Giáo dục đại học Việt Nam: Chất lượng gắn liền với xu thế phát triển của thế giới

Thứ sáu, 23/10/2015 05:55

(Cadn.com.vn) - Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về "Tổng kết năm học 2014-2015, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2015-2016 khối đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ)" do Bộ GD-ĐT tổ chức trực tuyến tại 6 điểm cầu: Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ ngày 22-10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: "Trong xu thế hội nhập hiện nay, giáo dục đại học (GDĐH) của Việt Nam nhất định không thể đứng ngoài cả về hệ thống lẫn khung chương trình. Theo đó, GDĐH Việt Nam phải theo xu thế thế giới và phải đảm bảo chất lượng đào tạo...".

Đại biểu đầu cầu Đà Nẵng phát biểu ý kiến.

Cần điều chỉnh, quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ

Trong 4 nhiệm vụ trọng tâm đề ra cho khối ĐH, CĐ thực hiện trong năm học 2015-2016, vấn đề cơ cấu lại hệ thống ĐH, CĐ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực được Bộ GD-ĐT nhấn mạnh đầu tiên. Theo đó, việc  điều chỉnh quy hoạch mạng lưới cơ sở GD ĐH phải phù hợp với các quy định mới của Luật Giáo dục Nhà nước, căn cứ trên thực tế nhu cầu học tập của người dân và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trong đó, chú trọng quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo sư phạm, các trường ĐH sư phạm trọng điểm; tiếp tục chuyển đổi các trường ĐH dân lập sang mô hình tư thục theo quy định của Luật GD ĐH; hạn chế tối đa việc nâng cấp và thành lập mới các trường ĐH, CĐ công lập... Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp cùng với các Bộ, ngành, UBND các địa phương có cơ sở đào tạo trực thuộc gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh để cơ cấu lại hệ thống các trường theo các hướng: Chuyển đổi ngành đào tạo, giải thể, sáp nhập, chuyển cơ sở đào tạo thành phân hiệu các trường ĐH có uy tín... nhằm để sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư và đội ngũ giảng viên, giảm thiểu các cơ sở không đảm bảo chất lượng, góp phần đào tạo nhân lực có chất lượng, phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động trong thời gian tới...

Các ý kiến đóng góp của đại biểu tập trung vào các nội dung liên quan đến các vấn đề: Cần quy hoạch hệ thống trường sư phạm (SP) một cách hợp lý; nâng chất lượng đào tạo ĐH và sau ĐH, đặc biệt là chất lượng đào tạo tại các trường ĐHSP; cần tập trung phát triển hệ thống trường sư phạm gắn với chương trình GD phổ thông, quy định rõ trách nhiệm của trường phổ thông trong việc nhận SV thực tập; Hoạt động kiểm định nên tập trung theo chuẩn Quốc tế để kiểm soát đầu ra theo mặt bằng chung của từng ngành; tăng cường tính tự chủ cho các ĐH; cần làm rõ hơn việc phân tầng ĐH; giảm số lượng trường công lập để tăng số lượng các trường ngoài công lập nhằm làm tốt công tác xã hội hóa trên lĩnh vực này. Bộ GD-ĐT sớm ban hành chuẩn giảng viên ĐH, CĐ; đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành dự báo nhu cầu sử dụng lao động để các trường chủ động hơn trong công tác đào tạo.

Liên quan đến công tác thi và tuyển sinh, hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao hiệu quả của việc đổi mới trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua và cho rằng, cần tiếp tục áp dụng hình thức thi này trong các mùa thi tiếp theo. Bởi lẽ, việc tổ chức kỳ thi "2 trong 1" này đã góp phần giảm được áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội, góp phần thực hiện phân luồng, hướng nghiệp, khắc phục tâm lý thi cử nặng nề... Tuy nhiên, nên rút kinh nghiệm và có những thay đổi về cấu trúc đề thi đối với môn ngoại ngữ. Về công tác tuyển sinh, đa phần ý kiến đều cho rằng còn tồn tại một số bất cập, hạn chế cần được tổ chức riêng để đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm làm tốt hơn trong mùa thi sau. PGS-TS Hoàng Hữu Hòa- Trưởng Ban Khảo thí ĐH Huế- cho rằng, xảy ra một số trường lộn xộn trong công tác tuyển sinh vừa qua đã cho thấy chủ trương của Bộ GD-ĐT chưa lưu ý đến việc định hướng nghề nghiệp cho thí sinh, chỉ chú trọng làm sao để các em đều được vào ĐH. Cũng theo PGS-TS Hoàng Hữu Hòa, Bộ GD-ĐT cần điều chỉnh lại chế độ cộng điểm ưu tiên vì có những đối tượng cộng điểm quá nhiều, gây nên bất công cho các thí sinh khác...

