Giám đốc FBI bị sa thải, Mỹ thêm khốn đốn

Thứ năm, 11/05/2017 08:21

(Cadn.com.vn) - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thêm dầu vào chảo lửa khủng hoảng chính trị trong nước với quyết định sa thải Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) James Comey.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 9-5 (giờ địa phương), Nhà Trắng cho biết ông James Comey - nhân vật đang dẫn dắt cuộc điều tra về khả năng Tổng thống Donald Trump thông đồng với chính phủ Nga nhằm gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử tổng thống năm 2016 - đã chính thức bị sa thải.

AFP dẫn nguồn tin Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Trump đưa ra quyết định này theo khuyến cáo của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions. Tuy nhiên, chính nó hiện nay đang gây sóng gió trên chính trường nước này. Trong tuyên bố gây sốc, ông chủ Nhà Trắng nói với ông Comey rằng, FBI cần lãnh đạo mới và ông đã bị “sa thải” ngay lập tức. “Điều thiết yếu là chúng ta tìm được sự lãnh đạo mới cho FBI, phục hồi niềm tin của người dân trong sứ mệnh thực thi pháp luật quan trọng của nó”, ông Trump tuyên bố.

Tổng thống Mỹ Donald Trump chào đón Giám đốc FBI James Comey tại Nhà Trắng 2 ngày sau khi ông nhậm chức. Ảnh: Reuters

 “Sai lầm lớn” của ông Trump?

Theo một quan chức FBI, quyết định sa thải này gây sốc cho nhân viên FBI, trong khi hầu như tất cả đều tin tưởng vào ông Comey bất chấp tranh cãi xung quanh việc xử lý bê bối email của bà Hillary Clinton.

Đã có những lo ngại cho rằng, quyết định này là mang động cơ chính trị liên quan đến cuộc điều tra về Nga. Các quan chức tình báo và luật pháp Mỹ khác hiện đang yêu cầu Nhà Trắng có lời giải thích thỏa đáng cho vụ sa thải này. “Ông Trump đã ca ngợi ông Comey về việc điều tra bê bối email, vì vậy không có lý do để sa thải ông ấy”, Austin Berglas, cựu nhân viên giám sát của FBI cho biết. “Tôi nghĩ ông Trump nhận ra mức độ điều tra của Nga đang tiến triển và cần phải “loại bỏ” ông Comey. Đối với tôi, đó là lời giải thích hợp lý duy nhất hiện nay”, ông Austin nói thêm.

Dưới thời ông Comey, FBI kết luận, Nga mở một chiến dịch đa diện để giành phiếu bầu về cho ông Trump trong cuộc bầu cử ở Mỹ hồi năm 2016. Việc nhân vật tiếng tăm này bị sa thải, dường như có liên quan đến việc bê bối email của bà Hillary Clinton, đã làm dấy lên những lời chỉ trích hiếm hoi của đảng Cộng hòa. Phe Dân chủ cáo buộc Nhà Trắng muốn che giấu điều gì đó và yêu cầu mở một cuộc điều tra độc lập.

Giám đốc FBI được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ 10 năm, nhưng có thể bị Tổng thống Mỹ thay thế vào bất kỳ lúc nào. Nhưng quyết định sa thải giám đốc FBI như thế này là hầu như chưa từng có. Trong lịch sử, chỉ có một giám đốc FBI bị sa thải như vậy nhưng trong trường hợp hoàn toàn khác. Chủ tịch Thượng viện Chuck Schumer nói rằng, việc Tổng thống Trump sa thải ông Comey là “sai lầm lớn”.

Tranh cãi quanh bê bối email

Ông Comey, 56 tuổi, từng là mục tiêu chỉ trích gay gắt trong việc xử lý cuộc điều tra liên quan việc sử dụng máy chủ email cá nhân của bà Clinton trong thời gian bà còn là Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Hồi tháng 7-2016, ông Comey tuyên bố đã hoàn thành điều tra vụ bê bối này và khẳng định không truy tố bà Clinton. Ông Trump từng chỉ trích giám đốc FBI vì đã không truy tố cáo buộc hình sự đối với bà Clinton, nhưng sau đó lại khen ngợi ông. Và chỉ 11 ngày trước ngày bầu cử 8-11, ông tuyên bố mở lại cuộc điều tra vì phát hiện một bức thư mới liên quan đến bà Clinton. Bà Clinton và các đảng viên đảng Dân chủ nói rằng, họ tin rằng, quyết định của ông Comey đã khiến bà thất bại trong cuộc bầu cử trước ông Trump. Phát biểu tại một diễn đàn ở New York hôm 3-5, bà Clinton cho rằng, sở dĩ bà thất bại trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hồi năm ngoái là do Giám đốc FBI Comey và Nga đã có sự can thiệp, khiến các cử tri “trở nên sợ hãi”.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc sa thải ông Comey không có nghĩa là cuộc điều tra của FBI về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ bị gián đoạn hoặc kết thúc. Các nhân viên FBI vẫn tiếp tục điều tra ngay cả khi cuộc tìm kiếm giám đốc FBI mới bắt đầu.

Khả Anh