Giảng dạy về Hoàng Sa tại Đà Nẵng: Thầy và trò cùng háo hức
(Cadn.com.vn) - Ngay sau khi cuốn Lịch sử Đà Nẵng được xuất bản vào trung tuần tháng 4-2015, ngày 21-4, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng ban hành công văn hướng dẫn về việc tổ chức dạy sách này. Theo ghi nhận của chúng tôi, thầy và trò đều tỏ ra rất háo hức về "sự kiện" này.
Thầy Phạm Đình Kha, chuyên viên môn Lịch sử, đồng tác giả cuốn sách Lịch sử Đà Nẵng cho biết thông tin phản hồi từ các trường, đặc biệt là từ chính các giáo viên dạy môn Lịch sử là rất tích cực, hầu hết đều đánh giá cao nội dung, chất lượng cuốn sách và cách làm táo bạo của Đà Nẵng.
Mệnh lệnh trái tim
Sách ra mắt vào thời điểm cuối năm học, thầy và trò bận rộn cho việc ôn thi nhưng nhiều trường vẫn tổ chức dạy học Lịch sử Đà Nẵng ngay cuối học kỳ 2 năm học 2014 -2015, không chỉ theo tinh thần công văn mà còn xuất phát từ "mệnh lệnh trái tim", bởi Hoàng Sa là một phần máu thịt của Tổ quốc, luôn có vị trí trong trái tim mỗi người con dân Việt.
* "Là một công dân của Ðà Nẵng, cái tối thiểu nhất các em phải nhớ, phải hiểu về lịch sử của thành phố, đất nước mình ở những thời điểm quan trọng nhất. Từ đó các em mới có được sự tự hào, niềm tin vào Tổ quốc, niềm tin vào thành phố mình, rồi mới nói đến việc mình làm gì để bảo vệ, phát huy giá trị của cha ông đã để lại. Các em từng thấy một Hoàng Diệu, một Trần Cao Vân, Nguyễn Tri Phương... đã bỏ cả tài năng, xương máu cho đất nước này, thành phố này. Chính thế hệ các em sẽ là người nối tiếp. Còn nếu không hiểu, không nắm như vậy là vong bản, làm sao có thể tự hào về quê hương đất nước, làm sao mà gìn giữ, bảo vệ, đấu tranh được", ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, chủ biên cuốn sách Lịch sử Đà Nẵng. |
"Đây là một sự kiện mang tính thời sự nóng hổi nên khi có sách là chúng tôi chỉ đạo cho Tổ Lịch sử giảng dạy ngay trong tuần đầu tiên của tháng 5 để cung cấp cho học sinh những kiến thức về sự hình thành và phát triển của TP Đà Nẵng, đặc biệt là kiến thức về những bằng chứng lịch sử cho thấy việc thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa", thầy Trần Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Ngũ Hành Sơn, hồ hởi thông tin.
Tương tự, Trường Hoàng Hoa Thám, Trần Phú, Nguyễn Hiền... cũng tổ chức dạy học sách Lịch sử Đà Nẵng ngay trong tuần đầu tiên của tháng 5. Còn tại Trường THPT Phan Châu Trinh, thầy hiệu trưởng Trần Văn Quang, cho biết đã chỉ đạo Tổ chuyên môn Lịch sử của nhà trường triển khai kế hoạch dạy học Lịch sử Đà Nẵng ngay trong thời điểm cuối học kì 2 của năm học 2014-2015. Theo đó, đối với học sinh khối lớp 10 và 11, sẽ tổ chức dưới hình thức báo cáo ngoại khóa tại Hội trường theo từng nhóm lớp (các ngày 27-4 và 4-5-2015).
Nội dung về lịch sử Đà Nẵng nằm trong chương trình ôn tập kiểm tra cuối học kì như các bài học khác. Đối với học sinh khối lớp 12, đã hoàn thành việc kiểm tra học kì 2, thời gian còn lại từ nay đến cuối năm học giáo viên bộ môn lịch sử sẽ triển khai dạy học trên lớp, đặc biệt chú ý về vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa - một đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Đà Nẵng.
Cô Võ Thị Hiền, Tổ trưởng tổ Lịch sử Trường THPT Ngũ Hành Sơn, chia sẻ: "Lâu nay, theo phân phối chương trình vẫn có tiết dạy lịch sử địa phương, chúng tôi chủ yếu cung cấp và cho học sinh tìm hiểu về những nhân vật lịch sử người Đà Nẵng có nhiều đóng góp, hoặc những chiến công của quân dân Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, còn dạy cho học sinh kiến thức về Hoàng Sa thú thật ít người trong giáo viên lịch sử đề cập tới. Vì vậy khi nghe tin Đà Nẵng đưa Hoàng Sa vào sách giáo khoa và giảng dạy trong chương trình chính khóa, giáo viên chúng tôi hết sức vui mừng vì có tài liệu chính thống và được phép nói về một điều trăn trở từ lâu. Cuốn sách Lịch sử Đà Nẵng là một tài liệu quý, không chỉ làm cho học sinh biết yêu thêm lịch sử quê hương, đất nước mà còn trau dồi tâm thế, thái độ trách nhiệm trước chủ quyền, độc lập, tự do dân tộc".
