“Giang hồ mạng”-Những kẻ “vằn vện” ưa diễn tuồng!

Thứ hai, 17/08/2020 22:00

Mượn danh “chính nghĩa” để đánh người rồi xin lỗi, rao giảng đạo lý, khoe tiền, phá của... không rõ những nội dung có trong video là quay dựng hay thật nhưng chúng chứa đầy những hình ảnh bạo lực của các “giang hồ mạng” vẫn tràn lan trên các trang mạng XH.

“Giang hồ mạng” nhân danh “anh hùng” ngang nhiên đập phá tài sản của người khác.

Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt những “hiện tượng” gồm toàn các dân chơi, “đại ca giang hồ” hoặc đại gia lắm tiền nhiều của... thường xuyên quay clip, livestream những nội dung đậm chất giang hồ, nhưng lại được không ít người tung hô, trở nên nổi tiếng và “hái ra tiền”. Nhưng không ít những cái tên nổi tiếng đã phải ra hầu tòa vì những sai phạm của mình.

Chắc hẳn nhiều người vẫn chưa quên đối tượng Khá “bảnh” tên thật là Ngô Bá Khá (1993, trú tỉnh Bắc Ninh), bị bắt vào năm 2019 vì tội: “Đánh bạc” và “Tổ chức đánh bạc”. Trước khi sa vào lưới pháp luật, Khá “bảnh” từng được gọi là “Idol” của giới trẻ khi liên tục đăng tải những clip dạy đàn em không đánh bạc, dạy đạo lý, cách sống. Khá “bảnh” cũng từng tung đoạn phim ngắn dài gần 10 phút do Bảnh và anh em “số má” tự đóng với cái tên “Tình anh em”.

Hay mới đây nhất, chiều ngày 6-8, Phòng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội đã bắt giữ vợ chồng Lê Văn Phú (biệt danh Phú Lê, 40 tuổi, trú Q. Hà Đông, Hà Nội) và Lã Thúy Kiều (35 tuổi) để làm rõ hành vi: “Cố ý gây thương tích”. Điều đáng nói là Phú Lê đang là một nhân vật “có tiếng” trên mạng YouTube khi sở hữu kênh với gần 2 triệu lượt theo dõi. Một số MV ca nhạc, phim ngắn do Phú Lê tham gia hát và diễn xuất thu hút hàng triệu lượt xem. Ngoài ra, Phú Lê còn nổi tiếng là người có mối quan hệ với các “giang hồ mạng” khác như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Dũng Trọc Hà Đông...

Đã có thời điểm, những video clip của các giang hồ “cộm cán” này đã trở thành một trào lưu lan nhanh như một cơn lốc và rất đông thanh thiếu niên đua nhau chia sẻ, học theo những lời lẽ tục tĩu của nhân vật chính trong clip khiến nhiều phụ huynh e ngại. Ông Nguyễn Văn Vĩnh (43 tuổi) cho biết: “Cần có những biện pháp quản lý và răn đe, kiểm soát tình trạng này, chứ như vậy có khi lại dẹp được cái bọn giang hồ mạng này lại nổi lên bọn khác... như vậy những người có con em sử dụng điện thoại như tôi, thấy lo lắng lắm”.

Năm 2019 là năm bùng nổ của “giang hồ mạng” nhưng có vẻ không phải là năm may mắn với các giang hồ khi lần lượt từng đối tượng kể trên, vì những hành vi vi phạm pháp luật xuất phát từ lối sống lệch lạc, sa đọa của bản thân đã vướng vòng lao lý và bị cơ quan chức năng bắt giữ. Đến năm 2020, thế hệ “giang hồ mạng” mới đã có những “chiêu trò” mới, thu hút được người xem bằng việc dùng bạo lực dưới danh nghĩa “anh hùng” hành hiệp trượng nghĩa.

Thực tế, các nội dung này được học theo một nhân vật hư cấu có tên Vương Hải Long được cộng đồng mạng Trung Quốc tạo ra từ năm 2018. Tại Trung Quốc, Vương Hải Long nổi lên như một hiện tượng bởi các video cổ súy dùng bạo lực làm việc nghĩa hiệp bất chấp luật pháp. Vì vậy, nhiều kênh YouTube tại Việt Nam đã dịch lại những video của nhân vật này và về sau có nhiều kênh đã bắt chước để giờ đây hình thành nên một “giang hồ mạng” kiểu mới, đội lốt “anh hùng” để phô trương thân thế.

Cụ thể, trên kênh YouTube T.C.Chép, D.Ka... những nhân vật chính và nội dung trong những video được đăng tải bắt chước theo phong cách “hành hiệp trượng nghĩa”, chủ yếu sử dụng bạo lực để đòi lại “công bằng” cho người yếu thế. Rất nhiều video được đăng tải đạt số lượt xem rất cao, như video với tiêu đề giật gân “Phanh nhau với 4 tên côn đồ quấy rối em gái bán quần áo” đã đạt tới 11 triệu lượt xem...

Khác với những giang hồ mạng thời trước chỉ có những nội dung dạy đạo lý hay khoe tiền, khoe của. Nội dung của các kênh này, hầu hết là những video có cảnh dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Bên cạnh đó, những từ ngữ thô tục liên tục được dùng dù đã được làm biến dạng, các cảnh đánh nhau được bôi mờ. Dù là thật hay diễn, người xem vẫn có thể cảm nhận được sự hung hăng của các nhân vật khi “hành hiệp trượng nghĩa”.

Điều đáng nói, cách nhóm người này “hành hiệp trượng nghĩa” không phải dùng lý lẽ hay báo cáo sự việc cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật. Họ chỉ dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Ngoài ra, nếu những video này là thật, nhóm người này còn vi phạm pháp luật khi phá hoại tài sản và xâm nhập gia cư bất hợp pháp.

HOÀI SƠN