KỲ HỌP THỨ 10, QUỐC HỘI KHÓA XIV:

Giải trình nhiều vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm

Thứ ba, 10/11/2020 07:48

Tại phiên chất vấn vào ngày 9-11, trong nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu, nội dung báo cáo về phòng, chống tham nhũng, quy hoạch treo, mạng xã hội, dạy nghề... được các ĐB quan tâm đặc biệt.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trả lời chất vấn.

Nhũng nhiễu dân, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu

Trước chất vấn của ĐB về sự vênh nhau trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp “vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp" với báo cáo về phòng, chống tham nhũng năm 2020 của Chính phủ "tình hình tham nhũng ở nước ta trong thời gian qua đã từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm", Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thừa nhận: "Có thể nói, những lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với người dân, những lĩnh vực cán bộ, công chức thiếu rèn luyện, dễ xảy ra tham nhũng như khu vực phục vụ dịch vụ công". Về hướng giải quyết, Tổng Thanh tra cho biết Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 10 năm 2019, Thanh tra Chính phủ tham mưu với Thủ tướng ban hành Công điện 724 năm 2019 để tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ. Cho rằng việc đánh giá tình hình tham nhũng là hết sức khó khăn nhưng Tổng Thanh tra nhấn mạnh, không phải vì khó mà không làm, trong đó ông lưu ý về "trách nhiệm”, rằng trách nhiệm thuộc về người đứng đầu cơ quan, lĩnh vực để xảy ra nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), đặt câu hỏi chất vấn.

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế

Trả lời các câu hỏi của các ĐB liên quan đến lĩnh vực tài chính- ngân sách, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, kế hoạch đề ra năm 2020 là tăng trưởng GDP 6,8% nhưng thực tế chỉ đạt khoảng từ 2 đến 3% do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, năm 2021 Chính phủ sẽ tập trung vào tăng cường tháo gỡ khó khăn cho sản xuất- kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy giải ngân đầu tư công và kích cầu trong nước. Về mặt tài chính, Bộ Tài chính sẽ tăng cường cùng các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương, tăng cường công tác quản lý thuế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để chống chuyển giá, chống trốn thuế và tăng thu hồi nợ đọng thuế. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ bám sát dự toán năm 2020 được Quốc hội thông qua và phấn đấu đạt dự toán này.

Kiên quyết giải thể các cơ sở giáo dục nghề yếu kém

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khi trả lời câu hỏi của các ĐB về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp. “Sẽ tập trung sắp xếp lại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp theo hướng ba trong một, hai trong một và kiên quyết giải thể cơ sở giáo dục nghề kém hiệu quả”, Bộ trưởng Dung nói và minh chứng, đến nay đã giảm từ 1.996 xuống 1.909 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giảm 77 trường công lập, hoàn thành mục tiêu trước năm 2021. Thời gian tới, theo kế hoạch, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Chính phủ bản quy hoạch cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn tiếp theo vào tháng 4-2021 sau khi các địa phương làm xong quy hoạch theo hướng sắp xếp lại các trung tâm theo hướng ba trong một hoặc hai trong một.

Cuối năm 2020 sẽ có Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng

Tiếp tục giải trình chất vấn của ĐB về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cuối năm 2020 sẽ có Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng; trong đó đề xuất người sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ mạng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trong đó có quyền trẻ em. “Chúng tôi trong tuần này sẽ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về thẩm quyền ban hành và chắc chắn rằng trong năm 2020, Bộ quy tắc ứng xử này sẽ được ký ban hành”, Bộ trưởng Hùng cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Hùng, Bộ TTTT được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng một đề án bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng giai đoạn từ 2010 – 2025.

Không cấp quyền sở hữu căn hộ, có thể cơ quan điều tra sẽ vào cuộc

Trả lời chất vấn của ĐB về kết quả giải quyết những tồn tại trong quy hoạch treo, làm thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, gây bức xúc xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận, quy hoạch treo ảnh hưởng đến việc làm, sinh kế và xây dựng, cải tạo nhà ở của người dân, đồng thời làm giảm hiệu quả chất lượng phát triển đô thị, lãng phí tài nguyên và gây bức xúc trong nhân dân. Ông chỉ ra một số nguyên nhân và cho biết về giải pháp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02, Bộ Xây dựng xây dựng Cổng thông tin quy hoạch quốc gia. Tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Quy hoạch sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2014… Đặc biệt, trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 đã quy định, nếu kế hoạch sử dụng cấp huyện đã được công bố 3 năm sau không thực hiện, người dân được cấp phép xây dựng có thời hạn để cải tạo, thậm chí xây mới nhà ở có thời hạn ghi trong giấy phép cụ thể. Nếu hết thời hạn này, quy hoạch vẫn không thực hiện được, người dân tiếp tục được thực hiện giấy phép đã được cấp để cải tạo và xây dựng mới nhà ở.

Đề cập đến lo lắng của cử tri về việc mua căn hộ, mua quyền sử dụng đất ở, nhà ở tại các dự án chưa được cấp quyền sở hữu nhà, căn hộ, quyền sử dụng đất và các tranh chấp đang xảy ra... mà ĐB chất vấn, Bộ trưởng Bô Xây dựng cho hay, theo quy định, 50 ngày sau khi bàn giao nhà ở cho người mua nhà, chủ đầu tư phải làm các thủ tục để cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà cho người dân. Pháp luật cũng quy định chế tài xử phạt có thể lên đến 1 tỷ đồng đối với những chủ đầu tư chậm trễ việc này.

Về giải pháp, đối với những loại dự án đã thực hiện xong thủ tục nhưng chủ đầu tư cố tình chây ì, Bộ trưởng đề nghị các địa phương tập trung xử lý nghiêm khắc theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính. Nếu chủ đầu tư vẫn cố tình, các cơ quan điều tra sẽ vào cuộc để xem xét xử lý theo quy định pháp luật về hình sự.

Trong ngày, các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc, Văn Phòng Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạchĐầu tư, VH-TT&DL, Bộ Nội vụ, TN-MT, NN&PTNT cũng đã trả lời chất vấn của các ĐB những vấn đề liên quan đến lĩnh vực do ngành quản lý.

Q.H

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ KIM NGÂN TRẢ LỜI CHẤT VẤN VỀ LUẬT HÀNH CHÍNH CÔNG 

Sáng 9-11, lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trả lời chất vấn của ĐBQH về việc trình Quốc hội xem xét dự án Luật Hành chính công, Luật Dịch vụ công. Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau khi nhiều lần làm việc giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã trao đổi thống nhất và thấy rằng chưa thể ban hành luật này vì các lý do. Thứ nhất, các quy định về hành chính công đều đã được quy định trong từng dự án luật, trong hệ thống pháp luật chúng ta đều có các quy định thủ tục hành chính công. Thứ hai, trong dự thảo luật mà đại biểu trình bày, đã chuẩn bị thì chưa rõ đối tượng, phạm vi và nội hàm và vì thế chưa thể ban hành được, chưa thể trình Quốc hội.

-----------------

DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH PHIÊN HỌP THỨ 50 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã quyết định về dự kiến chương trình Phiên họp thứ 50 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vào ngày 9-11. Theo dự kiến, từ 17 giờ chiều 9-11, ngay sau khi kết thúc chương trình phiên họp trong ngày, UBTVQH tiến hành Phiên họp thứ 50. Tại phiên họp này, UBTVQH xem xét, cho ý kiến đối với một số nội dung như: Cho ý kiến về việc giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam; Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với phân bón; Cho ý kiến về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; Cho ý kiến về việc tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo; Cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Xem xét công tác nhân sự khác (nếu có).