Giáo dục nghề nghiệp-Làm gì để đáp ứng xu hướng lao động toàn cầu?

Thứ hai, 22/06/2020 19:50

Trong hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục nghề nghiệp là bậc học có vị trí rất quan trọng, có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Hiện nay, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước phát triển khá đồng bộ, đa dạng cả về trình độ và ngành nghề đào tạo. Bối cảnh nền kinh tế số, sự thay đổi của thị trường lao động và xu thế dịch chuyển lao động trên phạm vi toàn cầu đang đòi hỏi các cơ sở đào tạo nghề nỗ lực đổi mới, nâng chất lượng đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế, đáp ứng thị trường lao động.

Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước hiện đã phát triển khá đồng bộ, đa dạng cả về trình độ và ngành nghề đào tạo.

Tác động của EVFTA

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn, sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8 tới.

Từ khía cạnh nguồn nhân lực và thị trường lao động, các chuyên gia dự báo Hiệp định này mở ra cơ hội phát triển thị trường lao động và cũng tạo ra những thay đổi, dịch chuyển mới... Cụ thể, theo thông tin từ Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), yêu cầu phát triển sản xuất sẽ làm gia tăng khoảng 18.000-19.000 việc làm tại Việt Nam mỗi năm trong giai đoạn 2021-2030. Cùng với nhiều cơ hội việc làm mới, nhờ tác động của EVFTA, giai đoạn 2020-2035, mức lương bình quân của lao động Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 3%. EVFTA sẽ tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi, nhưng đồng thời cũng mang đến nhiều thách thức mới cho thị trường lao động Việt Nam. Do đó, nếu không chủ động nắm bắt, lao động trong nước không đáp ứng yêu cầu về tay nghề chuyên môn, các kỹ năng mềm..., cơ hội việc làm sẽ thuộc về các lao động đến từ nước ngoài.

Theo bà Trần Thị Thu Hà - Phó Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, có một thực trạng hiện nay ở nước ta là một số học sinh tốt nghiệp THPT, THCS đã không chọn học nghề mà tham gia ngay vào thị trường lao động, làm các công việc giản đơn. Do thiếu kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp nên số lao động này dễ rơi vào tình trạng thu nhập thấp và việc làm bấp bênh. Thậm chí, có những người đã cống hiến sức trẻ cho các ngành nghề lao động giản đơn, thu nhập thấp, đến khi độ tuổi trung niên lại mất việc do không có trình độ, kỹ năng để đáp ứng đỏi hỏi ngày càng cao của sản xuất, kinh doanh. Không lựa chọn nghề nghiệp đúng hoặc không học tập để có kỹ năng nghề nghiệp sẽ gây lãng phí lớn cho chính người học, gia đình và xã hội.

Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) thẳng thắn nhìn nhận: Hiện nay còn tình trạng nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo nghề hoặc người lao động chưa có đủ kỹ năng vào làm việc. Vì vậy, theo ông, trong tương lai gần, các danh nghiệp bắt buộc phải sử dụng lao động đã qua đào tạo để đảm bảo chất lượng lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho lao động Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế.

Xu hướng lao động toàn cầu

Theo thông tin từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tiếp cận với chuẩn chất lượng của khu vực ASEAN và thế giới, thực hiện Đề án "Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế" theo Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 28-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ, hiện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã hoàn thành việc chuyển giao 34 bộ chương trình đào tạo các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, trong đó có 12 bộ chương trình chuyển giao từ Australia và 22 bộ chương trình chuyển giao từ Đức.

Vào học theo các chương trình này ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao ngay tại Việt Nam, người học được trang bị toàn bộ năng lực, kỹ năng nghề nghiệp theo chuẩn quốc tế, bằng đạt chuẩn quốc tế, được quốc tế công nhận. Điều này tạo điều kiện cho lao động Việt Nam có cơ hội việc làm rộng mở hơn, nhanh chóng thích ứng với thị trường lao động cả trong nước và quốc tế. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 Nguyễn Khánh Cường cho biết: Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế để thực hiện các chương trình đào tạo cho các cấp trình độ của giáo dục nghề nghiệp, đến thời điểm này, Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (đóng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đã có 7 ngành nghề đào tạo đạt chuẩn trình độ theo tiêu chuẩn của Đức. Sau khi tốt nghiệp, có chứng chỉ tiếng Đức, người lao động có thể xin visa và sang Đức làm việc. Sau khi sang Đức, các lao động sẽ có 3-6 tháng học để hội nhập và sau đó làm chính thức tại doanh nghiệp.

Thanh Trà

Gần 5.000 học sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp

Các em học sinh tìm hiểu ngành nghề mình yêu thích.

Sáng 21-6, chương trình "Tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp năm 2020'' do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ- TB- XH) tổ chức tại TP Đà Nẵng đã thu hút gần 5.000 học sinh các trường THPT trên địa bàn thành phố tham gia.

Tại ngày hội, Bộ GD-ĐT thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020; xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2020. Ngoài ra, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thông tin đến học sinh về thị trường lao động trong những năm tới để thí sinh định hướng, chọn lối đi sau tốt nghiệp THPT. Trong buổi tư vấn có hơn 20 gian tư vấn của các trường đại học, cao đẳng, với nhiều chuyên gia cung cấp thông tin, giải đáp mọi thắc mắc của thí sinh về tuyển sinh, chọn ngành nghề, học phí, học bổng... của từng trường.

Diệu Huyền- Đình Dũng