Giảm tải bệnh viện - cam kết vì người bệnh

Thứ ba, 10/02/2015 10:49

(Cadn.com.vn) - Tháng 1-2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện (giai đoạn 2013-2020) với mục tiêu từng bước giảm tình trạng quá tải bệnh viện ở hai khu vực khám bệnh và điều trị nội trú; cơ bản khắc phục tình trạng nằm ghép vào năm 2015. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu trên, hiện nay nhiệm vụ “giảm tải” được Bộ Y tế xác định là nhiệm vụ hàng đầu trong 7 nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành. Mới đây, 16 bệnh viện đã ký cam kết chấm dứt tình trạng bệnh nhân nằm ghép, đảm bảo 1 bệnh nhân/giường bệnh, chậm nhất sau 48 giờ nhập viện. Đây thực sự là tín hiệu tốt cho nhiều người bệnh, minh chứng rõ nhất cho việc thực hiện giảm bớt tình trạng quá tải hiện nay.

Điển hình cho việc thực hiện giảm tải tại BV, Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức Nguyễn Tiến Quyết khẳng định, việc giảm tải, không nằm ghép đã được BV thực hiện từ rất lâu. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, bệnh viện đã quyết liệt thực hiện Chỉ thị 06 của Bộ Y tế, tăng thêm giường và tăng thời giờ làm việc; áp dụng công nghệ cao và phân loại bệnh nhân chặt chẽ; đào tạo cho các bệnh viện vệ tinh. Từ chỗ chỉ có 430 giường năm 2003 - 2004, đến nay bệnh viện đã có 1.100 giường. Cuối tháng 2-2015, bệnh viện sẽ khánh thành tòa nhà công nghệ với 350 giường nữa...

Một số bệnh viện hiện nay cam kết không để bệnh nhân nằm ghép trên giường bệnh là giải quyết những bức xúc, lo ngại của bệnh nhân. Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cho biết Bộ Y tế đã thực hiện đề án giảm tải bệnh viện theo Quyết định 92 của Thủ tướng Chính phủ; ban hành đề án bệnh viện vệ tinh với 14 bệnh viện hạt nhân là các bệnh viện Trung ương và tuyến cuối của Hà Nội, TPHCM; chuyển giao kỹ thuật, đào tạo chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế cho 46 bệnh viện tỉnh, bệnh viện vệ tinh. Các địa phương cũng quan tâm đầu tư cho các bệnh viện tỉnh. Đề án bác sỹ gia đình đã được triển khai khá tốt tại 8 tỉnh, mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới.

Bệnh viện Nhi Trung ương là một trong 16 bệnh viện trong cả nước
cam kết chấm dứt tình trạng bệnh nhân nằm ghép.

Thể hiện ủng hộ đối với cam kết của Bộ Y tế và các bệnh viện, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên đề nghị, khi các bệnh viện đã cam kết “giảm tải”, Bộ Y tế cần ủng hộ “bằng các biện pháp thiết thực, chứ không chỉ nói suông”. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần có quy định để cấp huyện, xã cấp được cấp thuốc mà trước kia chỉ có bệnh viện Trung ương được cấp. Ví dụ, tránh tình trạng bệnh nhân “rồng rắn” lên Trung ương xếp hàng khám chữa bệnh tiểu đường, cao huyết áp, lĩnh thuốc hàng tháng... có thể để bệnh nhân khám 1-2 lần/năm. Lần đầu tiên khám để kiểm tra, sau đó, suốt 10 tháng lĩnh thuốc ở huyện, xã, cuối năm lên kiểm tra lại, như vậy có thể giảm tải rất lớn.

Về biện pháp, cơ chế giám sát đảm bảo chất lượng điều trị cho những bệnh nhân chuyển xuống tuyến dưới sau khi được điều trị tại bệnh viện tuyến trên, Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức Nguyễn Tiến Quyết nhận định: Thành quả cao nhất là chữa bệnh và đảm bảo bệnh nhân khỏi bệnh nên bệnh viện chỉ chuyển bệnh nhân đến những bệnh viện đảm bảo, được Bộ Y tế cho phép điều trị và đã được thẩm định kết quả điều trị. Bệnh viện Việt - Đức đảm bảo bệnh nhân chuyển về đâu, nơi đó đủ khả năng điều trị. Còn những bệnh nhân tiên lượng có vấn đề, bệnh viện không bao giờ chuyển về. Bên cạnh đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa các tuyến để điều trị cũng như quy định chặt chẽ hiện nay để đảm bảo chuyển tuyến điều trị có hiệu quả. Một số người được chuyển về nhưng không muốn về mà muốn nằm điều trị ở Bệnh viện Việt Đức, sau khi khỏe mới trở về là không thể thực hiện được ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Chính vì thế mới có tuyến tỉnh, huyện để chăm sóc bệnh nhân sau khi điều trị.

Phúc Hằng