Giải trình về hiệu quả sử dụng vốn trong lĩnh vực GD&ĐT: Bộ chủ quản không nắm rõ số tiền phân bổ cho từng dự án

Thứ ba, 29/12/2015 09:54

(Cadn.com.vn) - Ngày 28-12, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (gọi tắt là Ủy ban) tổ chức phiên giải trình của Chính phủ trước Ủy ban về hiệu quả các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ODA và vốn chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực GD&ĐT.

Các đại biểu tại phiên giải trình khẳng định: Giai đoạn 2004-2014, việc sử dụng vốn ODA và vốn chương trình mục tiêu quốc gia trong giáo dục đào tạo cơ bản có hiệu quả, đóng góp tích cực. Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ những bất cập trong huy động, sử dụng các nguồn vốn này. Trích dẫn từ Báo cáo của Chính phủ cho biết “một số tỉnh, thành phố điều chuyển kinh phí từ chương trình, dự án này sang dự án khác, trong khi mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình, dự án được giao chưa hoàn thành nhưng cũng không báo cáo về Ban quản lý chương trình mục tiêu quốc gia Trung ương”, thành viên Ủy ban Đàng Thị Mỹ Hương chất vấn về trách nhiệm của các Bộ như thế nào trong việc sử dụng nguồn vốn không đúng mục đích. Cho biết về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương khẳng định rằng không có chuyện chuyển vốn từ chương trình này sang chương trình khác, nhưng có việc chuyển vốn từ dự án này sang dự án khác nhưng vẫn nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia đó của cùng một tỉnh. Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết việc chuyển đổi này là được phép và khẳng định việc không hoàn thành được mục tiêu thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về địa phương và Bộ chủ quản của chương trình, dự án đó.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, dòng tiền chuyển về tỉnh thì Bộ không được biết phân bổ cụ thể cho từng dự án là bao nhiêu.

Tiếp lời Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết mục tiêu của chương trình được thiết kế từ đầu nhưng dòng tiền chuyển về tỉnh thì Bộ GD&ĐT không được biết phân bổ cụ thể cho từng dự án là bao nhiêu. Bộ trưởng nêu rõ địa phương không có trách nhiệm báo cáo với Bộ. Bộ trưởng đề xuất cần phải có quy định để Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố báo cáo chi tiết trước HĐND để quyết định và Chủ tịch UBND phải chịu trách nhiệm. Chủ trì phiên giải trình, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban cho rằng địa phương quyết định linh hoạt nguồn vốn là cần thiết nhưng phải thêm khâu kiểm tra việc thực hiện có đúng không, từ đó mới kết luận được điều chỉnh nguồn vốn từ dự án này sang dự án khác là có phù hợp, hiệu quả hay không. 

Các vướng mắc, hạn chế trong quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA và vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực GD&ĐT cũng đã được các đại biểu chỉ rõ như cơ chế phân cấp quản lý còn bất cập, chưa hợp lý, chưa rõ ràng về trách nhiệm; việc gắn kết giữa cơ quan điều phối dự án ở trung ương với cơ quan điều phối ở địa phương và cơ sở thụ hưởng dự án chưa tốt. Hiệu quả bền vững các dự án chưa cao.

Các đại biểu Ủy ban đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các bộ, ngành rà soát các quy định nhằm hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến thu hút vốn ODA, đảm bảo sử dụng đúng mục đích; có cơ chế thu hút nguồn vốn ODA cho giáo dục, đào tạo; nâng cao năng lực quản lý sử dụng nguồn vốn cũng như xây dựng mô hình quản lý các chương trình, dự án từ vốn ODA cho phù hợp. Bộ GD&ĐT có vai trò cụ thể hơn trong việc hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ đã được Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính thẩm định phân giao, khắc phục tình trạng địa phương không tuân thủ ưu tiên các mục tiêu, nhiệm vụ trong chương trình Trung ương phê duyệt.

Thu Thủy – TTXVN