Giáo dục phải là thành trì vững chắc!

Thứ sáu, 01/06/2018 09:31

Trong những ngày vừa qua, vụ bạo hành trẻ em xảy ra tại nhóm trẻ độc lập tư thục Mẹ Mười (NTĐLTT, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) gây bức xúc dư luận. Vì lẽ đó, tại buổi tọa đàm “Văn hóa giao tiếp ứng xử của người Đà Nẵng” dưới sự chủ trì của Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng, liên quan đến vấn đề văn hóa giao tiếp ứng xử trong học đường đã được tách thành chủ đề riêng với nhiều ý kiến đóng góp hết sức tâm đắc, đầy trăn trở.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng -  Đặng Việt Dũng phát biểu tại buổi tọa đàm. 

Giáo dục phải là thành trì vững chắc!

 Đề cập đến thực trạng đáng báo động về văn hóa ứng xử trong trường học xảy ra thời gian qua, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ngành giáo dục cả nước, trong đó có Đà Nẵng với vụ bạo hành xảy ra gần đây nhất tại NLĐLTT Mẹ Mười, ông Ngô Ngọc Hoàng Vương - Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TP - cho rằng: Không thể phủ nhận nguyên nhân chủ quan xuất phát từ phía nhà trường, từ phía người dạy. Bên cạnh đó còn phải kể đến nguyên nhân khách quan bởi tác động của quá trình hội nhập quốc tế, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, đặc biệt là sự tác động quá mạnh mẽ của các yếu tố bên ngoài nhà trường đến quá trình hình thành nhân cách của học sinh (HS). “Tự ngàn xưa cho đến nay, hiếm có một ngôi trường, một người thầy nào dạy học trò mình ứng xử thiếu văn hóa. Vì thế, những người làm công tác giáo dục cần lắm một môi trường xã hội bên ngoài nhà trường thực sự lành mạnh, sự quản lý xã hội một cách chặt chẽ, đặc biệt là sự gương mẫu của ông bà, cha mẹ, những người xung quanh”, ông Vương trăn trở.

 “Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng giáo dục nêu gương. Thời gian qua, chúng ta đã ý thức sâu sắc, đã cố gắng rất nhiều trong việc tuyên truyền, nêu gương người tốt việc tốt và đã tạo được hiệu ứng tốt đẹp như hiến tạng, các chương trình thiện nguyện… Tuy nhiên, việc tuyên truyền này vẫn còn quá mờ nhạt so với các nội dung cướp, hiếp, giết, những phát ngôn thiếu chuẩn mực… Vì thế, cần chú trọng nhiều hơn nữa công tác tuyên truyền, biểu dương người tốt, việc tốt, những tấm lòng nhân ái, những hành động đẹp để định hướng giá trị sống tốt đẹp cho HS”, ông Vương bày tỏ thêm.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng, đúng là khi nói đến vấn đề giáo dục HS thì phải gắn kết 3 mối quan hệ: Nhà trường- Gia đình- Xã hội. Tuy nhiên, trách nhiệm trước hết vẫn phải từ nhà trường. Theo đó, thầy cô giáo phải là người nêu gương trước và phải thực sự là những người có trình độ. Vụ bạo hành tại NLĐLTT Mẹ Mười vừa qua là minh chứng, đồng thời cho thấy trình độ nghiệp vụ sư phạm của những người làm công tác chăm sóc trẻ là có vấn đề. 

Đồng tình ý kiến ông Ngô Ngọc Hoàng Vương về việc môi trường xã hội tác động mạnh mẽ môi trường học đường cũng như quan điểm của ông Đặng Việt Dũng về yếu tố nêu gương của người thầy, tuy nhiên nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP -  cho rằng: Thầy giáo, cô giáo cũng cần được có những tấm gương sáng của lãnh đạo các cấp để học tập, làm theo. Cũng theo ông Tiếng, mối quan hệ giữa môi trường học đường và môi trường xã hội là rất rõ rệt. Tuy nhiên, nói gì thì nói, “trước hết, môi trường học đường phải tự xác định cho mình một thành trì. Thậm chí là thành trì cuối cùng nếu như xã hội băng hoại đến mức không thể chấp nhận được thì chỗ còn lại để môi trường văn hóa tồn tại và phát triển chính là học đường”. Ông Tiếng đơn cử, trong thời kỳ đất nước bị chia cắt, Đà Nẵng nằm trong vùng địch tạm chiếm, đời sống Mỹ hóa, nhưng vẫn không thể phá vỡ được thành trì trong trường học. Theo đó, trường học bao giờ cũng là điểm sáng về văn hóa ứng xử. Nhà trường phải trở thành một thành trì để bảo vệ văn hóa, để phát triển...

