Giáo dục nhìn từ góc độ phụ huynh

Thứ ba, 15/08/2017 14:29

Chúng ta thường nghe cụm từ "kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội" khi đề cập đến việc giáo dục học sinh, nhất là học sinh các cấp phổ thông. Và cũng không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng đến từ các bậc phụ huynh trong việc giúp cho con em mình trở thành những con ngoan trò giỏi. Tuy nhiên,  cũng cần tránh quan niệm sai lầm của một số người cho rằng, việc giáo dục học sinh chủ yếu là trong môi trường học đường, từ đó có tư tưởng "khoán trắng", phó mặc chuyện dạy dỗ con em mình cho thầy cô giáo, còn bản thân thì chỉ lo chu cấp, nhiều khi là rất đầy đủ, cho mọi nhu cầu về vật chất của con cái.

Để các em trở thành con ngoan trò giỏi, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường đóng vai trò quyết định (hình minh họa). Ảnh: VNN

Thực tế cho thấy, học trò ngoan hay hư không thể không đề cập đến vai trò của phụ huynh. Cách nuôi dạy, cư xử giữa các thành viên và với những người xung quanh, thậm chí là loại hình kinh doanh của gia đình mỗi học sinh cũng tác động đến thái độ và hành vi của các em trong trường học. Cha mẹ thiếu sự quan tâm, giám sát nghiêm túc và chăm sóc con, nghiêm trọng hơn nữa là để các em thường xuyên chứng kiến những cách cư xử bạo lực và lời nói khiếm nhã trong gia đình, sẽ ảnh hưởng đến nếp suy nghĩ còn rất ngây thơ của các em. Nhìn chung, nếu người lớn không giám sát cẩn thận, các em rất dễ trở thành nạn nhân hay là người gây ra các hành vi vô kỷ luật, phạm pháp…

Không khó đánh giá, nhìn nhận học sinh được cha mẹ chăm lo quan tâm đến con em mình đến mức nào, đơn giản nhất là chuyện họp phụ huynh. Một năm thường chỉ có 4 lần họp phụ huynh mà cả cha lẫn mẹ đều vắng mặt, hoặc "cố gắng" lắm thì nhờ người nhà, thậm chí nhờ người khác đi họp thay, thử hỏi làm sao gọi là quan tâm đến chuyện con cái học hành, học lực, hạnh kiểm ra sao?

Một hiện tượng cũng cần được quan tâm nữa là việc cha mẹ để con em mình, dù chưa đến tuổi được đi xe máy nhưng vẫn đi xe máy đến trường, thậm chí còn bỏ tiền mua những chiếc xe xịn" cho con. Con không đội mũ bảo hiểm cũng không quan tâm nhắc nhở, thậm chí bản thân ba mẹ chở con đi mà cũng phạm luật. Vậy mà khi bị cảnh sát giao thông hoặc nhà trường xử lý thì lại vin vào lý do do bận làm ăn, mải công tác… nên không để ý chuyện con cái mình vi phạm Luật An toàn giao thông.

Một chuyện nhỏ mà không nhỏ nữa là thỉnh thoảng vẫn bắt gặp tại những quán Internet, tờ mờ sáng mà còn thấy các em miệt mài trước màn hình để chơi game. Chứng tỏ các em đã không hiện diện ở nhà cả đêm mà cha mẹ cũng thiếu quan tâm. Hoặc có trường hợp các em "đi học" từ rất sớm tại các… tiệm Internet. Đó còn là hiện tượng các em nữ sinh lớp cuối cấp phổ thông trang điểm khá kỹ càng khi đến trường. Ở lứa tuổi đáng ra là biểu hiện của sự hồn nhiên, trong trắng lại có những em được cha mẹ "bật đèn xanh" cho nhuộm tóc đủ màu, tỉa lông mày, đánh phấn, tô son, xức nước hoa… Đó là chưa kể các em mặc những bộ trang phục không hợp chút nào với lứa tuổi học trò khiến thầy giáo trẻ khi gọi các em lên bảng phải… đỏ mặt.

Rõ ràng là các em thiếu sự bảo ban, sự giáo dục nghiêm khắc của cha mẹ. Tuy nhà trường nào cũng có biện pháp giáo dục nhưng vai trò của phụ huynh là rất quan trọng. Có những vị phụ huynh nghĩ đơn giản là con mình đã lớn, nên để nó tự do, cho "bằng chị bằng em". Điều đó thật là sai lầm, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những "mối tình học trò", là chuyện rủ nhau dùng thuốc lắc, hút shisa, đi vũ trường, đánh nhau, trấn lột, vi phạm luật giao thông…

Qua đây cho thấy, biện pháp giáo dục, ngăn ngừa các em sa ngã, hư hỏng hữu hiệu nhất là phụ huynh phải thường xuyên liên lạc với giáo viên chủ nhiệm, giám thị và nhà trường để theo dõi quá trình học tập và sinh hoạt của con em mình tại trường. Gia đình, phụ huynh cần lưu ý các biểu hiện khác lạ của con em mình, không thể dựa hoàn toàn vào giáo viên chủ nhiệm, vào giám thị, vào hiệu trưởng và các thầy cô khác.

Có thể khẳng định, phụ huynh đóng vai trò rất quan trọng trong việc dạy bảo, giáo dục để các em nên người. Đã đến lúc cùng với nhà trường, các bậc phụ huynh phải cùng vào cuộc để  tham gia giáo dục, định hướng cho các em trở thành những con ngoan trò giỏi, những công dân tốt của đất nước, hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả tiêu cực do thiếu sự uốn nắn, chỉ bảo kịp thời của  người lớn.

 DÂN HÙNG