.Ư không đồng ý, TP có thể thông qua chủ trương thực hiện bù giá điện cho ngành du lịch ít nhất trong năm 2022 theo như giá điện áp cho lĩnh vực sản xuất nhằm tạo điều kiện cho lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi.
Hiện nay, giải pháp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công không chỉ tạo việc làm cho doanh nghiệp còn tạo ra động lực thúc đẩy phát triển. Do đó, TP sẽ phân nhóm xác định khó khăn, vướng mắc từng dự án, gắn trách nhiệm tiến độ với từng tập thể, cá nhân, đồng thời rút ngắn qui trình thủ tục đầu tư, ưu tiên tập trung gỡ vướng mặt bằng cho các dự án trọng điểm. TP cũng sẽ rà soát tiến độ giải ngân đối với từng dự án, kiên quyết điều chuyển, cắt giảm kế hoạch vốn từ dự án chậm giải ngân và không thể giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân cao.
Trong các giải pháp cấp bách nhất để sớm phục hồi kinh tế là tiếp sức doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh việc ưu tiên tiêm vaccine cho lao động trong các DN, TP cũng triển khai nhiều gói hỗ trợ trực tiếp cho DN. Cụ thể như hỗ trợ miễn phí thuê mặt bằng 6 tháng cho tiểu thương; hỗ trợ 50% phí sử dụng hạ tầng trong năm 2021 tại Khu CNC và các KCN, khu CNTT tập trung; hỗ trợ 30% lãi suất đối với các khoản vay tín dụng vốn lưu động trong thời gian 3 tháng (tháng 10-12/2021) cho các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vận tải, logistic, công nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ 50% chi phí xét nghiệm theo Kế hoạch xét nghiệm của TP cho DN trong 3 tháng.
Đặc biệt, TP sẽ có những điều chỉnh về công tác phòng chống dịch, tạo điều kiện tốt nhất cho DN sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Trên cơ sở tình hình hoạt động sản xuất đặc thù, TP có chính sách xét nghiệm phù hợp cho từng DN; tổ chức, bố trí lực lượng lao động phù hợp với phương án phòng chống dịch của TP và nhu cầu của DN đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. DN hoạt động trở lại sau khi tạm dừng để phòng chống dịch (vì có f0, f1) thì trong tháng đầu tiên xét nghiệm 100% lao động 7 ngày/lần, từ tháng thứ 2 sẽ xét nghiệm ngẫu nhiên 50% lao động 2 lần/tháng, những tháng tiếp theo mỗi tháng xét nghiệm 1 lần. Nếu DN đang sản xuất có f0 sẽ dừng hoạt động dây chuyền, bộ phận sản xuất, kinh doanh hoặc toàn bộ DN tùy theo đánh giá mức độ. Trường hợp vừa sản xuất vừa cách ly sẽ xét nghiệm 3 ngày/lần toàn bộ người lao động.
Theo kiến nghị của VCCI Đà Nẵng, TP cần xây dựng đề án “Hỗ trợ DN ứng phó, vượt qua khó khăn, phục hồi bởi tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19”. Bởi lẽ, diễn biến dịch còn phức tạp, có thể kéo dài, vì vậy việc hỗ trợ cũng cần một đề án dài hơi, có thể từ nay tới năm 2025. Đề án này nhằm tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động. Đề án với các chính sách hỗ trợ mới, thực thi các chính sách hỗ trợ đã ban hành hiệu quả hơn nhằm giúp DN tiếp cận nguồn lực phát triển, tiết giảm chi phí đầu vào, gia tăng cơ hội cho đầu ra sản phẩm, tiếp cận thị trường.
HẢI QUỲNH