Gian nan cuộc chiến chống thuốc lá nhập lậu

Thứ sáu, 29/08/2014 08:43

(Cadn.com.vn) - Ngày 28-8, tại TP Đà Nẵng, Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức sơ kết công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá nhập lậu và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2014. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, chủ trì hội nghị.

“DIỄN BIẾN PHỨC TẠP”

Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục QLTT đã nói như vậy tại diễn đàn hội nghị khi đề cập đến tình hình buôn lậu, vận chuyển, buôn bán thuốc lá nhập lậu, chủ yếu qua khu vực biên giới của các tỉnh Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang. Từ những “điểm nóng” này, thuốc lá ngay sau đó được vận chuyển về TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác để tiêu thụ. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng này cũng rất tinh vi và đầy mánh khóe nhằm né tránh sự KTKS của các cơ quan chức năng.

Hoạt động buôn lậu, vận chuyển chủ yếu vào ban đêm và được những đối tượng là cư dân biên giới, rất thông thạo địa bàn, sử dụng các phương tiện xe máy, xuồng máy, ghe máy công suất lớn, chạy tốc độ cao vận chuyển nhỏ lẻ, nhiều lần từ biên giới qua các cánh gà, đường mòn khu vực cửa khẩu hoặc qua đường ruộng, sông, kênh rạch vào nội địa mỗi lần thường là dưới 1.500 gói để tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đặc biệt, vào mùa nước nổi, tình hình buôn lậu diễn biến tăng do các cánh đồng khu vực biên giới bị ngập nước. Các đối tượng lợi dụng đồng nước, kênh rạch vận chuyển thuốc lá nhập lậu bằng xuồng máy tốc độ cao nên lực lượng kiểm tra rất khó bắt giữ.

Đó là chưa kể tại khu vực biên giới và trên đường vận chuyển vào nội địa, đối tượng đầu nậu còn thuê người cảnh giới, theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của lực lượng kiểm tra tại trụ sở cơ quan, tại nơi đóng chốt để bất cứ sự di chuyển nào của lực lượng kiểm tra đều được người theo dõi báo về cho đầu nậu nhằm đối phó và sẵn sàng cản trở, chống đối lực lượng thi hành nhiệm vụ để giật lại hàng. “Đây cũng là những khó khăn trong việc ngăn chặn thuốc lá nhập lậu” - ông Nguyễn Trọng Tín nhấn mạnh.

Ông Tín cũng cho rằng, “điểm nóng” vẫn là ở tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia, tuyến biên giới Việt Nam-Lào, tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc và cả ngay trong thị trường nội địa. Tại tuyến biên giới Việt Nam-Lào, thời gian vừa qua, các lực lượng chức năng tăng cường KTKS nên tình trạng buôn lậu thuốc lá tuy có giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là khu vực biên giới của tỉnh Quảng Trị.

Tại đây, thuốc lá nhập lậu chủ yếu qua đường sông Sê Pôn với chiều dài trên 10km với 17 bến đò có hoạt động vận chuyển tập kết hàng nhập lậu, trong đó có 5 bến đò có hoạt động vận chuyển thuốc lá nhập lậu. Sau đó, các chủ hàng chia nhỏ và thuê cửu vạn gùi cõng qua các đường mòn trong rừng hai bên cánh gà khu vực Trạm Kiểm soát Cổng B Khu Kinh tế Thương mại Lao Bảo rồi đưa vào nội địa tiêu thụ.

TP Đà Nẵng tổ chức tiêu hủy thuốc lá nhập lậu.

CẦN CÓ NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ

Theo báo cáo của các Chi cục QLTT, đợt kiểm tra cao điểm từ ngày 1-4 đến 30-6-2014, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 6.264 vụ, xử lý 3.492 vụ, thu giữ gần 582.000 bao thuốc lá các loại với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 8,4 tỷ đồng. Tính từ đầu năm 2014 đến nay, lực lượng QLTT cả nước đã xử lý hơn 4.700 vụ với số tiền xử phạt gần 14 tỷ đồng, tịch thu hơn 1 triệu bao thuốc lá, thu giữ 8 ô-tô, 432 xe máy, 7 ghe, xuồng máy các loại và chuyển cơ quan CA khởi tố 21 vụ.

Ông Trịnh Văn Ngọc, Phó Cục trưởng phụ trách Cục QLTT đề nghị, trong thời gian đến cần phải có những giải pháp đồng bộ hơn mới nâng cao được hiệu quả công tác chống buôn lậu, buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu. Trong đó, cần tập trung tăng cường công tác KTKS, thực hiện tốt Quy chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa lực lượng QLTT-Công an-Hải quan-Bộ đội Biên phòng.

Ông Nguyễn Công San, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội kiến nghị, BCĐ 389 các cấp cần xác định nhiệm vụ chống buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá nhập lậu làm nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược từ nay đến hết năm 2014; chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường KTKS và xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân vi phạm kinh doanh hàng cấm thuốc lá điếu nhập lậu.

Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Đà Nẵng Trần Phước Trí cho rằng, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý địa bàn cũng như phương thức, thủ đoạn hoạt động của số đối tượng này để chủ động phối hợp với lực lượng CSGT đón, dừng phương tiện KTKS kịp thời và có hiệu quả. Bên cạnh đó cần tăng cường các biện pháp xử lý về luật pháp, về kinh tế, dân sự và phải đưa ra truy tố, xét xử nghiêm khắc và công khai các vụ điển hình.

Trong khi đó, ông Hồ Khánh Kha, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Quảng Trị-một “điểm nóng” về tình hình này cũng đồng quan điểm trên nhưng nói thêm “Cần chủ động trong công tác dự báo, nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình buôn lậu thuốc lá để có kế hoạch, phương án cụ thể nhằm triệt phá các tụ điểm, ổ nhóm buôn bán thuốc lá nhập lậu từ biên giới về nội địa; triệt phá những đường dây, đầu nậu, những vụ buôn bán thuốc lá ngoại có tổ chức, có giá trị lớn”.

Đại diện đến từ Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh cũng đã đề xuất nhiều giải pháp để phòng chống nhập lậu thuốc lá, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến tinh thần, ý chí, trách nhiệm trong thực thi công vụ của lực lượng QLTT; đồng thời đề nghị tăng cường thêm trang bị, phương tiện phù hợp với nhu cầu công tác chống buôn lậu...

Phương Kiếm