Em Dương Nguyễn Tuệ Giang, học sinh lớp 12/29 Trường THPT Phan Châu Trinh bộc bạch: "Năm 2014, vấn đề biển Đông nóng lên khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Là một công dân của thành phố Đà Nẵng, em không thể không quan tâm đến sự kiện này. Em cảm thấy bị rối trước nhiều thông tin, nhưng việc được học và đọc sách Lịch sử Đà Nẵng em đã tự tin hơn với kiến thức về biển đảo của mình. Giờ đây em có thể đưa ra được những bằng chứng thuyết phục, những cơ sở pháp lý để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam".
Tại Trường THPT Ngũ Hành Sơn, học sinh tỏ ra rất háo hức. Em Nhã Trúc (lớp 10/9), tâm sự: "Chúng em đã được học sách Lịch sử Đà Nẵng với nhiều sự khám phá thú vị. Đây là lần đầu tiên, học sinh Đà Nẵng được biết, hiểu một cách khá đầy đủ những sự thật về Hoàng Sa".
Có thể thấy, từ lãnh đạo Sở GD-ĐT, hiệu trưởng đến thầy và trò các trường trên địa bàn thành phố đã tiếp nhận, dạy và học sách Lịch sử Đà Nẵng như một "mệnh lệnh từ trái tim".
Học sinh Trường THPT Ngũ Hành Sơn háo hức đọc sách Lịch sử Đà Nẵng. Ảnh: P.Được |
Khâm phục Đà Nẵng
Không chỉ giáo viên, học sinh háo hức với việc dạy học sách Lịch sử Đà Nẵng mà phụ huynh cũng vui mừng và đánh giá cao "sự kiện" này. Ông Nguyễn Xuân, một phụ huynh ở Q. Sơn Trà có con học ở Trường Hoàng Hoa Thám nói: "Thật vui mừng khi con tôi đi học về đưa sách Lịch sử Đà Nẵng cho tôi đọc với lời giới thiệu "hay lắm ba à".
Tôi đã đọc từ đầu đến cuối, thậm chí đọc đến 3 lần. Cuốn sách cho học sinh (và tất cả những người Việt cần quan tâm- P.V) biết thật nhiều điều bổ ích, rằng chủ quyền quốc gia đã được thể hiện lần đầu tiên trên Hồng Đức bản đồ (bản đồ được vẽ dưới thời Hồng Đức - 1470-1497, một trong hai Niên hiệu của vua Lê Thánh Tông -P.V); rằng hình thể, tên chính thức Hoàng Sa - tức Bãi Cát Vàng, được thể hiện rõ ràng bởi người Việt đầu tiên vẽ là Đỗ Bá vào thế kỷ XVII".
Thầy Hà Văn Thịnh, giảng viên khoa Lịch sử Trường ĐHKH Huế cũng rất quan tâm đến "sự kiện" này. Thầy Thịnh đã "nghiền ngẫm" kỹ sách Lịch sử Đà Nẵng và cho biết, đọc sách Lịch sử Đà Nẵng, đặc biệt là 21 trang lịch sử Hoàng Sa, ta thấy dường như mỗi dòng chữ đều buốt đẫm sự day dứt của con tim, sự nhọc nhằn của suy ngẫm về vùng biển đảo máu thịt của Tổ quốc hiện đang nằm dưới sự chiếm đóng bất hợp pháp của nước láng giềng phương Bắc. "Từ góc nhìn một giảng viên sử, tôi nhận thấy cuốn sách thể hiện sự công phu, chỉn chu trong cách sưu tầm, thẩm định tư liệu, đánh giá và nhận xét một vấn đề đặc biệt phức tạp", thầy Thịnh nhận xét.
Bình luận về việc dạy và học sách Lịch sử Đà Nẵng, thầy Thịnh cho rằng huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng lần đầu tiên lên sách giáo khoa - hi vọng sẽ mở đầu cho dòng thác của Đà Nẵng nói riêng và toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
"Xin cảm ơn nhóm tác giả cuốn sách, xin gửi tới ông Lê Trung Chinh, cựu giáo viên dạy Toán - Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng sự tri ân vì đã làm được điều mà nhiều người khác không thể", thầy Thịnh bày tỏ.
Phạm Được