Gian nan ứng phó dịch bệnh
Trong cơn lốc dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đang lan nhanh đe dọa ngành chăn nuôi của tỉnh Quảng Nam, các phương án ứng phó với dịch bệnh cũng gian nan không kém. Tính từ ngày 14 - 5 tới nay, với H. Duy Xuyên là địa bàn đầu tiên phát hiện dịch thì chỉ đúng sau 1 tháng đã có 13 địa phương có lợn nhiễm dịch, trong đó có cả những địa phương miền núi xa xôi công bố có dịch. Điều đó cho thấy mức độ diễn biến nhanh và phức tạp của dịch bệnh tại địa phương này.
Các khu chợ thịt cũng chỉ còn vài hàng bám trụ. |
Chợ heo "buồn hiu" vì dịch
Theo quan sát của P.V, từ chợ đầu mối đến những khu chợ nhỏ lẻ, sức mua thịt heo của người tiêu dùng Quảng Nam những ngày qua giảm mạnh kể từ khi DTLCP hoành hành. Những địa phương đã có dịch thì thịt heo ế ẩm, địa phương chưa có thì cũng nơm nớp lo âu với số heo sạch đang bị đe dọa. Trong khi đó, do ngành chăn nuôi khuyến cáo người nuôi heo không nên tái đàn trong thời điểm này nên lượng heo con gần như ế ẩm, tồn đọng.
Tại chợ heo giống Bà Rén (chợ heo đầu mối lớn nhất miền Trung) chỉ còn vài người bán lẻ tẻ, không còn cảnh xe chở heo tấp nập như mọi khi. Bà Lan (trú xã Quế Xuân 2) cho biết nhà bà có 2 con heo nái con tuy nhiên đang dịch bệnh nên bà không muốn nuôi lớn. "Bây giờ mà nuôi 2 con heo này tốn công tốn của mà chưa chắc đã còn. Lỡ heo bị nhiễm dịch thì mất cả chì lẫn chài nên tôi mang ra chợ bán xem có ai muốn mua thì để lại cho họ. Tuy nhiên ra tới đây mới biết tình hình ế ẩm chung cả chợ. Không ai muốn mua heo giống vì sợ dịch bệnh. Không biết bao giờ tình trạng này mới kết thúc đây", bà Lan than thở. Còn bà Minh, một tiểu thương gắn bó với chợ gần 20 năm chia sẻ, mặc dù nguồn heo của chợ truyền thống này chủ yếu là mối lái với nhau nhưng giữa tâm bão thế này thì mua heo của mối quen cũng là mạo hiểm. "Tôi bán buôn ở đây gần 20 năm, chưa bao giờ chứng kiến đợt dịch bệnh nào lâu và phức tạp như hiện nay. Từ tháng 3 đến nay khi cả nước có dịch là đã bị ảnh hưởng rồi, nay các khu vực quanh Quế Sơn đều bị dịch, không biết chỗ chúng tôi còn an toàn đến bao giờ", bà Minh thở dài.
Không chỉ chợ heo giống mà tình hình mua bán thịt heo tại những khu chợ sầm uất cũng không tránh khỏi tình cảnh ế ẩm. Khi được hỏi về tình hình buôn bán gần đây, một chủ sạp rầu rĩ cho hay từ khi có thông tin về DTLCP cảnh chợ thịt lúc nào cũng vắng vẻ, ế ẩm, chẳng mấy người đến hỏi mua. Tại các chợ Tam Kỳ, Nam Phước… người tiêu dùng có tâm lý e dè nên đã chuyển sang sử dụng các thực phẩm khác. Trước tình hình này, một số tiểu thương phải chuyển sang bán gà, vịt, cá viên chiên, thịt bò để cầm cự.
Quảng Ngãi xuất hiện thêm 2 ổ DTLCP Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ghi nhận thêm 2 ổ DTLCP trên địa bàn 2 huyện là xã Nghĩa Kỳ, H. Tư Nghĩa với 3 con lợn của một hộ nuôi mắc bệnh và tại xã Trà Thủy, H. Trà Bồng với 5 con lợn mắc bệnh. Như vậy, tổng số ổ DTLCP được phát hiện tại tỉnh Quảng Ngãi hiện tại là 3 ổ dịch. Tỉnh Quảng Ngãi đã lập Ban chỉ đạo phòng chống DTLCP, đồng thời chỉ đạo triển khai các giải pháp khoanh vùng, dập dịch, tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức phòng bệnh cho đàn lợn, vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan ra. Trung Thành |
Nhiều khó khăn
Mức độ thiệt hại và tình hình dịch bệnh đang lan nhanh khiến những phương án kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Mặt khác, hầu hết những địa phương có lượng chăn nuôi heo lớn trên địa bàn cũng đang co cụm giữa bốn bề dịch bệnh.
Theo tìm hiểu của P.V, hiện nay tổng đàn heo trên địa bàn H. Đại Lộc là hơn 40.000 con, trong đó có 10.000 con heo nái, 10.000 con heo thịt, còn lại là heo sữa và heo choai. Với số lượng heo lớn như vậy, H. Đại Lộc đang vô cùng bất an vì các huyện lân cận như Duy Xuyên, TX Điện Bàn đều đã nhiễm dịch. Ông Lê Văn Thanh - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp H. Đại Lộc cho biết, đến thời điểm này, huyện vẫn chưa xuất hiện DTLCP, nhưng đã bị dịch bao vây nhiều phía, bởi ở các huyện, thị xã giáp ranh với Đại Lộc gồm Nam Giang, Duy Xuyên, Điện Bàn và H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã bị dịch bệnh gây hại với mức độ ngày càng nghiêm trọng. "Bình thường, mỗi ngày đêm, các điểm và cơ sở giết mổ gia súc ở Đại Lộc giết thịt khoảng 300 - 400 con heo để cung ứng ra thị trường nhưng nay đã giảm hẳn vì tâm lý e ngại của người dân", ông Thanh cho biết.
Giữa tâm dịch bệnh, UBND tỉnh Quảng Nam vừa yêu cầu Công an tỉnh chủ trì lựa chọn một số huyện có dấu hiệu khai khống, gian lận trong khai báo lợn bệnh tiêu hủy để điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật nhằm kịp thời ngăn chặn, răn đe và phòng ngừa. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các ban ngành, chính quyền địa phương cấp xã thường xuyên theo dõi, nắm tình hình diễn biến dịch bệnh để kịp thời phát hiện; chỉ đạo thực hiện tiêu hủy lợn bệnh khi có dịch xảy ra đảm bảo theo đúng quy trình và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, hạn chế lây lan dịch bệnh, không để xảy ra ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong người dân. Đặc biệt, phải giám sát chặt chẽ việc khai báo số lượng, trọng lượng lợn tiêu hủy hằng ngày, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp khai khống nhằm trục lợi chính sách, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng này trên địa bàn.
Đồng Dao