Học sinh, sinh viên TP Đà Nẵng tham gia chương trình Giờ Trái đất. Ảnh minh họa

Giáo dục ĐH Việt Nam phải theo xu thế thế giới

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực mà ngành GD nói chung, đặc biệt khối ĐH, CĐ đã thực hiện trong năm học vừa qua đúng theo tinh thần NQ Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện GD. Từ các ý kiến phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng đề nghị: Tới đây, ngành GD-ĐT nên có những cuộc làm việc nghiêm túc để bàn bạc cụ thể từng vấn đề: thi cử, tự chủ, phân tầng xếp hạng...

Trên cơ sở khẳng định việc ngành GD-ĐT đã đi đúng hướng, cần làm mạnh hơn trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD-ĐT cần khẩn trương làm các thủ tục cần thiết để trình Thủ tướng nội dung về hệ thống giáo dục Quốc dân, tiếp đó sớm ban hành khung trình độ Quốc gia theo xu hướng Quốc tế. Đối với vấn đề tự chủ ĐH, Phó Thủ tướng cho rằng, tự chủ ĐH là xu thế, không thể khác hơn được. "Thay vì đề nghị có lộ trình phù hợp, các trường hãy đề nghị tự chủ ĐH theo hướng có cơ chế đặc thù phù hợp từng trường... Tự chủ ĐH không chỉ có vấn đề tài chính, mà còn cả ở tổ chức, nhân sự... Chính vì thế, phải có đề án xây dựng cụ thể trên cơ sở phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Không nên hiểu cực đoan  tự chủ là các trường tự làm hết, Nhà nước buông tay... Đây là quyền lợi của các trường ĐH...", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thủ tướng, việc phân tầng xếp hạng GDĐH là để biết các trường đang đứng ở đâu trong khu vực và thế giới. Theo đó, các trường đừng lấy đặc thù riêng của Việt Nam làm chính mà phải lấy xu thế thế giới làm chính. Trong xu thế hội nhập hiện nay, GDĐH nhất định không thể đứng ngoài cả về khung chương trình, hệ thống.

Liên quan đến vấn đề thi và tuyển sinh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng không nên ấn định gì vội (kể cả ngày thi như dự định của Bộ), mà điều quan trọng là cần khẳng định với nhân dân rằng: "Nhất định kỳ thi năm tới phải kế thừa cái được của năm nay, khắc phục cái còn hạn chế để đảm bảo được tính trung thực, công bằng, ngày càng nhẹ nhàng hơn cho nhân dân. Thi phải riêng và tuyển sinh phải riêng. Theo đó, tuyển sinh ĐH phải trên tinh thần tự chủ. Các ĐH phải nâng cao quyền tự chủ của mình. Bộ GD-ĐT chỉ ra những quy định tối cần thiết, không đi vào quá chi tiết. Chỉ cần làm sao đảm bảo được tính công bằng cho HS và tôn trọng quyền tự chủ của các trường. Suy cho cùng, GD phải lấy chất lượng làm đầu. Phải làm sao đào tạo kỹ sư phải ra kỹ sư,  thạc sĩ phải ra thạc sĩ, tiến sĩ phải ra tiến sĩ. Nếu chúng ta làm được như vậy thì kinh tế - xã hội sẽ phát triển, việc làm sẽ nhiều hơn. Quan trọng là phải có thật nhiều thầy đúng thầy, thật nhiều thợ đúng thợ thì đất nước sẽ phát triển", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

P.Thủy