Ông Tiếng cũng đồng tình ý kiến cần lan tỏa, tuyên truyền nhiều hơn để cái đẹp lấn át, “đè bẹp” cái xấu. Theo đó, ngoài những câu chuyện đáng buồn trong học đường hiện nay, vẫn còn rất nhiều tấm gương sáng trong ứng xử văn hóa ở trường học như giúp đỡ bạn, thầy cô yêu mến HS, HS yêu mến kính trọng thầy cần được tuyên truyền sâu rộng. Vì vậy, ông Tiếng mong Ban Tuyên giáo và các cơ quan truyền thông cần phối hợp để xây dựng các thước phim, bài viết ca ngợi những tấm gương sáng về ứng xử văn hóa trong học đường.

“Thường làm điều xấu, điều ác thì có thể theo bản năng mà bắt chước là chính. Phim đánh nhau nhiều khi chiếu rộng rãi trở thành “mô hình” học tập, phải hết sức cảnh giác điều này. Còn làm điều tốt, điều thiện thì bao giờ cũng phải nỗ lực, phải là sản phẩm của một nền giáo dục. Vì thế, vai trò của học đường trong vấn đề này vô cùng lớn. Phải kết hợp giữa xây và chống, trong đó lấy xây làm chính. Mất cảnh giác, lúc nào cũng tô hồng hiện thực “cuộc đời vẫn đẹp sao” là không nên”, ông Bùi Văn Tiếng nhấn mạnh.  

Nhà nghiên cứu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng bàn về các vấn đề liên quan đến giáo dục.

Bàn giáo dục phải hiểu về giáo dục

Với tư cách là một nhà nghiên cứu, từng gắn bó lâu năm trong nghề giáo dục, từng giữ cương vị Phó Chủ tịch UBND TP- ông Nguyễn Hoàng Long trăn trở cho rằng: Khi bàn về giáo dục cần phải hiểu về giáo dục, hành xử về giáo dục, yêu cầu về giáo dục như thế nào cho đúng. Theo đó, cần phải quay lại các nguyên lý đã được tổng kết, đúc kết đó là: Học phải đi đôi với hành; nhà trường gắn liền với gia đình và xã hội; lý thuyết phải đi đôi với thực tiễn. Vấn đề là khi triển khai thực hiện có tuân, tôn theo những điều này hay không? Và vì sao không tôn theo những nguyên lý này? Nói khác đi, chỉ khi nào giáo dục nước ta tuân, tôn theo những quan điểm đã được tổng kết thì lúc đó giáo dục mới có được thành tựu tốt.

Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hoàng Long, nói đến mối quan hệ gắn kết giữa nhà trường-gia đình- xã hội, cần phải định hướng “gắn” như thế nào? Sẽ như thế nào khi nhà trường chỉ con đường A, về  gia đình chỉ con đường B, xã hội thì đi con đường C? Theo đó, ông Nguyễn Hoàng Long cho rằng, mối quan hệ giữa nhà trường- gia đình- xã hội là mối quan hệ biện chứng, mỗi bên cần phải thấy vai trò của mình, đừng đổ lỗi cho nhau. Nếu cứ mãi đổ lỗi thì không bao giờ hi vọng có một nền giáo dục tốt được. Đặc biệt, phải nêu được tính làm gương của người lớn, từ trên cao xuống thấp. Lãnh đạo cao nhất phải tốt mới có thể nói các cháu tốt được. Người lớn phải tốt thì trẻ nhỏ mới nghe theo.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Long, đã là xã hội thì bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra, chỉ là không biết nó sẽ xảy ra vào lúc nào, ở đâu. Cho nên đối với tất cả những vấn đề không bình thường trong xã hội xảy ra, cần phải bình tĩnh để có hướng xử lý. Đừng có quá bức xúc sẽ làm sự việc rối lên, không còn tĩnh tâm để nhìn nhận vấn đề. Khác với mọi ngành nghề, ngành nghề GD có tính xã hội rất cao nên ai cũng có thể nói, bàn về giáo dục được cả. Yêu cầu xã hội đối với người làm trong nghề này rất cao. Tuy nhiên, khi xã hội bàn về giáo dục thì cũng cần phải hiểu về giáo dục.

“Trong giáo dục có nguyên tắc là tôn trọng HS, nhưng cũng yêu cầu rất cao từ các em. Xã hội bây giờ nhìn về giáo dục như thế nào? Sự tôn trọng thì đã rõ nhưng nhiều khi thái độ không tôn trọng đã dẫn đến uy tín của giáo dục bị giảm sút. Nhà giáo dục ngoài trí tuệ, tâm huyết, thì hiệu quả chính ở uy tín. Cho nên, bản thân những người làm giáo dục phải giữ uy tín cho mình thế nào để có thể làm giáo dục, nhưng mặt khác xã hội cũng cần có hiểu biết để cùng góp một tiếng nói định hướng cho học trò…”, ông Nguyễn Hoàng Long chia sẻ.

P.THỦY (ghi)