Giáo dục nhân cách học sinh từ những hoạt động thiết thực
(Cadn.com.vn) - Không chỉ lấy tấm gương để giáo dục phẩm chất đạo đức, nhân cách học sinh (HS), mà còn bằng nhiều hoạt động giáo dục cụ thể, nhà trường, giáo viên đã giúp các em HS dần hoàn thiện hơn về nhân cách, về lối sống của mình. Và hơn hết, giúp HS có một niềm tin tốt đẹp vào cuộc sống hiện tại, sống có ý nghĩa và biết chia sẻ với mọi người xung quanh.
Những câu chuyện về lòng trung thực
Liên tiếp những hành động trung thực, trong sáng của HS Trường THCS Lý Thường Kiệt (xã Cẩm Kim, TP Hội An, Quảng Nam) khi tình cờ nhặt được của rơi trả lại người mất đã khiến thầy cô, bạn bè các trường trên địa bàn tỉnh hết sức nể phục. Theo lãnh đạo Trường THCS Lý Thường Kiệt, ngay trong năm học 2014-2015, liên tiếp 7 học sinh nhà trường đã tình cờ nhặt được nhiều tài sản có giá trị tiền, vật chất của người đánh mất và đã nhanh chóng tìm đến cơ quan công an cũng như chủ nhân tài sản để trao trả mà không nhận một khoản tiền trả ơn nào.
Tự hào về những học sinh yêu quý của mình, thầy Nguyễn Xiêm - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt (xã Cẩm Kim, Hội An, Quảng Nam), kể: "Đầu học kỳ 2 năm học 2014-2015, trên đường đi chơi ở Hội An, 5 nam sinh gồm Huỳnh Kim Kỳ, Trương Văn Khánh, Dương Phú Hải, Ngô Đình Hiếu và Huỳnh Ngọc Hưng (lớp 9/2) đã nhặt được một chiếc ví, bên trong có hơn 24 triệu đồng tiền mặt, 100 USD, 100 đô la Australia cùng nhiều giấy tờ quan trọng.
Không chút do dự, 5 em đã nhanh chóng tìm đến trụ sở CATP Hội An trình báo vụ việc, nhờ liên hệ với người bị mất trao trả nguyên vẹn số tài sản này. Cũng như 5 em HS trên, trong học kỳ 2 này, hai em Lê Thị Trà và Võ Thị Bích (lớp 6/2) trên đường đi học về nhặt được chiếc bóp bên trong có 6 triệu đồng và đã đến UBND xã Cẩm Kim trình báo để trả lại cho chủ nhân".
Điều đáng nói, hoàn cảnh gia đình của các HS này hết sức khó khăn nhưng vẫn giữ được tấm lòng trong sáng. Chính mỗi hành động, nghĩa cử cao đẹp của các em là một bài học sinh động, cụ thể, thiết thực về đạo đức, nhân cách cho các thế hệ HS. Bởi nói như thầy giáo Nguyễn Xiêm, không có bài học giáo dục đạo đức, nhân cách cho HS nào bằng việc lấy nhân cách đạo đức người thầy giáo, của chính mỗi HS.
Chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác giáo dục phẩm chất, đạo đức HS tại nhà trường, thầy Xiêm nói: "Đây là kết quả từ quá trình nhà trường đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực", triển khai thực hiện thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, không chỉ đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên mà còn triển khai linh hoạt cho HS với những việc làm cụ thể, thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn, giáo dục tư tưởng, đạo đức và nhân cách sâu sắc.
Từ đó, giúp các em tự nhìn lại những việc làm của mình, hình thành suy nghĩ, thiết lập hành động, hành vi đúng đắn, dần hoàn thiện nhân cách, lối sống. Qua đó, tạo cơ hội cho các em học hỏi, rèn luyện, tích cực tham gia các hoạt động mang ý nghĩa cộng đồng, xã hội, hình thành nếp sống biết đồng cảm, biết chia sẻ với mọi người chung quanh và hơn hết là sống tốt, sống có ý nghĩa, sống có niềm tin về cuộc sống hiện tại. Bên cạnh đó, tạo điều kiện phát triển, hoàn thiện nhân cách cho đội ngũ giáo viên trở thành gương sáng cho HS noi theo.
HS Trường THPT Lê Hồng Phong tham gia lao động dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm. |
Bài học nhân cách từ lao động công ích
Ngoài việc triển khai hoạt động dạy học văn hóa theo đúng chương trình, các trường trên địa bàn Quảng Nam còn triển khai nhiều hoạt động ngoài giờ, vừa giúp HS tránh xa các trò chơi vô bổ, bạo lực, vừa phát triển các kỹ năng sống, sống có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Theo kinh nghiệm của Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (H. Điện Bàn, Quảng Nam) và Trường THPT Lê Hồng Phong (H. Duy Xuyên, Quảng Nam), định kỳ hằng tháng hay vào các dịp có ngày lễ lớn của địa phương và cả nước, nhà trường phát động giáo viên, HS tham gia các hoạt động công ích tại địa phương. Trong đó, ngoài việc tham gia bảo vệ, chăm sóc, dọn vệ sinh các khu di tích, nghĩa trang liệt sĩ…, giáo viên, HS còn tích cực tham gia lao động chỉnh trang khuôn viên trường học, dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm.
Thầy Ngô Văn Nhớ - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, bày tỏ: "Việc tổ chức cho HS tham gia lao động vệ sinh môi trường khu vực trường học cũng như các địa điểm công ích là một trong những bài học giáo dục đạo đức, kỹ năng sống hiệu quả mà nhà trường triển khai trong thời gian qua. Tham gia hoạt động này, các em không chỉ góp phần lớn vào việc bảo vệ, gìn giữ cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, mà còn giúp các em thu nhận được nhiều bài học bổ ích cho bản thân. Thông qua các hoạt động thực tế, giáo viên và HS được trải nghiệm cùng nhau, từ đó tình cảm thầy trò ngày càng gắn bó mật thiết".
Nhà giáo ưu tú Trần Cang - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong, chia sẻ: "Việc nhà trường đẩy mạnh các hoạt động giáo dục đạo đức cho HS là một trong những giải pháp hiệu quả giáo dục HS chậm tiến, giảm bớt số lượng HS vi phạm nội quy trường, nội quy lớp học. Thông qua các hoạt động giáo dục cụ thể và đầy ý nghĩa đó, nhà trường giúp HS xây dựng nếp sống, nếp nghĩ đúng đắn cho bản thân, hình thành lối sống lành mạnh, hành vi đạo đức trong sáng, lễ phép với thầy cô, người lớn tuổi, thân ái, chia sẻ với bạn bè, người thân…".
Khải Minh