Giảm giá cước vận tải: Vẫn còn doanh nghiệp “miễn cưỡng” giảm

Thứ năm, 27/11/2014 09:08

(Cadn.com.vn) - Ngày 25-11, Bộ Tài chính đã công bố kết quả của các đoàn kiểm tra tình hình kê khai lại giá cước vận tải cho phù hợp diễn biến của giá nhiên liệu tại một số địa phương. Bộ Tài chính khẳng định, trong công tác quản lý, bình ổn giá cước vận tải, cần kiên quyết dừng các trường hợp khai tăng giá, không phù hợp tác động của yếu tố đầu vào và mặt bằng giá cả thị trường.

Để thực hiện quyết liệt hơn việc kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về quản lý giá cước vận tải, trong tháng 11, Bộ Tài chính đã thành lập 3 đoàn công tác liên ngành kiểm tra, nắm tình hình thực hiện quản lý giá cước vận tải tại một số địa phương. Kết quả kiểm tra của 3 đoàn công tác cho thấy, tại Hà Nội, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ taxi đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá trung bình từ 2 đến 10%; DN kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định giảm từ 6 đến 10% và DN vận tải hàng hóa giảm dưới 4%.

Tại TPHCM, nhiều DN taxi đã giảm giá từ 2 đến 9% (tùy cự ly), DN vận tải hành khách tuyến cố định giảm 2 đến 11,33%. Riêng tại TP Đà Nẵng, các DN kinh doanh dịch vụ taxi kê khai giảm giá khá mạnh, từ 3%-32%, các tuyến vận tải cố định Đà Nẵng tới các tỉnh cũng sẽ tính toán kê khai giảm (giá cước xe tuyến Đà Nẵng-Huế chắc chắn sẽ giảm khoảng 8,3%), các doanh nghiệp vận tải hàng hóa đã kê khai giảm từ 3,2-6,7% so với giá liền kề.

Hiện tại, các địa phương vẫn đang tiếp tục triển khai kiểm tra, rà soát yêu cầu doanh nghiệp vận tải tiếp tục kê khai giảm giá cước phù hợp với diễn biến giảm của giá xăng dầu, tình hình thị trường và điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp theo chỉ đạo của Bộ GTVT và của Bộ Tài chính.

Tại Đà Nẵng, các DN kinh doanh taxi giảm cước khá mạnh, từ 2-32%.

Có thể thấy, dưới sức ép của các cơ quan quản lý và dư luận xã hội, giá cước vận tải đã có chiều hướng giảm, với các mức giảm khác nhau. Tuy nhiên, theo các thành viên đoàn công tác thì vẫn còn DN vận tải chưa thật sự vì người tiêu dùng vì các mức giảm mới chỉ dừng ở khâu đăng ký, kê khai, trên thực tế chỉ có vài DN giảm ở mức thấp hoặc chưa giảm ngay. Mặt khác, có DN cũng chỉ “miễn cưỡng” giảm khi bị thúc ép quyết liệt, có động thái vừa giảm vừa nhìn nhau, nhất là các DN taxi.

Trưởng đoàn công tác tại TPHCM là ông Nguyễn Văn Truyền, Phó Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, tuy đăng ký giảm giá nhưng các DN nêu rất nhiều lý do để biện minh và tìm cách né tránh. Trong đó, đáng lưu ý là có DN, hiệp hội cho rằng cách tính toán cơ cấu giá nhiên liệu trong giá thành dịch vụ khoảng 40% của cơ quan quản lý là chưa sát, chỉ ở khoảng 20 đến 27%. Vì vậy, đòi hỏi giảm giá dịch vụ mạnh là không thể. Tuy nhiên, các đoàn công tác đều khẳng định: đây chính là số liệu do các DN, hiệp hội đưa ra làm lý do tăng giá cước khi giá nhiên liệu lên cao trước đây, cho nên không thể lấy đó làm lý do trì hoãn, giảm giá nhỏ giọt.

Đến nay, xăng đã giảm giá 10 lần, tổng cộng giảm hơn 5.390 đồng/lít, tương đương hơn 20%, nhưng giá cước vận tải chỉ khi kiểm tra mới công bố giảm, thậm chí vẫn cố tình nhùng nhằng kéo giãn thời gian. Bên cạnh đó, các đoàn công tác cũng mới chỉ xoay quanh vấn đề cước vận tải trong khi hầu hết các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm... cũng được dư luận quan tâm nhưng chưa được đề cập đến. Tuy thời gian qua dù các mặt hàng này có giảm, nhưng biên độ quá nhỏ và người tiêu dùng chưa được hưởng lợi tương xứng. Thậm chí phải đợi khi ngành tài chính yêu cầu cơ quan thuế cùng vào cuộc, các DN mới bắt đầu rục rịch, còn không vẫn chây ỳ.

Theo quy định hiện hành, để bảo đảm cho DN hoạt động tự do, tự chủ theo cơ chế thị trường, Nhà nước chỉ quy định một số hàng hóa phải chịu sự điều tiết giá của Nhà nước, còn tất cả được định giá theo thị trường. Thế nhưng, các cơ quan quản lý đang thiếu sự phối hợp, kiểm soát chặt chẽ và tỏ ra bất lực trong các trường hợp chây ỳ của các DN vận tải hiện nay. Khi xảy ra sự việc, không cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm chính, có đủ thẩm quyền và nghĩa vụ yêu cầu DN thực hiện bình ổn giá thay vì chỉ đề nghị như hiện nay.

Phó Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT) Phan Thị Thu Hiền cũng thừa nhận, để hỗ trợ DN tăng quyền tự chủ, pháp luật quy định DN chỉ thực hiện kê khai giá tại các cơ quan tài chính, còn sau đó được tự động tăng giá mà không cần cho phép, cho nên cơ quan quản lý không thể bắt ép, yêu cầu mà chỉ có thể đề nghị các DN giảm giá cước. Chính vì vậy, việc tăng giá hàng hóa theo xăng diễn ra hết sức nhanh chóng, nhưng ngược lại khi hạ giá thì lại nhỏ giọt, cầm chừng, chủ yếu phụ thuộc vào “ý thức” của DN.

Rõ ràng, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, phối hợp của cơ quan quản lý còn nhiều bất cập, trong đó nổi bật là thiếu vai trò, trách nhiệm của một cơ quan cụ thể. Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng “trong trường hợp doanh nghiệp không giảm giá hoặc giảm giá không tương xứng, người tiêu dùng có thể tẩy chay doanh nghiệp đó” nhưng tẩy chay chưa phải là phương án hay khi mà hầu hết dịch vụ đều là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Chỉ khi cơ quan quản lý làm tốt nhiệm vụ của mình, DN nâng cao chất lượng, chia sẻ với người tiêu dùng và ngược lại, khi ấy mới hết cảnh “nhùng nhằng” trong việc quy trách nhiệm lẫn nhau như hiện nay.

B.T