Gian lận thi cử - Phải chống từ gốc

Thứ tư, 03/06/2020 12:21

Tròn 1 năm kể từ thời điểm Quốc hội thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH trong Kỳ họp thứ 7 (vào các ngày 30 và 31-5), vấn đề gian lận thi cử lại nóng lên với câu hỏi: Chúng ta đang chống từ gốc hay từ ngọn? Các phiên tòa xét xử những vụ án gian lận thi cử ở Sơn La, Hòa Bình và cả Hà Giang cho thấy việc "chống bệnh từ ngọn" là cần nhưng chưa đủ.

Các bị cáo trong vụ gian lận thi cử ở Sơn La, đã bị kết án hôm 29-5.

Chúng ta yên tâm được chưa?

Còn nhớ,  ngày 30 và ngày 31-5-2019, trong phiên thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018 tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã giải trình về các vụ gian lận trong Kỳ thi THPT quốc gia. Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đặt vấn đề về những bất cập của Kỳ thi THPT quốc gia, đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét đánh giá tác động của việc gộp 2 kỳ thi làm một.

Trong năm 2020, về cơ bản, phương án tuyển sinh vẫn giữ ổn định như trong giai đoạn 2017-2020. Tuy nhiên, quy chế năm nay cũng có điều chỉnh một số điểm về kỹ thuật để khắc phục những bất cập của quy chế tuyển sinh năm 2019. Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Đức Cường cho biết, điểm mới của công tác thanh tra năm nay là ngoài lực lượng của bộ và sở, sẽ có thêm lực lượng thanh tra tỉnh, công việc của các đoàn sẽ được thực hiện trên nguyên tắc tránh trùng lặp nhưng vẫn đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, theo chính một số giáo viên THPT, quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020 hoàn toàn không còn vai trò coi thi, chấm thi trắc nghiệm của trường đại học. Năm 2019, việc chấm thi trắc nghiệm do các trường đại học chủ trì, nhưng năm nay việc này được giao hoàn toàn cho sở GD-ĐT ở các tỉnh, thành.

Nhiều giáo viên cho rằng, ít nhất, Bộ GD-ĐT phải cử một lực lượng giám sát nhất định, không nên khoán trắng cho các địa phương tổ chức thì mới đảm bảo được tính nghiêm túc, minh bạch, khách quan của kỳ thi. Theo ông, các Hội đồng thi càng ở vùng sâu, vùng xa càng dễ có tâm lý nới tay, sẽ không công bằng cho học sinh giữa các địa phương. Việc tăng cường lực lượng thanh tra của UBND tỉnh tại các điểm thi ở địa phương bị coi là ít tác dụng vì đó là "thanh tra nội bộ", "đóng cửa bảo nhau".

Không thể "chữa bệnh từ ngọn"

Các bị cáo trong các vụ án gian lận thi cử đã bị kết án. Và không thể phủ nhận rằng các bản án nghiêm khắc, công minh, đúng người đúng tội có tính răn đe, cảnh tỉnh, làm chùn tay những đối tượng còn nuôi ý định lợi dụng kẽ hở trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 để trục lợi.

Tuy nhiên, việc chữa bệnh từ ngọn như vậy vẫn chưa đủ, chưa triệt để. Trong các vụ gian lận thi cử trắng trợn ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình... pháp luật chưa chạm đến những ông bố, bà mẹ của các thí sinh được nâng điểm. Họ là đồng phạm của các đối tượng vi phạm pháp luật, người đưa hối lộ, thậm chí là "chủ mưu", người có động lực phạm tội mạnh mẽ nhất. Thế nhưng khó khăn lắm tòa án mới "mời" được một số ít trong đó đến làm "nhân chứng". Trước tòa và trước dư luận, họ tỏ thái độ "ngạc nhiên" về việc điểm thi của con họ bị sửa đổi. Trơ trẽn hơn, một số vị còn lớn tiếng cho rằng, con cái họ "bị nâng điểm" là nhằm mục đích bôi nhọ uy tín của họ. Pháp luật cũng như dư luận đều gượng nhẹ đối với các thí sinh được nâng điểm, sợ các em "bị tổn thương" mặc dù đây mới chính là đối tượng thụ hưởng mọi thành quả gian dối, cướp mất cơ hội chính đáng của những người bạn cùng trang lứa, tiến thân không bằng năng lực của mình mà nhờ đồng tiền của bố mẹ.

Giải pháp căn bản nhất để chống lại sự gian dối trong thi cử là gì? Bên cạnh việc phải truy được sự liên quan trực tiếp của những người chạy điểm và gắn trách nhiệm đối với đối tượng thụ hưởng từ sự nâng điểm thì chúng ta phải tạo ra một môi trường học đường, cụ thể là giảng đường đại học lành mạnh.

Không một thí sinh nào trong số 82 trường hợp được nâng điểm ở Kỳ thi THPT quốc gia  năm 2018 tại Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La (kể cả khi tổng số điểm được nâng cho ba môn thi vượt quá con số 28, 29 ở một thí sinh) gây hoài nghi ở cơ sở giáo dục đại học. Điều này hoàn toàn không bình thường. Nếu chúng ta không triệt tiêu được một khâu tối quan trọng trong mối quan hệ cung - cầu, đó là nhu cầu chạy điểm, thì việc chống gian lận thi cử sẽ vô cùng khó khăn. Có cầu, ắt có cung. Những người liên quan đến các khâu tổ chức thi, chấm thi, giám sát phải có bản lĩnh cao cường mới trụ được trước quyết tâm "cho con vào trường A, trường B bằng mọi giá" từ phía một số bậc làm cha làm mẹ.

Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, phân tích rằng cái giá 1 tỷ đồng cho một trường hợp chạy điểm thi THPT quốc gia năm 2018 ở Sơn La là "không đắt lắm". Cái giá "không đắt" này bao hàm cả việc lấy điểm giả để vào trường đại học danh giá nhằm tạo bàn đạp cho sự tiến thân vào một vị trí màu mỡ tại địa phương sau khi tốt nghiệp. Chống gian lận thi cử phải làm từ gốc là như vậy!

Quang Vinh

>> Tuyên án 12 bị cáo trong vụ gian lận điểm thi tại Sơn La

>> Vụ gian lận điểm thi tại Sơn La: Cựu trưởng phòng khảo thí bác cáo buộc nhận 1 tỷ đồng

>> Vụ gian lận điểm thi ở Sơn La: Đủ căn cứ chứng minh việc đưa và nhận hối lộ

>> Vụ gian lận điểm thi tại Sơn La: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị mức án cao nhất từ 23-25 năm tù